Trong cuộc trò chuyện với Zing.vn ngày đầu năm mới, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - chia sẻ quan điểm về xu thế ăn Tết của người Việt xưa và nay dưới góc nhìn văn hóa.
- Trong ký ức của ông, Tết xưa khác Tết nay thế nào?
- Cách đây 50 năm, khi tôi 10 tuổi, là thời chiến tranh đánh phá miền Bắc, điều kiện vô cùng nghèo khổ. Người ta chuẩn bị cho một cái Tết rất lâu. Có gia đình phải tích trữ chút nếp, chút đậu, chút lạc, nuôi một con vật từ nửa năm trước. Có những cái Tết buồn ở nông thôn khi tiếng khóc vang lên rất nhiều, đặc biệt là từ những ông bố, bà mẹ già hay tin con hy sinh nhưng chưa có giấy báo tử.
Thời đó, người ta ăn Tết sơ sài. Nơi có nếp thì có thể gói bánh chưng, không có nếp thì họ nạo sắn ra, cho ít hành luộc lên cũng gọi là bánh chưng. Trẻ em nông thôn đa số không có áo mới. Gần Tết cũng là mùa đi nhuộm, người ta mang áo đi nhuộm màu mới, sáng sủa để mặc.
Trong điều kiện gian khổ như vậy, tinh thần đón Tết của người dân vẫn hứng khởi. Đêm giao thừa, cả làng có một radio thì tập trung lại nghe Bác Hồ chúc Tết. Sáng mùng 1 ở nông thôn mở đầu bằng một cuộc chào cờ, đọc lại thư chúc Tết của Bác. Thức ăn chỉ đầy đủ hơn ngày thường một chút. Thậm chí, mùng 2 người ta đã ra đồng làm cỏ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng Tết ngày nay đầy đủ nhưng người ta vẫn kêu ca quá nhiều. Ảnh: VOV. |
Khi hòa bình được lập lại khoảng 20 năm, tức khoảng những năm 1995, cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường, người ta bắt đầu ăn Tết khang trang, vui vẻ, đa dạng hơn.
Rất nhiều vùng của đất nước ta hiện nay, không chỉ thành phố, mà cả các vùng nông thôn đã tạm thời vượt qua mục tiêu "cơm no áo ấm" sang "ăn ngon mặc đẹp". Một số gia đình giàu có người ta còn hướng đến "ăn lạ mặc độc". Tất nhiên ở một số nơi ở của người dân tộc ít người hay nhiều nơi ở nông thôn vẫn đang khổ, bức tranh chung vẫn là hướng đến "ăn ngon mặc đẹp".
- Xu thế chung hiện nay là người Việt là "ăn Tết" hay "chơi Tết", thưa ông?
- Người Việt vừa ăn Tết vừa chơi Tết, bao giờ cũng vậy. "Ăn" là một trong những từ vựng nhiều nghĩa nhất nên chẻ ra như vậy thì câu nệ quá. Ngày xưa nói ăn Tết là bao hàm cả chơi Tết. Việc tách ra là kỹ tính, không đáng có.
Người ta tàm một mâm cỗ cho đẹp, vừa truyền thống, vừa hiện đại là mỹ thuật của ẩm thực, trong ăn có chơi, trong chơi có ăn. Còn biểu diễn, vẽ, kiến trúc, điêu khắc, phim ảnh... người ta làm xong cũng chung vui với nhau bữa ăn.
"Ăn Tết" và "chơi Tết" hòa đồng, đi kèm với nhau là như vậy.
- Người ta vẫn nói là "nghỉ Tết" nhưng dường như những lời cảm thán “Lại Tết rồi!” kèm theo tiếng thở dài xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy theo ông, áp lực, gánh nặng từ đâu khiến người ta bớt đi sự hưng phấn, trông chờ?
- Đọc thơ ca của các cụ ngày xưa như Nguyễn Khuyến, Tế Xương, Nguyễn Trãi đã thấy người ta nghèo nên chán Tết, thấy áp lực lớn. Ngày nay, áp lực giảm thiểu, cần gì cứ ra chợ, thị trường đầy các thứ. Tuy nhiên, con người ý thức về sự áp lực và tôn nó lên.
"Người giàu đứt tay bằng ăn mày xổ ruột". Con người bây giờ kêu ca quá đáng, chưa áp lực thì gọi là áp lực, tạo ra một dư luận áp lực. Người ta kêu ca một cách khủng khiếp. Cái gì cũng kêu, tạo thành cái mốt của xã hội. Khi kêu không được thì thi nhau rủa xả lên mạng. Rất kỳ lạ.
Cùng với sự phát triển kinh tế, người dân ăn Tết khang trang, vui vẻ, đa dạng hơn nhưng có những điều thuộc về tâm thức, quá khứ vẫn tồn tại. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Không thể nói bây giờ áp lực hơn ngày xưa, bởi thời bây giờ tiện lợi hơn rất nhiều lần. Ngày trước, có người đạp xe 40 cây số từ thành phố về, sau xe có một phong pháo, gói kẹo đơn giản là về Tết rồi. Ngày nay, tất cả sẵn sàng nhưng người ta vẫn kêu.
Thứ nhất vì người ta kỳ vọng quá nhiều, cái gọi là tham thời này bùng nổ. Ai cũng tham về mình, ai cũng muốn hơn người. Đó là động lực nhưng nhiều khi thái quá, làm cho con người thấy bất ổn về mặt tâm lý, cảm thấy bức xúc.
- Có định nghĩa “Tết hoàn hảo” hay không, thưa ông?
- Trên đời này không có gì hoàn hảo, kể cả cấu trúc kim cương. Không có cách nào nói về một cái Tết hoàn hảo. Đó là một văn hóa cứ diễn ra hết thời kỳ này thời kỳ khác, có những quá khứ đọng lại, có những giá trị muôn đời nhưng có những biến đổi chóng vánh. Vấn đề là chúng ta ứng xử tử tế như thế nào thôi.
- Ông nghĩ sao về quan điểm: “Ngoài giữ một chút tâm linh, theo cổ truyền dân tộc, Tết chỉ có vài ngày, nên đi du xuân hay tự lựa chọn cách ăn Tết phù hợp với mình, quan trọng là phải được thoải mái”?
- Cái đó hoàn toàn được. Đó là sự vận động tất yếu của cuộc sống. Ngày xưa người ta đi mở mang bờ cõi, đi lính... không được về quê ăn Tết nhiều lắm. Giờ điều kiện, giao thông tốt hơn, người ta đổi mới bằng một chuyến du lịch, tức là con người đã có thêm một văn hóa khác trong đó.
Còn trong đêm giao thừa, người ta thắp một cây hương hướng về tổ tiên, quê hương, gia đình thì đó là cái tâm của người ta. Đó là quá khứ, tâm thức.
Trong dịp Tết, người ta đổi mới bằng một chuyến du lịch, tức là con người đã có thêm một văn hóa khác trong đó. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngày xưa cũng như bây giờ, luôn vận động. Không có một ngày xưa mẫu mực bởi mỗi năm một khác, mỗi hoàn cảnh, mỗi vùng quê một khác. Ngày nay, qua truyền thông này nọ, người ta có thể thống nhất hơn. Nam Bộ làm thế này, miền Trung làm thế kia. Người ta biết chọn lấy những cái để làm, đồng thời du nhập văn hóa phong phú hơn.
Đó là sự phát triển tự nhiên, là hệ số biến động bất tận đối với văn hóa.
Tôi thấy tết ngày nay hướng đến cổ truyền, dân tộc nhiều sao người ta không nhìn thấy, cứ chê nhạt. Đó chính là giá trị của Tết. Ở bất cứ thời điểm nào trong lịch sử cũng có những người cho rằng Tết rườm rà, số khác lại thấy vui vẻ. Đó là ứng xử tâm lý của con người.