Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tây Lương Nữ Quốc' đời thực, nơi phụ nữ tự do chọn bạn tình

Người Mosuo sống ở phía Tây Nam Trung Quốc. Đây là nơi phụ nữ có quyền làm chủ, chọn chồng và không bị ràng buộc bởi hôn nhân. Địa vị xã hội của họ được đề cao hơn đàn ông tại đây.

Zing trích dịch bài đăng trên The Guardian, BBC về phong tục của bộ tộc Mosuo ở Trung Quốc. Nơi đây được mệnh danh là “Tây Lương Nữ Quốc” vì người dân theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ nắm quyền trong xã hội. Tuy nhiên, nền văn hóa lâu đời này dần bị mai một do sự phát triển của du lịch.

Gần chân núi phía Đông của dãy Himalaya, bên hồ Lugu nằm giữa tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam (Trung Quốc), là nơi ở của Mosuo, bộ tộc có khoảng 40.000 người. Nơi này được biết đến với những tên gọi khác như “Tây Lương Nữ Quốc”, “vương quốc phụ nữ”, “nữ nhi quốc”, “mảnh đất nữ quyền”.

Khác với nhiều quốc gia theo xã hội phụ hệ ở phương Đông, đàn ông trong bộ tộc Mosuo không có tiếng nói, địa vị cao, tất cả quyền lực đều thuộc về phụ nữ.

Tay Luong Nu Quoc ngoai doi thuc anh 1

Theo The Guardian, truyền thống của người Mosuo đã tồn tại hơn 2.000 năm trước và vẫn được duy trì đến hiện nay.

Không bị ràng buộc hôn nhân

Người dân sống theo chế độ mẫu hệ, không chấp nhận kết hôn và quan niệm một vợ một chồng. Phụ nữ ở đây được tự do chọn và thay đổi bạn đời theo ý muốn mà không bị phán xét.

Họ cũng là người đưa ra hầu hết quyết định quan trọng, kiểm soát tài chính gia đình, sở hữu đất đai, nhà cửa hợp pháp và có toàn quyền dạy dỗ những đứa trẻ được sinh ra. Tài sản, của cải thuộc về những người phụ nữ trong gia đình và được truyền lại cho thế hệ sau.

Điều này hơi khác so với xã hội Trung Quốc khi một số vùng vẫn thực hiện các cuộc hôn nhân sắp đặt và quyền lực chính trị thường có xu hướng thuộc về đàn ông, theo The Guardian.

Tay Luong Nu Quoc ngoai doi thuc anh 2

Người dân Mosuo không có khái niệm về hôn nhân chính thức.

Do không kết hôn, người Mosuo cũng không biết đến về ly dị hoặc ly thân. Thậm chí, trong ngôn ngữ của họ cũng không có từ ngữ nào để diễn tả khái niệm "cha" hay "chồng".

Choo Waihong, một luật sư đến từ Singapore, đã quyết định nghỉ việc vào năm 2006 để đến thăm vùng đất bộ tộc Mosuo sinh sống và tìm hiểu về cuộc sống của họ.

Sau thời gian ngắn làm quen, Choo Waihong phát hiện những đứa trẻ sinh ra được bên dòng họ của mẹ nuôi dưỡng, cụ thể là mẹ, bà, dì, cô. Người chú hoặc bác sẽ giữ vai trò như người cha cùng dạy dỗ, chăm sóc cho tất cả đứa trẻ trong nhà. Phụ nữ lớn tuổi nhất được bầu làm tộc trưởng.

Người ngoại tộc xem nơi đây là xã hội của những bà mẹ đơn thân. Trẻ em được sinh ra ngoài giá thú - điều mà phần lớn người Trung Quốc vẫn xem là bất bình thường. Nhưng người Mosuo thì không cho là vậy. Họ thấy hôn nhân là điều không cần thiết. Những đứa trẻ “không cha” vì đơn giản xã hội của họ không quan tâm đến việc làm cha.

“Gia đình hạt nhân mà chúng ta hiểu đang tồn tại ngoài kia được thể hiện dưới hình thức khác tại đây”, Waihong nói thêm.

Những người cha cũng không cần phải cấp dưỡng cho con mình. Họ được thường xuyên đến thăm con nhưng không được mang về nhà.

Người Mosuo cũng không có quan niệm trọng nam khinh nữ, tất cả con gái, con trai đều bình đẳng như nhau. Bên cạnh đó, họ cũng không phân biệt con chung, con riêng hay có bất kỳ sự kỳ thị nào dù không biết cha của đứa trẻ là ai.

Những cuộc tình một đêm chóng vánh

Một trong những tập tục độc đáo nhất của người Mosuo là zuo hun, hay còn gọi là “walking marriage” (tạm dịch: tẩu hôn). Các cô gái đến 13 tuổi sẽ được làm lễ trưởng thành và bắt đầu ở phòng riêng tại nhà mẹ đẻ. Đến lúc này, họ có thể tự do chọn bạn tình, nhiều ít tùy ý và từ chối những chàng trai mình không thích.

Những cuộc tình một đêm là điều khá đặc trưng ở đây và luôn dựa trên tinh thần tự nguyện.

Tay Luong Nu Quoc ngoai doi thuc anh 5

Đây có lẽ là bộ tộc mẫu hệ duy nhất còn tồn tại ở Trung Quốc.

Đêm xuống, người đàn ông sẽ cưỡi ngựa đến nhà cô gái, mang theo một chiếc mũ treo trước cửa để ngầm báo hiệu cho người đến sau, rồi leo lên chiếc thang được bắc sẵn để vào căn gác của cô. Họ bên nhau cả đêm và đến khi gà gáy sáng, người nam sẽ phải lặng lẽ ra về.

Cô gái có quyền mời hoặc “cấm cửa” bất kỳ người đàn ông nào. Mối quan hệ này có thể kéo dài một đêm hoặc lâu hơn nhưng họ sẽ không bao giờ kết hôn. Khi tình cảm không còn, cả hai sẽ tự động kết thúc và tìm đối tác mới.

Tay Luong Nu Quoc ngoai doi thuc anh 6

Vùng đất này khiến nhiều người liên tưởng đến tác phẩm Tây du ký của Ngô Thừa Ân. Ảnh: National Geographic.

Phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy và chăm sóc con cái. Đàn ông sẽ gánh vác việc nặng như cày bừa, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, giết mổ động vật và làm theo những quyết định của tộc trưởng.

Dù không có vai trò lớn trong việc dạy dỗ con cái nhưng đàn ông vẫn phải phụ giúp chăm sóc những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình mình.

Văn hóa bị mai một bởi thương mại

Những năm gần đây, văn hóa của bộ tộc này dần bị lu mờ. Kể từ khi khách du lịch Trung Quốc bắt đầu đến vùng đất này vào đầu năm 1990, mang theo những con đường trải nhựa, sân bay và việc làm cho người Mosuo, lối sống truyền thống của họ cũng dần trở nên lỗi thời với những người trẻ tuổi.

Nhiều cô gái, chàng trai bắt đầu kết hôn với người ngoại tộc và chuyển đến nơi khác sinh sống. Do sự can thiệp của chính phủ, một số người dần quyết định gắn bó với hôn nhân một vợ một chồng.

Tay Luong Nu Quoc ngoai doi thuc anh 7

Ngành công nghiệp du lịch đang cố gắng truyền thống xa rời thế hệ trẻ. Ảnh: Choo Waihong.

Ngành công nghiệp du lịch cung cấp công việc cho người dân tại đây từ phục vụ, chủ nhà nghỉ, hướng dẫn viên du lịch đến lái xe taxi. Họ có cơ hội được gặp gỡ những người bên ngoài cộng đồng của mình.

Thế hệ trẻ ở bộ tộc Mosuo đang tạo ra con đường cho riêng mình, khác với những gì tổ tiên của họ đã xây dựng và gìn giữ. Họ đón nhận cuộc sống hôn nhân và gia đình kiểu Tây với sự thích thú.

“Đó là một xã hội đang trong quá trình chuyển đổi. Họ trở nên cởi mở và tiếp nhận nhiều thứ mới. Dù vậy, họ luôn biết sẽ có mẹ che chở mỗi khi trở về”, Waihong chia sẻ.

Tay Luong Nu Quoc ngoai doi thuc anh 8

Nền văn hóa của bộ tộc Mosuo đang dần thay đổi. Ảnh: BBC.

Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng mang lại nhiều điều tiêu cực cho xã hội Mosuo. Du lịch bùng nổ, nhiều vị khách đến đây xem phụ nữ là người cung cấp tình dục miễn phí. Gái mại dâm chuyển từ bộ đồ Thái Lan sang trang phục truyền thống ở Mosuo.

“Có rất nhiều người xin tiền, chủ quán bar và gái mại dâm rõ ràng không phải là người Mosuo, tất cả đều hướng đến khách du lịch nam đến từ Trung Quốc. Ở đây không như tôi mong đợi, cách sống của họ đang dần thay đổi", nhiếp ảnh gia người Italy Luca Locatelli cho biết.

'Chuyển việc mùa dịch, tôi kiếm thêm bằng cả tháng lương'

Trong thời điểm khó khăn, nhiều người trẻ xem dịch bệnh là cơ hội để chuyển hướng công việc.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm