Phụ nữ mang thai cần tăng mức cân nặng hợp lý để bảo vệ sức khỏe của bản thân và em bé. Ảnh: Expectingscience. |
Tăng cân trong thai kỳ rất khác nhau. Hầu hết phụ nữ mang thai tăng từ 10 kg đến 12,5 kg, phần lớn tăng cân sau tuần 20. Hầu hết sẽ tăng 1-2 kg trong tam cá nguyệt đầu tiên, sau đó tăng 0,5 kg/tuần trong thời gian còn lại của thai kỳ. Số lượng tăng cân phụ thuộc vào tình trạng của bạn.
Phần lớn trọng lượng tăng thêm là do em bé của bạn đang lớn lên, nhưng cơ thể bạn cũng sẽ tích trữ chất béo, sẵn sàng tạo sữa cho con bú sau khi em bé chào đời.
Bà bầu nên tăng cân như thế nào?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bạn nên tăng bao nhiêu cân khi mang thai dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI) trước khi mang thai. BMI là thước đo lượng mỡ trong cơ thể được tính từ cân nặng và chiều cao.
Cân nặng trước khi mang thai | Cân nặng cần đạt được | |
Mang thai đơn | Đa thai | |
Thiếu cân (BMI <18,5) | 12,7-18 kg | 22,6-28 kg |
Bình thường (BMI 18,5-24,9) | 11,3-15,9 kg | 16,8-24,5 kg |
Thừa cân (BMI 25,0-29,9) | 6,8-11,3 kg | 14-16,8 kg |
Béo phì (BMI >= 30) | 5-9 kg | 11,3-19 kg |
Nguồn: CDC Mỹ |
Vì sao bà bầu cần tăng đúng cân nặng khuyến nghị?
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), tăng cân quá nhiều hoặc quá ít đều có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe cho bạn hoặc thai nhi.
Tăng cân quá nhiều
Tăng cân quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng huyết áp. Nhưng mang thai không phải là lúc để ăn kiêng vì nó có thể gây hại cho sức khỏe của thai nhi. Điều quan trọng là bạn phải ăn uống lành mạnh. Tăng cân quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ biến chứng, bao gồm:
- Tiểu đường thai kỳ: Quá nhiều glucose (đường) trong máu khi mang thai có thể gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ, làm tăng nguy cơ sinh con to.
- Tiền sản giật: Tăng huyết áp có thể là dấu hiệu đầu tiên của tiền sản giật; mặc dù hầu hết trường hợp đều nhẹ và không gây rắc rối, nó có thể nghiêm trọng.
Tăng cân quá ít
Tăng cân quá ít có thể gây ra các vấn đề như sinh non và em bé có cân nặng khi sinh thấp (dưới 2,5 kg khi sinh). Nó cũng có thể có nghĩa là cơ thể bạn không tích trữ đủ chất béo.
Tình trạng chậm tăng cân có thể liên quan đến chế độ ăn uống và cân nặng của bạn trước khi mang thai. Nhưng một số phụ nữ mảnh mai tự nhiên vẫn giữ được vóc dáng mảnh mai khi mang thai và sinh con khỏe mạnh.
Phụ nữ tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ sẽ dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI) trước khi mang thai. Ảnh: Rdwhc. |
Lời khuyên về việc tăng cân khi mang thai
Biết nhu cầu calo của mình: Nói chung, ba tháng đầu tiên của thai kỳ, phụ nữ không cần thêm bất kỳ lượng calo nào. Thông thường, phụ nữ cần thêm khoảng 340 calo mỗi ngày trong tam cá nguyệt thứ hai và khoảng 450 calo bổ sung mỗi ngày trong tam cá nguyệt thứ ba.
Hỏi ý kiến bác sĩ thường xuyên: Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về mục tiêu cân nặng của mình khi bắt đầu mang thai và thường xuyên trong suốt thai kỳ.
Theo dõi mức tăng cân khi mang thai của bạn: Điều này cần được làm ngay từ khi bắt đầu mang thai và thường xuyên trong suốt thai kỳ và so sánh tiến độ của bạn với các mức tăng cân lành mạnh được khuyến nghị.
Có chế độ ăn uống cân bằng với nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, sữa ít chất béo và protein nạc. Lên kế hoạch cụ thể về thực phẩm tiêu thụ hàng ngày phù hợp với bạn trong giai đoạn mang thai.
Hầu hết loại thực phẩm đều an toàn để ăn trong khi mang thai, nhưng bạn sẽ cần thận trọng hoặc tránh một số loại thực phẩm.
Hạn chế thêm đường và chất béo rắn: Chúng có trong thực phẩm như nước ngọt, món tráng miệng, đồ chiên rán, sữa nguyên kem và thịt mỡ.
Duy trì tập thể dục: Tập luyện tối đa hoặc duy trì ít nhất 150 phút hoạt động aerobic cường độ vừa phải (chẳng hạn đi bộ nhanh) mỗi tuần. 150 phút nghe có vẻ quá sức, nhưng bạn có thể đạt được mục tiêu của mình bằng cách chia nhỏ hoạt động thể chất thành 10 phút mỗi lần.
Hoạt động thể chất lành mạnh và an toàn cho hầu hết phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bạn vẫn nên nói chuyện với bác sĩ để xác định xem liệu bạn có bất kỳ hạn chế hoạt động thể chất nào không.
Ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện tâm trạng, đặc biệt là đối với những người có dấu hiệu căng thẳng, trầm cảm. Rất nhiều loại vitamin, khoáng chất như folate (B9), B12, vitamin B1 (thiamine) và B6 (pyridoxine)... đóng vai trò then chốt trong việc ngăn ngừa và xoa dịu trầm cảm.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.