Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tặng 0,2 điểm môn Vật lý vì đề sai sót là hợp lý'

Nhiều giáo viên đánh giá cao việc công khai nhận sai sót của Bộ GD&ĐT, đồng thời ủng hộ phương án cộng 0,2 điểm cho các thí sinh làm câu hỏi có sai sót.

Ngày 5/7, Zing.vn phản ánh việc nhiều học sinh, giáo viên nêu nghi vấn sai sót ở câu số 43 (mã đề 138) môn Vật lý, kỳ thi THPT quốc gia. 

Theo đó, trong đáp án chính thức của Bộ GD&ĐT, kết quả cần tìm là 70 Hz (đáp án A - phần khoanh đỏ phía dưới). Tuy nhiên, khi đối chiếu điều kiện f1, f2, kết quả này không thỏa mãn yêu cầu đề bài.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, ngày 6/7, Bộ GD&ĐT đã có phản hồi chính thức. Bộ thừa nhận, các dữ kiện của đề bài đúng về mặt Toán học mà chưa đủ ý nghĩa Vật lý.

Câu hỏi và đáp án của Bộ GD&ĐT.
Câu hỏi và đáp án của Bộ GD&ĐT.

Theo Bộ GD&ĐT, để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng ra đề thi, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia quyết định giữ nguyên đáp án và hướng dẫn chấm môn Vật lý; riêng đối với câu 44 mã đề thi 274 (tương ứng câu 43 mã đề thi 138, câu 50 mã đề thi 426, câu 41 mã đề thi 841, câu 43 mã đề thi 682, câu 43 mã đề thi 935), tất cả các thí sinh đều được 0,2 điểm; thang điểm các câu còn lại không thay đổi, điểm tối đa toàn bài thi môn Vật lý vẫn là 10 điểm.

Bộ GD&ĐT phản hồi về đề thi Vật lý gây tranh cãi

Bộ GD&ĐT cho biết, các dữ kiện của câu hỏi 43 mã đề thi 138 đúng về mặt Toán học, nhưng chưa đủ ý nghĩa Vật lý. Tất cả các thí sinh đều được 0,2 điểm với câu này.

Sinh viên Lại Đắc Hợp - Đại học Bách khoa Hà Nội - người thực hiện video phân tích sai sót trong đề thi, cho rằng, cách giải quyết trên tạo thuận lợi cho những thí sinh không làm được (hoặc làm sai) và đứng về quyền lợi số đông thí sinh.

Thạc sĩ Vật lý Dương Văn Cẩn, giáo viên THPT Việt Đức (Hà Nội), đồng thời là chuyên gia luyện thi đại học môn Vật lý trong nhiều năm, chia sẻ: "Tôi đánh giá cao việc nhận sai sót của Bộ GD&ĐT. Trong khi làm việc, có quá nhiều yếu tố quan trọng mà Ban ra đề cần phải chú ý để đạt được mục tiêu của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Vậy nên, việc Ban ra đề thi của Bộ GD&ĐT chưa chú ý đến một điều kiện phụ (không đề cập trong đề bài) là có thể thông cảm được". 

Theo thạc sĩ Cẩn, việc cộng 0,2 điểm sẽ giảm thiệt thòi cho thí sinh và là cách làm hợp lý.

Thầy Dương Văn Cẩn.
Thầy Dương Văn Cẩn.

Thầy Lê Duy Thuận (giáo viên luyện thi tại Hà Nội) phân tích, khi sai sót được thừa nhận, Bộ GD&ĐT giải quyết theo hướng nào, cũng không tránh khỏi thiệt thòi cho một bộ phận thí sinh. 

"Với kinh nghiệm luyện thi đại học nhiều năm, tôi cho rằng,  khoảng 70% thí sinh chọn đúng câu A theo đáp án của Bộ GD&ĐT. Những em không làm được sẽ rơi vào 2 trường hợp: Học lực dưới mức trung bình (không thể giải được) hoặc học lực giỏi (giải theo cách xét điều kiện phụ và không ra đáp án)", thầy Thuận nói.

Đề thi Vật lý THPT gây tranh cãi

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án chính thức các môn thi THPT, có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chuyện: Đề bài câu điện xoay chiều trong đề thi môn Vật lý có sai sót?

Quyên Quyên - Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm