Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tay chân lạnh là dấu hiệu nhiều bệnh nguy hiểm

Với người gầy, ít mỡ, tay và chân dễ bị lạnh do lớp giữ nhiệt không nhiều. Ngoài ra, trường hợp này còn có thể do nhiều bệnh lý khác.

Lạnh tay hay chân thường xảy vào ban đêm hoặc khi chúng ta ở nơi nhiệt độ thấp. Tay và chân có những mạch máu nhỏ, dây thần kinh li ti như ở ngón tay, ngón chân. Khi đi lại, tim bơm máu đến khắp cơ thể, kể cả những mạch máu nhỏ ở thật xa tim. Vận động đi, đứng co bóp các tĩnh mạch và động mạch, giúp đẩy máu đi xa, thường xuyên hơn.

Về ban đêm, khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống, chúng ta nằm nghỉ ngơi, các mạch máu nhỏ này co lại, khiến máu đến chân và tay ít đi. Điều này gây ra cảm giác tay chân bị lạnh. Với người gầy, ít mỡ, tay và chân càng dễ bị lạnh do mỡ cách nhiệt và giữ nhiệt không nhiều.

Đó là lý do tay chân lạnh với người bình thường. Ngoài ra, trường hợp này còn có thể do nhiều bệnh lý khác.

Bệnh lý khiến tay, chân lạnh

Lạnh tay chân có nhiều lý do, từ bệnh mạch máu, tim mạch, tiểu đường đến bệnh tự miễn hay di truyền.

Nhìn chung, bất kỳ bệnh nào làm ảnh hưởng mạch máu ở phía xa bàn tay, bàn chân hay các dây thần kinh đều có thể dẫn đến cảm giác bị lạnh hoặc tê.

Các bệnh về mạch máu như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, suy giãn tĩnh mạch khiến bên trong thành mạch mạch máu nhỏ lại do bị đóng bờ hay xơ cứng, khiến dòng chảy máu qua mạch khó khăn hơn, dẫn đến dễ bị lạnh tay chân hơn. Bệnh về tim như suy tim hay hở van tim khiến việc bơm máu đến những nơi xa xôi thiếu hiệu quả.

Dieu tri lanh tay chan anh 1

Lạnh tay chân có nhiều lý do, từ bệnh mạch máu, tim mạch, tiểu đường đến bệnh tự miễn hay di truyền. Ảnh: Tyblk.

Các bệnh về thận khiến chân sưng, bị ứ nước, làm máu khó lưu thông cũng có thể dẫn đến lạnh tay chân. Bệnh cục máu đông trong mạch máu khiến một phần tay hay chân thiếu máu cung cấp cũng có thể gây hiện tượng này.

Hội chứng Raynaud's, thường liên quan bệnh tự miễn viêm mạch máu hay bệnh xơ bì cứng, do hệ miễn dịch tấn công vào mạch máu, mô liên kết dẫn đến mạch máu bị co lại, dày và giảm khả năng dẫn máu. Bệnh nhân của hội chứng này dễ bị lạnh tay chân, đặc biệt tay dễ đổi màu từ hồng sang xanh tím tái khi tiếp xúc nhiệt độ thấp.

Các bệnh về thần kinh mạch máu hay thần kinh ngoại biên như tiểu đường khiến dây thần kinh bị tổn thương. Lâu dài, việc truyền dẫn tín hiệu bị giảm hay gián đoạn. Bệnh nhân bệnh tiểu đường không kiểm soát có thể cảm giác tay chân bị lạnh hoặc tê tê như kim chích do dây thần kinh bị tổn thương.

Các bệnh khác về thần kinh như giời leo hay hệ thần kinh cột sống cũng có thể dẫn đến cảm giác lạnh kèm theo triệu chứng thần kinh.

Một số nghiên cứu chỉ ra lạnh tay chân còn có thể do di truyền như HSP hay Hereditary sensory neuropathy type IA, dẫn đến những khiếm khuyết về thần kinh mạch máu. Người bệnh thường có người thân hay cha mẹ bị lạnh tay chân kèm theo các triệu chứng như tê, cứng bộ phận này.

Chẩn đoán lạnh tay chân

Bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử, thăm khám, kiểm tra mạch máu vùng chân và tay. Mạch máu ở cổ chân và vùng chân có mạch yếu có thể là dấu hiệu của bệnh về mạch máu hay xơ vữa động mạch. Bác sĩ có thể sẽ đo chỉ số ABI (Ankle Brachial Index), so sánh huyết áp giữa tay và chân.

Huyết áp này giống nhau nên tỷ lệ bình thường là 1-1,4. Với tỷ lệ trên một, bệnh nhân có thể bị xơ cứng mạch máu ở chi trên (tay). Với chỉ số ABI nhỏ hơn một, bệnh nhân có thể mắc bệnh về mạch máu chi dưới như xơ vữa động mạch hay làm nghẽn/hẹp động mạch. Chỉ số ABI (0,4-0,7) còn tăng rủi ro các bệnh nguy hiểm khác như đột quỵ, tim mạch và bệnh thận. Vì vậy, khi bệnh nhân bị lạnh tay chân, bác sĩ sẽ tìm hiểu thêm các bệnh nguy hiểm khác để chữa trị.

Bác sĩ còn có thể cho người bệnh siêu âm động mạch và tĩnh mạch để tìm ra bệnh lý về cục máu đông hay xơ vữa động mạch. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ cho quý vị xét nghiệm angiography (chụp động mạch có cản quang) để tìm ra chỗ bị nghẽn và tìm cách can thiệp nếu cần.

Dieu tri lanh tay chan anh 2

Khi bệnh nhân bị lạnh tay chân, bác sĩ sẽ tìm hiểu thêm các bệnh nguy hiểm khác để chữa trị. Ảnh: Adiva.

Nhân viên y tế sẽ xét nghiệm máu và các xét nghiệm tổng hợp khác để truy tìm các bệnh liên quan nhiễm trùng, mạch máu.

Điều trị

Chữa trị lạnh tay lạnh chân bắt đầu từ việc tìm ra lý do chính kèm theo vật lý trị liệu và thể dục để cải thiện dòng chảy của máu đến cơ quan này. Nếu lý do là các bệnh về mạch máu như cao huyết áp hay xơ vữa động mạch , người bệnh cần điều trị cao huyết áp, giảm mỡ và tập thể dục. Lạnh tay chân do tiểu đường, bác sĩ sẽ chữa trị tiểu đường kèm theo vật lý trị liệu.

Giảm cân và chữa các bệnh nền khác như thận, hút thuốc hay đau nhức khớp cũng giúp cải thiện triệu chứng lạnh tay chân.

Chuyên gia có thể cho uống các thuốc cải thiện hay ngăn ngừa mạch máu như thuốc kháng đông máu, beta blocker giảm nhịp tim hay cilostazol để thư giãn mạch máu, cải thiện dòng chảy.

Lạnh tay chân là triệu chứng nguy hiểm không nên bỏ qua. Đây có thể là dấu hiệu mạch máu và dây thần kinh đang bị tổn thương trầm trọng, có thể có những bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, cao huyết áp hay xơ vữa động mạch.

Bạn cần tìm ra lý do vì sao và điều trị tận gốc nguyên nhân, kèm theo vật lý trị liệu, giảm cân và uống thuốc hỗ trợ.

PGS.TS.BS Huỳnh Wynn Trần hiện sinh sống tại Los Angeles, California, Mỹ. Ông là bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Methodist Hospital, giảng dạy tại Đại học Y khoa California Northstate.

Ba dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư tuyến giáp ở trẻ em

Trẻ em thường ít được chú ý thăm khám tuyến giáp, vì vậy bệnh thường phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe.

Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần

Bạn có thể quan tâm