Theo Cảnh sát Metropolitan, 2017 là năm tồi tệ nhất đối với London (Anh) khi các vụ tấn công bằng axit cao kinh hoàng (465 vụ). Tháng 7/2017, George Mann của BBC trích số liệu thống kê của cảnh sát: "Các vụ tấn công liên quan đến các chất ăn mòn đã tăng gấp đôi ở Anh kể từ năm 2012. Phần lớn vụ án xảy ra ở London".
Trung tâm nghiên cứu Acid Survivors Trust International (ASTI) nhận định Anh có tỷ lệ tấn công bằng axit trên đầu người cao nhất thế giới. Chỉ tính riêng 5 năm (2011-2016), thành phố London phải hứng chịu 1.464 tội phạm liên quan đến axit hoặc các chất ăn mòn. Đây là thời điểm kinh hoàng với đất nước này khi axit trở thành nỗi ám ảnh len lỏi khắp các đường phố, ngõ ngách. Trường hợp đáng chú ý nhất là vụ tấn công vào cựu người dẫn chương trình truyền hình Katie Piper tháng 3/2008.
Tuy nhiên, đó chưa phải là quốc gia duy nhất đối diện với nỗi sợ hãi và đau đớn do dung dịch này gây ra.
Số lượng vụ tấn công axit tăng cao ở phía Đông London. Ảnh: Twitter. |
Từ loại hóa chất dùng để luyện kim đến vũ khí giết người man rợ
Từ thời cổ đại, axit đã được sử dụng trong luyện kim và điêu khắc. Khi đó không ai nghĩ rằng đây lại là vũ khí giết người dã man và để lại hậu quả kinh hoàng. Năm 1879, thế giới ghi nhận 16 trường hợp sử dụng dung dịch này với mục đích tấn công phụ nữ.
Ngày 17/10/1915, axit gây ra cái chết cho Hoàng tử Leopold Clement (người thừa kế của nhà Koháry nước Áo). Nguyên nhân của vụ ám sát này là người tình hoàng tử - Camilla Rybicka - quẫn trí sinh ra hận thù. Sau khi gây án mạng, cô tự sát.
Theo Trung tâm Phụ nữ và Tư pháp Toàn cầu Avon, Nam Á là khu vực có tỷ lệ xảy ra các cuộc tấn công axit cao nhất trên thế giới (số liệu năm 2011). Tính đến năm 2013, ba quốc gia có tỷ lệ tấn công axit đáng chú ý nhất là Bangladesh, Ấn Độ. Đây cũng là các khu vực axit bị sử dụng như một vũ khí để trả thù. Các cuộc tấn công axit được ghi nhận đầu tiên ở Nam Á xảy ra tại Bangladesh vào năm 1967, sau đó đến Ấn Độ năm 1982.
Kể từ những năm 1990, Bangladesh đã báo cáo số vụ tấn công và tỷ lệ nạn nhân chịu hậu quả của axit tăng cao với 3.512 người từ năm 1999 đến 2013. Ở Pakistan và Ấn Độ, các cuộc tấn công bằng axit vẫn tăng lên hàng năm, theo New York Times.
Nghiên cứu của ASFI cho thấy Ấn Độ có 349 vụ tấn công bằng chất hóa học này trong năm 2014. Con số tăng gấp 3 lần so với năm 2013 (116 vụ) và 2012 (106 vụ). Tuy nhiên, trên thực tế, con số có thể lên tới 1.000 vụ mỗi năm, theo Mail Online.
New York Times nhận định động cơ của các vụ tấn công bằng axit đến từ động cơ trả thù, bạo lực gia đình và cả tội phạm có tổ chức.
Vết sẹo đến hết cuộc đời
Những người sống sót sau các vụ tấn công bằng axit phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe và tâm lý. Một nghiên cứu của nhóm bác sĩ khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Chỉnh hình, Bệnh viện Royal Free (London, Anh), cho thấy nạn nhân da màu bị tấn công axit có mức độ lo lắng, trầm cảm cao hơn bình thường.
Ảnh hưởng kinh hoàng nhất của các cuộc tấn công axit là sự biến dạng cơ thể không thể phục hồi. Theo Tổ chức Cứu nạn axit ở Pakistan, các nạn nhân có tỷ lệ sống sót cao. Chính vì thế, họ phải đối mặt với những cơn đau kéo dài và hàng loạt cuộc phẫu thuật chỉnh hình.
Reshma Qureshi (Ấn Độ) - cô gái bị anh rể tạt axit khi mới chỉ 17 tuổi. Ảnh: Reuters. |
Nhiều nạn nhân không báo cáo với cảnh sát vì sợ hãi và tuyệt vọng. Họ không tin tưởng luật pháp có thể trừng trị thích đáng những kẻ thủ ác. Thậm chí, một số người không nói ra vì bị hung thủ đe dọa, khủng bố. Phần lớn thủ phạm gây ra các vụ tạt axit phụ nữ tại quốc gia Nam Á thường chịu hình thức xử phạt nhẹ, thậm chí thoát tội. Ở Ấn Độ, bản án tối đa cho kẻ sử dụng axit làm "hung khí" gây án là 10 năm tù. Tuy nhiên, phần lớn thủ phạm đều thoát tội.