Những cơn bão điểm danh xấu xí
Mở màn cho trào lưu này là từ trang cá nhân trên mạng xã hội của anh chàng đẹp trai Ả Rập Omar Borkan Al Gala. Thời mới nổi, một điều khiến người ta ấn tượng không phải là những tấm hình đẹp lung linh hay con số theo dõi ngất ngưởng mà chính là sự hiện diện dày đặc lời bình luận tiếng Việt.
Có đến hàng trăm ngàn bình luận bày tỏ sự yêu mến và ngưỡng mộ chàng trai này. Nhưng đáng buồn là bên cạnh đó có một số lượng lớn bình luận bất lịch sự, thiếu văn hóa.
Sau đó, khi hot girl đình đám ở Thái Lan là Peaw Sumaporn Wandee đăng tải một đoạn clip ghi lại màn nhảy nhót của mình cũng đã khiến rất nhiều teen Việt vào bình luận. Không ít những lời nhận xét thô thiển về ngoại hình, phong cách, thậm chí thẳng thừng bày tỏ sự tò mò rằng liệu cô nàng có phải là người chuyển giới được rất nhiều bạn trẻ Việt đăng tải trên trang cá nhân của Peaw.
Những cơn bão điểm danh đang dần nhen nhóm và rầm rộ trở thành trào lưu mới. |
Hay như trong một trận đấu giữa MU và Real Madrid, trọng tài bắt chính Cakir đã đưa ra những quyết định sai lầm khiến nhiều khán giả bức xúc. Thậm chí, một số người đã cất công tìm kiếm fanpage của vị trọng tài người Thổ Nhĩ Kỳ này chỉ để chửi rủa, lăng mạ cho thỏa cơn tức.
Không cần biết chủ nhân thật sự có hiểu hết những ý nghĩa của dòng chữ cay nghiệt kia không, nhưng chắc chắn một điều rằng sự việc này đã vô tình làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt Nam thân thiện và hiếu khách. Những cái tên sao ngoại được teen Việt quấy rối kéo dài từ Britney Spears, Miley Cyrus, Justin Bieber cho đến tỉ phú Bill Gates và gần đây nhất là fanpage của Lee Min Ho.
Anh hùng bàn phím tổ chức họp chợ
Khi những trang mạng xã hội bùng phát, đây là mảnh đất màu mỡ cho những phiên họp chợ nhộn nhịp của các anh hùng bàn phím. Chỉ một cú click chuột hay chia sẻ, họ sẽ nhận được sự ủng hộ của rất nhiều thành viên khác. Chế ảnh, bình luận thiếu văn hóa đều là những chiêu thức được ưa chuộng.
Rất nhiều người nổi tiếng đã đề nghị thẳng thắn rằng các fan hãy trò chuyện bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được, song không vì thế mà trào lưu ném đá hội đồng của nhiều fan Việt bị kìm hãm lại.
Trước tình trạng đó, hot girl Peaw đã đăng tải đoạn chia sẻ bằng tiếng Thái xin phép xóa những bình luận thô tục vì cảm thấy bị quấy rối, gây phiền phức. Cô nàng cũng gửi lời xin lỗi đến những fan Việt có ý chân thành muốn giao lưu, song thẳng thừng bày tỏ sự từ chối đối với những người không có thiện ý. Một số ngôi sao Hàn Quốc chuyển qua dùng Twitter, Weibo, Kakao Talk - mạng xã hội ít được ưa chuộng hơn của một số anh hùng bàn phím Việt để tránh bị quấy rối.
Teen hãy là một người Việt văn minh
Đôi khi chỉ là sự đùa giỡn theo phong trào, nhưng chính trào lưu vô bổ nhưng không vô hại này đã khiến hình ảnh giới trẻ Việt Nam. Rất nhiều cư dân mạng coi hành động này như một niềm tự hào mà không hề biết họ đang gián tiếp gây nên sự phiền toái cho người khác. Những dòng bình luận thiếu văn hóa, cợt nhả, đùa giỡn không đúng nơi, đúng lúc bằng tiếng ngôn ngữ mẹ đẻ tại nơi tập trung rất nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau, ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt.
Cây viết trẻ Gào: "Khi bình luận trên fanpage của sao ngoại, đó không chỉ là việc làm của cá nhân bạn. Đừng để việc làm của bạn ảnh hưởng đến sự văn minh của cộng đồng".
Ngô Lê Duy (11D1, trường Thủ Khoa Nghĩa): "Mạng ảo là nơi người ta có thể tuôn ra mọi lời đả kích một cách không kiểm soát và chỉ nghĩ đơn giản rằng vui. Chính niềm vui của bạn đang đánh cắp nhân cách của mình".
Tôn Thất Minh Khôi (11AD2, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong): "Dùng những lời lẽ bất nhã để tấn công một người nổi tiếng mà bạn không yêu mến, đó không phải là sức mạnh. Đó là một trò cười".