Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

QUIZZ

Táo Quân, Thần Tài trong tiếng Anh là gì?

Theo quan niệm dân gian, Táo Quân là vị thần cai quản bếp núc, canh giữ củi lửa cho mỗi gia đình.

Tao Quan anh 1

Táo Quân trong tiếng Anh là?

  • Apple army
  • Kitchen Gods
  • Chef captain

Theo "Việt Nam tự điển" (Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ), Táo có gốc chữ Hán là (灶), có nghĩa là bếp, bắt nguồn từ tục thờ lửa của người Việt. Táo Quân (hay ông Công - ông Táo) thực chất là thần bếp, vua bếp, làm nhiệm vụ canh giữ củi lửa cho mỗi gia đình. Trong tiếng Anh, Táo Quân được dịch ra là Kitchen Gods. Danh từ này ở số nhiều vì theo tục lệ, Táo Quân có hai ông một bà. Ảnh: VTV.

Tao Quan anh 2

Lễ cúng ông Công - ông Táo kiêng diễn ra sau khung giờ nào?

  • Sáng sớm ngày 23 tháng Chạp
  • Qua giờ trưa ngày 23 tháng Chạp
  • Tối ngày 22 tháng Chạp

Theo sách "Những ngày Tết ta", tác giả Lê Hồng Vân, ngày 23 tháng chạp hàng năm, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép về trời để báo cáo mọi điều tốt và điều xấu của gia đình đó với thần linh. Lễ cũng sẽ thường diễn ra vào trưa 22 tháng chạp đến trưa 23 tháng chạp. Sau giờ trưa của ngày 23, các gia đình sẽ không làm lễ cúng nữa vì lúc này đã quá giờ Táo Quân lên chầu thiên đình. Ảnh: Việt Linh.

Tao Quan anh 3

Nghi thức đón ông Công, ông Táo trở về phải được diễn ra trước?

  • Lễ cúng tất niên
  • Lễ cúng Giao thừa
  • Lễ cúng ngày mùng 1 Tết

Theo TS Lý Tùng Hiếu, giảng viên khoa Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), sau khi tiễn ông Công, ông Táo, vào ngày 28, 29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch (tùy thuộc vào tháng đủ hay tháng thiếu), gia chủ sẽ thực hiện nghi thức đón ông Công, ông Táo trở về. TS Lý Tùng Hiếu cho biết thời gian đón ông Công, ông Táo phải được diễn ra trước nghi lễ cúng tất niên. Ảnh: Thạch Thảo.

Tao Quan anh 4

Đầu năm mới, gia chủ không nên cho?

  • Nước - Lửa
  • Muối - Gạo
  • Nước - Muối

Theo quan niệm dân gian, đầu năm mới, các gia đình kiêng có người đến xin/mượn bật lử, mồi thuốc và nước. Bởi lửa (Hỏa) và nước (Thủy) đều nằm trong ngũ hành. Hỏa tượng trưng cho màu đỏ, đem lại may mắn đầu năm, Thủy là nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ, tượng trưng cho sự sinh sôi, “tiền vào như nước”. Do đó, đầu năm, nếu cho đi lửa, nước đồng nghĩa cho đi may mắn, sự đầy đủ, gia chủ sẽ gặp điều không may. Ảnh: Freepik.

Tao Quan anh 5

Thần Tài thường được thờ cùng với vị thần nào dưới đây?

  • Thần Đất
  • Thần Nước
  • Thần Mùa màng

Theo cuốn "Thần Đất: Thổ Địa & Thần Tài" của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, ngày nay, thổ địa và thần tài được thờ tự phổ biến trong nhiều gia đình. Các gia thần này thân thiết và gần gũi với tín chủ đến mức gần như không có một quy thức nào cần phải tuân thủ khi thờ cúng. Hai vị thần này thường được thờ tự cùng lúc trong nhiều gia đình. Trong "Đại Nam quấc âm tự vị", thổ thần và tài thần đều là "thần đất, thần giữ tiền bạc". Ảnh: Sách Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài.

Tao Quan anh 6

Thần Tài trong tiếng Anh là gì?

  • God of Rich
  • God of Lucky
  • God of Wealth

Trong tiếng Anh, Thần Tài còn được gọi là God of Wealth, đại diện cho vị thần của sự sung túc, giàu sang, phú quý. Ảnh: Việt Hùng.

Tao Quan anh 7

Ngày vía Thần Tài thường là ngày?

  • Mùng 6 tháng giêng
  • Rằm tháng giêng
  • Mùng 10 tháng giêng

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho hay ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch vốn không phải ngày vía Thần Tài mà là ngày vía đất. Vì Thần Tài và Thổ Địa có nhiều nhân duyên với nhau, được thờ chung một khám thờ, không tách rời nhau, nên người ta đã lấy ngày này là vía Thần Tài. Sở dĩ mọi người thường hay chọn ngày này là vía thần tài vì muốn gửi gắm ước mong và niềm tin vào tiền tài sẽ sinh sôi nảy nở với sự phấn đấu làm ăn kinh tế trong năm mới. Người kinh doanh hay mua vàng trong ngày này, niềm tin mua vàng hy vọng về một năm sẽ làm ăn phát đạt. Ảnh: Việt Hùng.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm