Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TAND Tối cao: 'Ông Trần Văn Vót không oan'

Từ kết quả thẩm định xác minh của Tổ chuyên viên liên ngành, TAND Tối cao khẳng định ông Trần Văn Vót, người kêu oan 23 năm qua không oan.

Liên quan đến việc ông Trần Văn Vót (67 tuổi, ở xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, Hà Nam) kêu oan suốt 23 năm qua, TAND Tối cao tổ chức họp báo sáng 19/10.

Giết người từ tranh chấp ruộng đất

Theo cáo buộc, cách đây 40 năm, Hợp tác xã  (HTX) Nông nghiệp Nhân Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ HTX Thanh Nga và HTX Nhân Phúc. Sau 4 năm thành lập, nội bộ ban quản lý HTX, trong đó có Trần Văn Vót (Bí thư chi bộ Nhân Phúc) nảy sinh mâu thuẫn, đòi tách làm hai như trước.

Sau khi tách thành 2 HTX, người dân làng Thanh Nga và Nhân Phúc liên tục xảy ra tranh chấp trong việc phân chia ruộng đất. Ngày 23/1/1992, họ cầm đòn gánh và cuốc lao vào đánh nhau khiến ông Vót và 6 người dân làng Nhân Phúc phải nhập viện.

Dù được các cấp, ngành liên quan tuyên truyền, giải quyết sự việc xong mâu thuẫn giữa hai làng vẫn căng thẳng.

Ngày 29/11/1992, người dân Thanh Nga và Nhân Phúc kéo nhau ra khu vực giáp ranh ném đất, đá vào nhau trước sự chứng kiến của 4 công an địa phương. Thời điểm đó, một quả lựu đạn được ném vào khu vực người dân Nhân Phúc khiến anh Trần Hoa Việt (32 tuổi) tử vong và 20 người khác bị thương nặng.

Sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Cự (người dân HTX Thanh Nga) về tội Giết người, Tàng trữ vũ khí trái phép. Tuy nhiên, ông Cự bỏ trốn.

Tran Van Vot keu oan anh 1
Ông Trần Văn Vót đang thụ án tại trại giam. Ảnh: Gia đình cung cấp.

3 tháng sau, anh Trần Ngọc Thanh (42 tuổi, người dân làng Nhân Phúc, đang là bộ đội nghĩa vụ tại E139, Bộ tư lệnh Thông tin) bị bắt để điều tra vụ nổ. Ngày 23/5/1993, ông Vót bị bắt tại UBND xã Phú Phúc để điều tra về hành vi Giết người và Tàng trữ vũ khí trái phép.

Theo kết luận điều tra, ông Vót chính là người tàng trữ và đưa lựu đạn cho Thanh để anh ta ném vào người làng mình.

Với hành vi trên, tháng 2/1992, TAND tỉnh Nam Hà (nay là Hà Nam) tuyên ông Vót tù chung thân về các tội Giết người, Tàng trữ vũ khí trái phép, Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế  - xã hội và Gây rối trật tự công cộng. Còn Thanh lĩnh 15 năm tù vì tội Giết người.

Ngoài ra, trong vụ án này còn có 26 bị cáo khác lĩnh án vì các tội Khai báo gian dối, Chống người thi hành công vụ, Gây rối trật tự công cộng…

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, ông Vót và nhiều bị cáo, bị hại kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt.

Tháng 8/1994, TAND Tối cao tại Hà Nội đưa vụ án trên ra xử phúc thẩm. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo cáo của các bị cáo cũng như đại diện hợp pháp của bị hại.

Ông Trần Văn Vót không oan

Sau khi tóm tắt lại nội dung vụ án, ông Lương Hồng Minh (cán bộ TAND Tối cao) cho biết sau khi xét xử phúc thẩm, TAND Tối cao và VKSND cùng cấp đã nhận được khiếu nại của Thanh, cha mẹ anh ta và ông Trần Văn Vấn (bố ông Vót). Trước khiếu nại trên, Phó Chánh án TAND Tối cao đã có công văn trả lời họ.

Theo đó việc Trần Ngọc Thanh tự thú là hoàn toàn tự giác, không có ai ép buộc, không có việc uống rượu dẫn đến khai sai sự thật. Tại cơ quan công an cũng như tại VKSND tỉnh Hà Nam, Thanh đều khai nhận tội của mình và thừa nhận không hề bị cán bộ đánh hoặc ép cung.

Việc ông Thông, bà Tân nại rằng người ném lựu đạn chiều 29/11/1992 là Trần Văn Cự (người dân làng Thanh Nga) là không có cơ sở. Bản án phúc thẩm xử phạt Trần Ngọc Thanh là đúng pháp luật.

Sau đó, TAND Tối cao tiếp tục nhận được đơn khiếu nại của bố mẹ Thanh và gia đình người bị hại Trần Văn Việt cho rằng việc điều tra vụ án không khách quan dẫn đến việc kết tội oan cho Thanh và ông Vót. Ngoài ra, TAND Tối cao còn nhận được nhiều đơn khiếu nại, đề nghị xem xét lại vụ án của đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Dũng, Trần Thị Quốc Khánh…

Tuy nhiên, sau khi Tổ nghiên cứu các tài liệu, hồ sơ vụ án, nghiên cứu những kiến nghị của các đại biểu quốc hội, khiếu nại của đại diện gia đình bị hại… các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương kết luận ông Vót không oan. Các căn cứ mà tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm áp dụng kết tội Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh về tội Giết người là đúng pháp luật.

Trước kết luận trên, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng với một thanh niên có nhiều công, huân chương giờ mắt đã mờ, tai đã điếc như ông Vót thì việc chịu án chung thân là quá nặng. Ông Dũng mong nhận được câu trả lời xác đáng về những ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh nêu. “Tôi cũng lo ngại việc ông Vót sẽ chết trong tù”, ông Dũng nói.

Tiếp lời, vị đại biểu Quốc hội nêu rõ băn khoăn, căn cứ nào để thay đổi tội danh cho Trần Văn Cự từ Giết người sang Gây rối trật tự công cộng. “Hôm qua tôi có gặp vợ ông Trần Văn Vót, bà ấy khóc nói các ông ác quá”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Cũng tại họp báo, nhiều phóng viên của các báo đài đặt câu hỏi liên quan đến vụ án của ông Vót cũng như những vụ án oan khác.

Trả lời một trong số những câu hỏi trên, đại diện Bộ Công an cho biết việc thay đổi tội danh cho ông Cự là sau khi Thanh nhận mình là người ném lựu đạn. “Việc ông Vót khai đã nộp lựu đạn cho huyện ủy là không có bởi hai người ghi biên bản nhận và chứng kiến việc ông ta nộp lựu đạn đều khẳng định không và không có sổ sách nào ghi chép”, đại diện Bộ Công an nói.

Tiếp lời, vị này khẳng định trong quân ngũ, Thanh đã tự thú về hành vi ném lựu đạn vào người làng mình khiến một người chết nên rất ân hận…

Về hồ sơ chính của vụ án đã bị tiêu hủy, đại diện VKSND Tối cao cho rằng điều này là đáng tiếc. Tiếp lời người này khẳng định trong quá trình xem xét lại vụ án có nhận được gần 130 đơn kiến nghị... "Hành vi của Vót, Thanh là có cơ sở", vị đại diện VKSND Tối cao khẳng định.

Vân Thanh

Bạn có thể quan tâm