Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu tiên của Mitsubishi Xforce - mẫu xe được sản xuất và đã mở bán tại Indonesia. Xe thuộc phân khúc SUV đô thị hạng B, đây hiện là một trong những phân khúc sôi nổi nhất trên thị trường vào thời điểm hiện tại.
Vậy "làn gió mới" Mitsubishi Xforce có gì hấp dẫn để gây sức ép trước những cái tên quen thuộc như Kia Seltos, Hyundai Creta hay mới nhất là Toyota Yaris Cross?
Thiết kế khác biệt với số đông
Nếu so với mẫu "đàn anh" Xpander cũng dùng ngôn ngữ Dynamic Shield, ngôn ngữ thiết kế trên Xforce cho cảm giác khỏe khoắn hơn khá nhiều. Hãng xe Nhật Bản gọi phong cách thiết kế trên Xforce là ngôn ngữ Dynamic Shield thế hệ mới.
Dù vẫn mang kiểu dáng gọn gàng quen thuộc của một xe gầm cao dành cho đô thị, Mitsubishi Xforce vẫn cho cảm giác khác lạ với số đông. Tổng thể Xforce nhìn cơ bắp hơn những mẫu xe Hàn Quốc như Kia Seltos hay Hyundai Creta, tuy nhiên trông vẫn mềm mại hơn khi đặt cạnh Honda HR-V.
Điểm nhấn bên ngoài là thiết kế cụm đèn trước và sau dạng chữ T, chi tiết từng tạo được sự chú ý trên mẫu xe concept Mitsubishi XFC. Trang bị đèn chiếu sáng LED kết hợp cùng gương cầu được xem là điểm mạnh khi đặt cạnh các đối thủ trong phân khúc vốn hầu hết đều dùng LED phản xạ.
Lợi thế của Xforce là khoảng sáng gầm đạt mức 222 mm - cao nhất phân khúc. Lợi thế về khoảng sáng gầm giúp Xforce linh hoạt hơn khi di chuyển lên/xuống vỉa hè, các gờ cao...
Tổng thể khoang lái của Xforce được làm theo hướng đơn giản thay vì quá hiện đại như các mẫu xe Hàn Quốc. Khu vực táp-lô chỉ chừa lại duy nhất cụm phím cơ để điều chỉnh nhiệt độ, toàn bộ các nút điều khiển khác đều được làm dạng cảm ứng và đặt ẩn vào màn hình giải trí trung tâm.
Mitsubishi Xforce là mẫu xe đầu tiên trong phân khúc dùng chất liệu vải melange ở khu vực táp-lô cũng như ốp cửa, những khu vực này thông thường chỉ sử dụng chất liệu nhựa giả vân da hoặc cao cấp hơn là bọc da công nghiệp. Lựa chọn chất liệu vải giúp khoang lái của Xforce trông sang trọng hơn, tuy nhiên cũng đòi hỏi việc chăm sóc và bảo dưỡng kỹ lưỡng hơn.
Cạnh tranh bằng trang bị
Mitsubishi khá chiều lòng khách hàng Việt Nam khi trang bị cho Xforce nhiều công nghệ an toàn chủ động như kiểm soát hành trình thích ứng, cảnh báo và giảm thiểu va chạm phí trước, cảnh báo phương tiện cắt ngang... Hai phiên bản Premium và Ultimate còn có thể điều chỉnh 4 chế độ lái, đi kèm là 6 túi khí thay vì 4 túi khí như bản GLX và Exceed.
Xforce còn ghi điểm bằng những trang bị mang tính thực dụng cao như hàng ghế sau có thể ngả 8 mức, hộc chứa đồ trung tâm có tính năng làm mát, kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây... Đây đều là những trang bị hiếm có thể tìm thấy trên các mẫu xe đô thị hạng B đang bán trên thị trường.
Tất nhiên nếu muốn có đủ những tính năng vừa kể, khách hàng phải lựa chọn phiên bản cao nhất Ultimate. Ngoài ra, phiên bản Ultimate còn được trang bị hệ thống âm thanh Dynamic Sound Yamaha Premium duy nhất phân khúc, người dùng có thể điều chỉnh 4 chế độ âm thanh tùy theo sở thích cũng như dòng nhạc đang nghe.
Về phần động cơ, Xforce vẫn dùng động cơ 1.5L MIVEC của "đàn anh" Xpander. Nếu đặt cạnh những đối thủ, rõ ràng sức mạnh của khối động cơ này không tạo ra sự vượt trội nếu không muốn nói là có phần yếu thế hơn. Tuy nhiên chuyển sang dùng hộp số CVT giúp Xforce có lợi thế hơn về sự êm ái và khả năng tiết kiệm nhiên liệu khi sử dụng trong điều kiện đô thị.
Nhìn chung, Xforce không tập trung vào hiệu năng, người dùng tìm kiếm một chiếc xe chạy phố mạnh mẽ chắc chắn sẽ không thích Xforce, tuy nhiên nhóm khách hàng này không phải là số đông. Thay vào đó, Xforce hướng đến nhóm người dùng cần một chiếc xe đô thị với đầy đủ những món đồ chơi cũng như sự tiện dụng mà Mitsubishi lắp lên xe và trang bị an toàn (ở phiên bản cao nhất).
Bản cao nhất cần có giá hấp dẫn
Mitsubishi Xforce có giá từ 620 triệu đồng, tất nhiên con số này chỉ dành cho phiên bản thấp nhất GLX với trang bị dừng ở mức tối thiểu như điều hòa cơ, màn hình giải trí 8 inch, không có hệ thống an toàn chủ động... Phiên bản cao nhất Ultimate hiện vẫn chưa công bố giá bán nhưng chắc chắn sẽ cao hơn mức 700 triệu đồng của bản Premium.
Nếu muốn trở thành "vua phân khúc" như các Xpander đang làm ở nhóm MPV đô thị, Mitsubishi Xforce Ultimate cần có giá bán không quá 750 triệu đồng. Con số này vẫn đắt hơn bản cao nhất của Hyundai Creta và Seltos lần lượt 10 triệu và 30 triệu đồng, tuy nhiên nếu xét về tương quan giá bán và trang bị, con số 750 triệu đồng là hợp lý cho Xforce Ultimate.
Theo kế hoạch, Mitsubishi Việt Nam sẽ giao đến tay khách hàng những chiếc Xforce đầu tiên vào tháng 3, riêng phiên bản Ultimate phải đợi đến giữa năm nay. Nhiều khả năng Mitsubishi Việt Nam sẽ công bố giá bán Xforce Ultimate vào thời điểm bàn giao các phiên bản còn lại của Xforce đến người tiêu dùng.
Tóm lại, với lợi thế "khai phá" từ người đàn anh Xpander, Mitsubishi đã biết người dùng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần gì ở một mẫu xe đô thị. Xforce là câu trả lời phù hợp và nó có nhiều cơ hội để cùng với Xpander gánh vác doanh số cho hãng xe Nhật Bản tại thị trường Việt Nam, cũng như tại Indonesia, nơi có một số điểm tương đồng với Việt Nam.
Tuy vậy nhìn một cách thực tế, Xforce mang lại giá trị vừa đủ với giá bán, không phải là một món hời quá lớn dành cho người dùng. Nếu các đối thủ trong phân khúc sử dụng quân bài ưu đãi giảm giá, Xforce sẽ gặp không ít khó khăn. Hãy cùng chờ xem Hyundai, Kia và Toyota sẽ làm gì khi tân binh Xforce chính thức tới tay khách hàng.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.