Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tân vương' Olympia chia sẻ cách ôn thi đại học

Hệ thống lại kiến thức đã ôn theo chủ đề, bám sát kiến thức SGK, đọc tham khảo đề thi và cách tính điểm trong đáp án đề thi những năm trước, rũ bỏ suy nghĩ “buộc phải đậu”… là những bí quyết của Đặng Thái Hoàng.

'Tân vương' Olympia chia sẻ cách ôn thi đại học

Hệ thống lại kiến thức đã ôn theo chủ đề, bám sát kiến thức SGK, đọc tham khảo đề thi và cách tính điểm trong đáp án đề thi những năm trước, rũ bỏ suy nghĩ “buộc phải đậu”… là những bí quyết của Đặng Thái Hoàng.

>> Phương pháp giúp teen ôn thi Đại học hiệu quả

Thời điểm đã cận kề kỳ thi ĐH, CĐ 2012, “tân vương” Olympia 2012 - Đặng Thái Hoàng và Thân Ngọc Tĩnh - giải nhì đã chia sẻ phương pháp ôn nhanh để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH sắp tới. Hai bạn đưa ra lời khuyên: Nên hệ thống lại kiến thức, tránh áp lực tâm lý để có kết quả thi tốt nhất.

Hệ thống lại kiến thức đã ôn

Theo Thái Hoàng, đây là thời điểm mà thí sinh (TS) nên khái quát lại tất cả những gì mình đã “thu gom” được trong quá trình ôn. Vì ôn thi ĐH là một quá trình dài tích lũy, đào sâu kiến thức, đòi hỏi sự nỗ lực cá nhân và phương pháp ôn thích hợp nên nếu không hệ thống lại thì rất dễ để “rơi vãi thành quả”, ảnh hưởng tới kết quả thi.

“Vẫn có thể phân theo chủ đề ôn cho mỗi môn như: môn Toán phân thành các chủ đề về Lượng giác, Hàm số, Tổ hợp, Đẳng thức và Bất đẳng thức…; môn Vật lý phân chủ đề theo các chương của SGK như Giao động cơ học, Giao động điện từ, Ánh sáng…; môn Lịch sử phân chủ đề theo giai đoạn lịch sử, nội dung các sự kiện lớn, hoàn cảnh, diễn biến, ý nghĩa của các phong trào cách mạng…; môn Văn ôn theo tác giả, nghị luận xã hội, nghị luận văn học, lưu ý sự kiện quan trọng đang diễn ra trong xã hội…; môn Hóa thì theo hóa học hữu cơ, hóa học vô cơ…; môn Anh văn theo các phần của dạng đề thi những năm trước” - Thái Hoàng chia sẻ

Trước khi đi Úc du học, Thái Hoàng vẫn chăm chỉ ôn để tham gia kỳ thi ĐH 2012. Theo Hoàng, kỳ thi này sẽ giúp Hoàng có thêm trải nghiệm, trau dồi, đánh giá kiến thức bản thân.

Chung quan điểm, Ngọc Tĩnh cho rằng hầu hết đề thi ĐH những năm trước đều nằm trong chương trình THPT. Lượng kiến thức này khá “đồ sộ”, cần một quá trình ôn lâu dài, thường xuyên mới có thể hiểu được trọn vẹn. Vì thế, trong thời gian ngắn này, TS thi khối các môn tự nhiên như A, A1, B… chỉ nên dành thời gian xem lại các công thức, định lý, phương pháp giải các dạng bài tập quan trọng đã được giáo viên chỉ trên lớp, không nên lãng phí thời gian vào việc tìm “đề thi lạ” để giải. Với TS thi khối các môn xã hội, không nên “bói đề, học tủ” mà cần xem lại cách trình bày ý làm sáng tỏ nội dung chính khi làm bài thi, tham khảo cách “chẻ ý tính điểm” trong đáp án của Bộ GD&ĐT trong đề thi ĐH những năm trước.

Tài liệu ôn tốt nhất là SGK

“Không còn thời gian để đọc các loại sách tham khảo lan man, vì không chắc những cuốn sách đó có nhiều kiến thức phục vụ cho việc thi ĐH. Đa phần kiến thức trong đề thi ĐH, CĐ đều nằm trong SGK. Bởi vậy, bám sát SGK để ôn là phương pháp hiệu quả nhất… SGK là tài liệu chính thống, đề thi, đáp án cũng dựa vào đây mà ra nên em nghĩ những TS nào học kỹ kiến thức đó sẽ có điểm cao” - Thái Hoàng nhận định.

Ngọc Tĩnh chia sẻ: “Em cũng hay đọc sách tham khảo, nhất là những cuốn sách phục vụ ôn thi ĐH khối A và D. Mỗi khi đọc em thường để ý các dữ kiện quan trọng có trong những cuốn sách này để so sánh với những dữ kiện trong SGK. Nếu có sự khác nhau về nội dung giữa hai loại sách này thì em luôn lấy dữ liệu trong SGK làm chuẩn. Theo em thì chỉ cần học thật kỹ SGK kết hợp với những kiến thức thầy, cô dạy trên lớp là đã có cơ hội cao để đậu ĐH… Điều này có thể chứng minh bằng việc nhiều năm nay nội dung đề thi ĐH yêu cầu có đến 70%-80% kiến thức nằm trong SGK”.

Tự tin để chiến thắng

Theo Ngọc Tĩnh và Thái Hoàng, tâm lý căng thẳng, hồi hộp sẽ khiến TS quên đi nhiều kiến thức đã tích lũy được. Khi tiếp xúc với đề thi mà quá hồi hộp thì không thể suy nghĩ, tìm cách giải quyết tốt nhất cho yêu cầu của đề bài. Trong những ngày này, nhiều TS còn gồng mình, thức thâu đêm để ôn. Điều này rất dễ làm TS kiệt sức khi vào phòng thi, không thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất.

“Nên tạo cho mình tâm lý thật thoải mái để thi tốt. ĐH không phải là con đường duy nhất để thành công. Đừng quá quan trọng là phải đậu bằng được. Vì đôi khi chính ý nghĩ “đậu bằng mọi giá” sẽ là vật cản dẫn đến thực trạng dù đã cố hết sức cũng không thể nào đậu được… Thực tế chỉ 1/3 TS có cơ hội được bước vào ĐH mỗi năm. Bởi vậy, ai bản lĩnh, tự tin, có sự chuẩn bị tốt hơn người đó sẽ chiến thắng” - Thái Hoàng bộc bạch. 

Không nên quá mê tín

Hiện nay trước mỗi kỳ thi, TS, phụ huynh thường lên chùa, đến nhà thờ… cầu may. Một số TS còn cho rằng việc ăn kiêng, ăn chay hay đi xin xăm trước và trong ngày thi sẽ làm cho TS có kết quả thi tốt hơn.

“Có một chút duy tâm cũng tốt. Nó khiến cho bản thân có thêm niềm tin, động lực và cảm giác thoải mái để thi. Nhưng quá mê tín thì không nên. Kết quả thi là thành quả của quá trình học tập, khả năng tư duy và bản lĩnh của mỗi TS chứ không phải là những thứ gì đó siêu nhiên, siêu hình mang lại…” - Thân Ngọc Tĩnh, giải nhì Olympia 2012, nói.

Thái Hoàng sẽ đi du học tại Úc

Hiện tại Thái Hoàng đang gấp rút hoàn thành hồ sơ đăng ký và học nâng cao trình độ tiếng Anh để theo học ngành Kiến trúc, khoa Xây dựng và Quy hoạch - Trường ĐH Công nghệ Swinburne (Swinburne University of Technology, Australia).

Dự kiến Hoàng sẽ sớm sang Úc theo học vào tháng 2-2013 (nếu vượt qua bài test tiếng Anh do Trung tâm Anh ngữ Hà Nội tổ chức vào cuối năm 2012) hoặc chậm nhất là tháng 7/2013.

Trước khi giành được “vòng nguyệt quế” Olympia 2012, Hoàng đã đăng ký dự thi vào khoa Kiến trúc và Quy hoạch — Trường ĐH Xây dựng Hà Nội và khoa tiếng Pháp - Trường ĐH Hà Nội. Sắp tới Hoàng vẫn tham gia kỳ thi ĐH 2012 nhưng chỉ để có thêm trải nghiệm chứ không theo học (nếu đủ điểm tuyển sinh của hai trường này).

Theo Pháp luật TPHCM

Theo Pháp luật TPHCM

Bạn có thể quan tâm