Kỹ thuật tạo hình búp bê từ kẹo đường thịnh hành ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Loại hình này được các bạn trẻ Việt hứng thú, học hỏi. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết các tác phẩm với đường nét tỉ mỉ cùng biểu cảm, trang phục, màu sắc đầy tinh tế này hoàn toàn có thể ăn được.
Nguyên liệu tạo hình đặc biệt
Với niềm đam mê làm bánh, Cao Thị Thu Thảo, hiện sinh sống và làm việc tại huyện Củ Chi (TP.HCM), bắt đầu học nghệ thuật tạo hình kẹo đường từ 2 năm trước.
"Mình tình cờ biết một người thầy Trung Quốc vốn nổi tiếng trong nghệ thuật tạo hình kẹo đường khi ông sang Việt Nam. Mình tham gia khóa học trực tiếp trong 6 ngày, được hướng dẫn một mẫu duy nhất và nắm các kĩ thuật cơ bản. Về sau, mình tự mày mò, thực hành các tác phẩm khác", nữ 9X chia sẻ.
Một sản phẩm nghệ thuật tạo hình kẹo người của Thu Thảo. |
Những chiếc bánh sống động này được tạo ra dựa trên nguyên liệu chính gồm màu thực phẩm và các loại đường, đặc biệt nhất phải kể đến fondant. Fondant là nguyên liệu thường được sử dụng phủ trang trí bánh ngọt, bánh kem, thành phần chính từ đường bột, có độ dẻo tốt. Đặc điểm dễ tạo mùi, màu sắc, hình dạng, kết cấu khá chắc, láng mịn, chịu được nhiệt độ cao và bảo quản dễ hơn so với cách làm bánh từ bột truyền thống là những ưu điểm của loại nguyên liệu này.
"Thợ bánh thường sử dụng kẹo đường nặn các nhân vật đặt lên bánh kem. Tuy mất nhiều thời gian, song điều này giúp bảo vệ sức khoẻ, đồng thời hạn chế đồ nhựa trong khâu trang trí", Thảo bày tỏ.
Bánh làm từ fondant có hương vị giống những viên kẹo kem sữa. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân hay thợ làm bánh, từng hình tượng được thể hiện một cách chân thật.
Mỗi họa tiết đều được thợ làm bánh tạo nét tỉ mỉ. |
Chia sẻ với Zing, Thảo cho biết ngoài đường fondant, còn có gumpaste, modelling sugar. Những nguyên liệu này được cô chia theo loại để nặn búp bê, thiết kế áo quần... cho phù hợp. Ngoài ra, cô còn sử dụng kết hợp đường isomalt làm các chi tiết đá, trang sức... Để đảm bảo thực hiện giống như những gì đã được học, Thảo phải nhập các nguyên liệu từ nước ngoài.
Mất 6 ngày để hoàn thiện một tác phẩm
Hiện tại, do vẫn đang trong quá trình luyện tập và phát triển kỹ năng nên Thảo tốn khá nhiều thời gian tạo tác, tầm 6 ngày mới hoàn thành một sản phẩm.
Công đoạn làm búp bê từ kẹo đường gồm 4 bước cơ bản. Trước tiên, phải có hình mẫu hoặc lên ý tưởng, rồi phác thảo ra giấy. Tiếp theo, nghệ nhân bắt tay thực hiện khung búp bê theo các tỷ lệ và mẫu.
Tạo gương mặt búp bê thần thái không phải là điều dễ dàng. |
Trong quá trình làm búp bê, Thảo luôn nặn đầu trước. Đây cũng là khâu quan trọng và khó nhất bởi cần tạo nét trên gương mặt sao cho thật có hồn. Bước kế tiếp là nặn thân, tay và chân, rồi ráp đầu vào cho hoàn chỉnh.
Sau khi hoàn thiện cả người búp bê, sẽ đến phần làm áo quần, tóc. Cuối cùng, người thực hiện có thể thiết kế thêm vòng cổ, trâm cài, hay tạo các chi tiết khác để búp bê đẹp hơn.
Để bảo quản những sản phẩm này được lâu, điều cần có là máy hút ẩm vì chất liệu này kỵ ẩm. Nếu không có máy hút ẩm, người thợ cần bảo quản búp bê kẹo đường trong phòng máy lạnh nhằm đảm bảo thành phẩm luôn khô ráo.
Việc bật máy lạnh cũng phụ thuộc vào thời tiết. Khi trời nắng, Thảo thường bật khoảng 26-27 độ C. Lúc trời mưa, độ ẩm tăng cao, để phòng lạnh không bị ẩm, cô phải bật chế độ khô khoảng tầm 24 độ C hoặc thấp hơn.
Với điều kiện bảo quản như trên, bạn sẽ giữ được khoảng tầm 1 tháng, sau đó bánh bắt đầu xuất hiện dấu hiệu nổi mốc. Trong trường hợp mỗi ngày bật máy lạnh một chút, sản phẩm sẽ nhanh hỏng hơn. Nếu có đủ trang thiết bị và bảo quản đúng cách, những chiếc bánh từ kẹo đường hấp dẫn thị giác này có thể lưu giữ tới nửa năm.
Luyện tay nghề trong thời gian giãn cách
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến còn nhiều phức tạp, công việc của cô gái trẻ ít nhiều ảnh hưởng. Tuy vậy, với nguồn nguyên liệu sẵn có ở nhà, Thảo tranh thủ tận dụng cơ hội thực hành, học thêm về nghệ thuật trang trí bánh kem.
Nữ 9X tranh thủ nâng cao tay nghề trong thời gian giãn cách. |
Gần đây nhất, cô làm búp bê kẹo đường với tên gọi "Hằng Nga", phù hợp không khí mùa Trung thu đang cận kề. Nói về động lực thực hiện, Thảo cho biết tình cờ thấy tác phẩm của thầy nên muốn thử sức, luyện tập tay nghề, đồng thời giúp bản thân giải tỏa căng thẳng khi phải ở nhà trong thời gian khá dài.
Sau vài lần thất bại, Thảo tự tin đăng tải thành phẩm búp bê kẹo đường do chính tay mình làm lên mạng xã hội. Nhiều người không khỏi trầm trồ trước kỹ thuật tạo hình chi tiết từ biểu cảm gương mặt đến trang phục, mang lại cho người xem cảm giác nhân vật búp bê như đang lơ lửng giữa không trung.
Cận cảnh gương mặt búp bê "Hằng Nga" đầy thần thái do Thảo tạo tác. |
Với mỗi sản phẩm búp bê kẹo đường ra đời, Thu Thảo đều gửi gắm những thông điệp ý nghĩa lan tỏa đến cộng đồng.
Cô gái 27 tuổi lan tỏa thông điệp ý nghĩa qua từng chiếc bánh. |
Trước đó, nữ 9X đã hoàn thành tác phẩm "Giọt nước mắt nàng tiên cá". "Nếu bạn không thể tái sử dụng đồ nhựa, hãy hạn chế hoặc từ chối chúng" là thông điệp bảo vệ môi trường biển được cô gái yêu bánh truyền tải qua tác phẩm của mình.
Không chỉ nhận được nhiều lời khen của cộng đồng ẩm thực về sự khéo tay, Thảo còn được nhiều người tò mò hỏi các tác phẩm này để ngắm hay có thể thưởng thức. Cô cho biết mặc dù sử dụng chất liệu ăn được (ngoại trừ khung đỡ búp bê bằng kẽm), song hiện tại chỉ làm sản phẩm ra với mục đích nâng cao kỹ năng làm bánh của bản thân và chiêm ngưỡng cho thỏa mắt.
"Mình tham khảo các tác phẩm nghệ thuật từ kẹo đường này thường có giá khoảng 34 triệu đồng, tùy theo mẫu. Riêng với khả năng bản thân, trong tương lai nếu có người muốn mua, mình dự định bán ở mức khoảng từ 20 triệu đồng/sản phẩm", cô gái đam mê về tạo hình bánh nói với Zing.