Những ngôi nhà ven sông ở Atalaia do Norte (Brazil). Ảnh: Guardian. |
Ba sát thủ bước vào một quán bar nằm sâu trong rừng Amazon của Brazil vào một đêm tháng 10/2022. Dưới men bia, những người đàn ông này đã nói về công việc mới nhất của họ. “Chúng tôi đang tìm gã Orlando này. Chúng tôi đến để giết hắn”, một trong những sát thủ nói.
Orlando được đề cập là Orlando Possuelo, một trong những người đang tìm cách tiếp tục công việc của người đồng nghiệp Bruno Pereira, kể từ khi ông Pereira bị giết cùng với nhà báo người Anh Dom Phillips gần thung lũng Javari vào tháng 6 năm ngoái.
Kế hoạch giết người của ba sát thủ này đã không thành công, và Guardian cho biết vẫn không rõ ai là người hạ lệnh . Tuy nhiên, ông Possuelo, người đã chứng kiến hai cộng sự thân thiết bị sát hại trong 4 năm qua, thừa nhận lời cảnh báo đó khiến ông chấn động.
Trước đó, vụ nhà hoạt động Pereira và nhà báo Phillips bị sát hại đã phơi bày sự tàn phá môi trường ở Brazil dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro.
Những tấm ảnh cuối cùng
Vào ngày 5/6/2022, nhà báo người Anh Dom Phillips cùng nhà hoạt động vì quyền thổ dân Pereira đã mất tích ở thung lũng Javari. Thi thể của họ được tìm thấy 10 ngày sau đó, sau khi các nghi phạm chính, những người đánh cá trái phép, thú nhận tội ác.
Chiếc điện thoại của ông Pereira được tìm thấy vào tháng 10/2022, khi các nhà hoạt động từ tổ chức bảo vệ quyền của người thổ dân Univaja, nơi ông làm việc, quay lại đoạn rừng bị ngập ở gần sông Itaquaí. Đây là địa điểm mà thi thể 2 người đàn ông được đem tới sau khi bị bắn chết trên thuyền vào sáng 5/6/2022.
Những tấm ảnh và video tìm thấy ở gần hiện trường nơi 2 người đàn ông bị sát hại đã giúp hé lộ hành trình của họ trong những ngày cuối tại rừng Amazon ở Brazil, theo Guardian.
Một năm trước, vào một buổi chiều thứ sáu, ông Pereira và nhà báo người Anh Dom Phillips đã đi dọc theo sông Itaquaí ở vùng viễn Tây Brazil, đến khu định cư Ladario.
Cộng đồng ven sông nơi ông Pereira và nhà báo Phillips trải qua những đêm cuối cùng. Ảnh: Guardian. |
Họ được chào đón bởi người đàn ông mà mọi người gọi là Caboclo. “Tôi đã nói với Bruno rằng vào cuối tháng, tôi sẽ thu hoạch 700 nải chuối. Ông ấy nói: ‘Tôi sẽ đến Brasília và quay lại với một giải pháp để giúp anh bán chuối’”, Caboclo nói với AP.
Tuy nhiên, ông Bruno sẽ không trở lại. Trong vòng 48 giờ, ông và nhà báo Phillips bị phục kích và bị bắn, thi thể của họ bị đốt cháy, phân xác và chôn trong một ngôi mộ nông dưới sông.
Theo New York Times, vụ sát hại này đã khiến cộng đồng quốc tế chú ý đến cuộc xung đột đẫm máu ở rừng nhiệt đới Amazon.
Rubén Dario da Silva Villar, người được biết đến rộng rãi với tên Colombia, đã ra lệnh giết ông Pereira. Villar cho rằng ông Pereira đang giúp các bộ lạc bản địa chống lại việc đánh bắt cá và săn bắn trái phép, và điều đó đã làm tổn hại đến công việc kinh doanh của Villar.
Khi những người đàn ông khác thực hiện mệnh lệnh, truy đuổi ông Pereira trên một chiếc thuyền và bắn ông bằng súng ngắn, họ cũng giết người đi cùng là Phillips, 57 tuổi. Ông Villar cùng ít nhất 3 người đàn ông khác đã bị buộc tội giết người và giấu xác.
Đương đầu với nguy hiểm
Một năm sau khi hai người đàn ông bị sát hại, các nhà lãnh đạo bản địa và nhiều người khác như ông Possuelo đang tăng cường nỗ lực đấu tranh để bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, cũng như những người bản địa sống sống ở đó từ rất lâu trước khi các nhà thám hiểm châu Âu đến vào thế kỷ XVI.
Các nhà hoạt động đã bất chấp nhiều nguy hiểm khi đối đầu với tội phạm môi trường và các nhóm tội phạm có tổ chức đang siết chặt khu vực Amazon.
“Nếu họ giết tôi, tôi sẽ lên thiên đàng, vì tôi đang bảo vệ lãnh thổ của mình”, Daman Matis, 27 tuổi, chia sẻ. Anh đang giúp quản lý một căn cứ bảo vệ ven sông của chính phủ trên một trong những tuyến đường thủy. Những người khai thác vàng bất hợp pháp đã sử dụng tuyến đường thủy này để xâm phạm các vùng đất được bảo vệ của người bản địa.
Một tấm selfie của Bruno Pereira, chụp tại thung lũng Javari vào tháng 5/2022, được cảnh sát tìm thấy trong điện thoại của ông. Ảnh: Guardian. |
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã tăng cường các nỗ lực của chính phủ để bảo vệ các cộng đồng bản địa và môi trường.
Trong một tín hiệu tích cực rõ ràng đầu tiên về bảo vệ rừng kể từ khi Tổng thống Lula nhậm chức, tình trạng chặt phá rừng tại Brazil trong tháng 4/2023 giảm 68% so với cùng kỳ năm 2022, Reuters dẫn số liệu từ chính phủ Brazil ngày 12/5.
Các đặc nhiệm cảnh sát liên bang, lực lượng đặc nhiệm môi trường và quân đội đã được triển khai tới Amazon trong nỗ lực tái khẳng định quyền kiểm soát và gửi thông điệp tới thế giới về cam kết của Brazil trong việc xóa bỏ nạn phá rừng bất hợp pháp và chống lại tình trạng khẩn cấp khí hậu.
“Chúng tôi muốn mở ra một kỷ nguyên mới trong khu vực”, Humberto Freire, người đứng đầu Sở cảnh sát liên bang về môi trường và Amazon, cho biết.
Tại Atalaia do Norte, thị trấn ven sông xa xôi mà ông Pereira và Phillips đang di chuyển khi họ bị phục kích, một căn cứ cảnh sát nổi khổng lồ đang thực hiện nỗ lực đó.
Nhiều người dân địa phương cho rằng chiến dịch đó đã mang đến hiệu quả. Tuy nhiên, sự sợ hãi, viễn cảnh không chắc chắn và bạo lực vẫn đeo bám lãnh thổ Javari, nơi các cộng đồng bản địa bị cô lập tập trung với mật độ đông nhất thế giới. Các cộng đồng bản địa và nhiều nhà vận động vẫn đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa.
Brazil đầu thế kỷ XXI
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về chính trị Brazil mang tên "Brazil đầu thế kỷ XXI" do NXB Từ điển Bách Khoa xuất bản năm 2012. Cuốn sách tập trung vào những vấn đề chính trị và kinh tế của Brazil, từ đó đưa ra một số đánh giá chung và khả năng mở rộng quan hệ với Việt Nam cũng như triển vọng kinh tế - chính trị Brazil.