Phương pháp tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ giúp bệnh nhân mau hồi phục, ít biến chứng. Ảnh: iStock. |
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ (38 tuổi) có sỏi san hô nguyên phát bên trái, kích thước 60x40x25 mm. Bệnh nhân được lấy sạch sỏi thông qua chỉ một đường mổ khoảng 0,5 cm.
Trường hợp thứ 2 là sỏi san hô thứ phát trên bệnh nhân nữ (78 tuổi). Do quên không tái khám từ lần tán sỏi 2 năm trước đó, sỏi bám từ bàng quang kéo dài lên niệu quản, đài bể thận.
Trường hợp bệnh nhân này nếu mổ hở cần rạch tối thiểu 2 đường mổ dài, tuy nhiên, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định xử lý sỏi cho người bệnh bằng phương pháp đường hầm nhỏ.
Bệnh nhân được tán sỏi qua 3 chặng: Nội soi tán sỏi bàng quang, sỏi niệu quản và cuối cùng là sỏi thận. Sau can thiệp tán sỏi, các bệnh nhân ít đau, hồi phục sớm, xuất viện chỉ sau 3 ngày can thiệp.
Bệnh nhân được tán sỏi qua 3 chặng và phục hồi bình thường sau 3 ngày. Ảnh: BVCC. |
Từ lâu, sỏi san hô được biết đến là một trong những loại sỏi đường tiết niệu lớn nhất và can thiệp phức tạp nhất. Sỏi thường đúc khuôn dính chặt vào đài bể thận, có nhiều cành, nhiều nhánh như san hô.
Nguy hiểm hơn, loại sỏi này khi hình thành trong cơ thể thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi người bệnh phát hiện, sỏi có thể gây biến chứng như giảm chức năng thận, teo thận.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Tôn Thất Minh Thuyết, Phó trưởng khoa Ngoại Tổng quát, Trưởng đơn nguyên Ngoại Tiết niệu, 2 trong hợp nói trên nằm trong số hàng trăm bệnh nhân được thực hiện tán sỏi thận mỗi năm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà.
Trước đây, việc can thiệp sỏi cần phải rạch đường mổ lớn. Sau mổ bệnh nhân đau rất nhiều, thời gian bình phục kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống về sau. Thậm chí, một số bệnh nhân vì sợ mổ mà để quá lâu, thận teo dẫn đến mất chức năng, phải cắt thận.
Tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ là một trong những phương pháp tán sỏi được nhận định là có tính an toàn cao, loại bỏ sạch sỏi với tỷ lệ biến chứng thấp. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tạo ra một đường hầm có kích cỡ từ 6-10 mm. Đường hầm này nối đến thận và sỏi. Các bác sĩ sẽ tiến hành nén hoặc laser tạo áp lực và hút sỏi ra ngoài. Bằng cách này, sỏi có thể được xử lý triệt để, ngay cả những vụn sỏi có kích cỡ nhỏ.
Công nghệ này có thể giảm đau, giảm biến chứng sau mổ, giúp bệnh nhân mau hồi phục, giảm thời gian nằm viện và sớm trở lại với sinh hoạt bình thường.
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.