Nhiều tân sinh viên gặp khó khăn trong học tập khi mới vào đại học. Ảnh: Adobestock. |
Ngày nhận được thông báo trúng tuyển, Minh Khoa tỏ rõ sự háo hức khi được bước vào môi trường sống và học tập mới.
Dù đã chuẩn bị tinh thần học đại học không nhàn, song nam sinh vẫn "choáng" với nội dung và độ khó của một số môn học, thậm chí "không hiểu gì" sau mỗi giờ lên lớp.
Không riêng Khoa, lên đại học, khi cùng lúc tiếp xúc với nhiều môn học mới mà mình chưa từng học trước đây, nhiều tân sinh viên cảm thấy "ngợp" và khó thích nghi ngay.
Học không hiểu gì, chỉ sợ trượt môn
Minh Khoa kể học kỳ đầu tiên, cậu học 5 học phần gồm Hóa học đại cương, Toán cao cấp, Triết học, Sinh học đại cương và Giáo dục quốc phòng.
Các môn học, nam sinh vẫn cảm thấy tiếp thu được kiến thức và duy trì ở mức ổn. Duy chỉ có môn Toán cao cấp, Khoa nói "học không hiểu gì", dù trước đó trúng tuyển vào trường bằng khối B00 (Toán, Hóa, Sinh).
Nam sinh đánh giá môn học này có khối kiến thức nặng, đòi hỏi tư duy thật tốt thay vì học thuộc lòng. Học được vài buổi, dù về nhà vẫn xem lại kiến thức, làm bài tập, hỏi bạn bè, song Khoa chỉ hiểu vài phần, luôn sợ sẽ trượt môn học này nếu tình hình không cải thiện.
Bên cạnh đó, Khoa cho biết thời gian học mỗi môn có thể kéo dài 3-5 tiết, do vậy, khối lượng kiến thức cần thu nạp rất lớn. Trong khi đó, tốc độ giảng bài của một số giảng viên lại nhanh. Nếu mất tập trung hay chểnh mảng, sinh viên rất dễ tụt lại phía sau.
Nam sinh cũng nhận định chương trình đại học yêu cầu sinh viên phải chủ động, tự học, tự nghiên cứu, nhưng việc tìm kiếm tài liệu của tân sinh viên khó khăn do không biết tìm ở đâu.
Tương tự, Như Ý (sinh viên năm nhất tại Cần Thơ) cũng bối rối khi không biết phương pháp học tập của mình có đúng không.
Ý kể ở bậc phổ thông, em chỉ cần học trên lớp và về nhà đọc qua là hiểu bài nhưng đại học thì khác. Với khối kiến thức đồ sộ, cô phải tìm hiểu trước khi học. Điều này Ý rút ra sau vài tuần học đầu tiên. Tuy nhiên, nữ sinh vẫn lo bởi mới học thời gian ngắn, về lâu dài, không biết phương pháp này có hiệu quả không.
Tương tự Khoa, Ý cho hay lên đại học, nữ sinh cũng "sốc" khi có môn học, số lượng sinh viên lên tới hàng trăm người. Ý học mà chỉ nghe tiếng giảng viên qua loa, mic, chứ không thấy thầy cô đâu vì quá đông.
"Đại học sẽ không còn việc thầy cô xuống tận nơi giảng bài hay nhắc lại nội dung nếu mình lỡ mất tập trung không nghe giảng", nữ sinh cho hay mất vài tuần, cô mới có thể bắt nhịp với môi trường học mới.
Thầy Sơn đánh giá có tới 50-60% tân sinh viên chưa thích nghi được khi mới bước vào đại học. Ảnh minh họa: Thế Bằng. |
60% tân sinh viên gặp khó khăn trong học tập
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công Thương TP.HCM, nhận định tân sinh viên đối mặt nhiều khó khăn khi mới bước vào đại học, nhất là trong học tập, là chuyện dễ hiểu.
Thầy Sơn đánh giá có tới 50-60% tân sinh viên gặp phải tình trạng này. Lý do là sự thay đổi môi trường học tập. Bên cạnh đó, đa số tân sinh viên vẫn quen với cách học "cầm tay chỉ việc" ở bậc phổ thông.
Ở bậc đại học, khối lượng kiến thức lớn, trong khi cách học hoàn toàn mới, sinh viên cần chủ động nghiên cứu, tìm tòi, sẽ không ai thúc giục các em trong việc học mà các em cần tự giác. Nếu không có sự chuẩn bị, các em bị "ngợp" là điều dễ hiểu.
Thầy Sơn cũng lưu ý một số hậu quả nếu sinh viên không thích nghi kịp như kết quả học tập bị ảnh hưởng. Các em có thể đạt điểm thấp hoặc thậm chí thi lại nhiều môn. Từ đó, sinh viên có thể mất động lực, chán nản, mất phương hướng trong học tập khi đối mặt với nhiều khó khăn mà không có giải pháp.
"Áp lực từ việc học tập không hiệu quả, kết hợp với cảm giác chán nản có thể gây ra căng thẳng, lo âu hoặc thậm chí trầm cảm", thầy Sơn nhận định.
Thầy cũng lưu ý nhiều trường hợp sinh viên có tâm lý "xả hơi" khi lên đại học. Điều này rất nguy hại bởi đại học là khoảng thời gian để các em phát triển kiến thức chuyên môn và rèn luyện kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp. Xem nhẹ giai đoạn đại học có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai.
Chia sẻ với những khó khăn của tân sinh viên, ThS Sơn khuyên các em trước hết cần bình tĩnh, tập trung xem xét đang gặp khó ở đâu, sau đó tìm giải pháp.
Đầu tiên, các em cần lập kế hoạch học tập, có thể tự lập hoặc nhờ sự hỗ trợ của các phần mềm để sắp xếp thời gian cho từng môn học và công việc khác nhau. Các em nên chia nhỏ thời gian ra thành các khoảng học ngắn, xen kẽ với nghỉ ngơi để tránh cảm giác quá tải.
Thứ hai là tìm kiếm tài liệu học tập phù hợp. Tân sinh viên có thể bắt đầu với giáo trình môn học, nhưng đừng chỉ dừng lại ở đó. Các em nên tận dụng các nguồn tài liệu bổ sung, có thể tìm kiếm ở thư viện, các trang học thuật như Google Scholar, bài giảng trực tuyến...
Thứ ba, các em nên có phương pháp ghi chép hiệu quả. Tân sinh viên có thể sử dụng các phương pháp ghi chép như sơ đồ tư duy để sắp xếp lại kiến thức một cách dễ hiểu. Điều này giúp các em nhớ lâu và có hệ thống hơn.
Cuối cùng, khi gặp khó khăn, các em nên chủ động kết nối với giảng viên, trợ giảng hoặc các bạn cùng lớp.
"Các em đừng ngại đặt câu hỏi. Tham gia các nhóm học tập cũng là cách tốt để trao đổi và học hỏi lẫn nhau", thầy Sơn khuyên.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.