Hà Trang (22 tuổi, quê Nghệ An) có công việc đầu tiên là lễ tân khách sạn tại khu vực phố cổ Hà Nội vào cuối năm 2022. Tháng 7/2023, sau khi tốt nghiệp ngành Du lịch của ĐH Văn hóa Hà Nội, cô chính thức đi làm toàn thời gian.
"Năm nay là cái Tết đầu tiên của mình sau khi ra trường, chính thức bước chân vào thị trường lao động. Phải thừa nhận có khá nhiều áp lực, suy nghĩ về tiền bạc, mình đã không còn háo hức mong Tết như trước. Điều khiến mình chờ đợi duy nhất là được về đoàn tụ cùng gia đình", Trang nói với Tri thức - Znews.
Trang là một trong số sinh viên tốt nghiệp năm 2023, giai đoạn nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, khó khăn. Triển vọng việc làm trên thế giới bấp bênh, nhiều công ty sa thải hàng loạt và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế.
Với những sinh viên đã và sắp tốt nghiệp trong thời kỳ suy thoái kinh tế 2023-2024, tìm kiếm được việc làm đầu tiên và duy trì nó có thể khó hơn. Nhiều người trẻ chưa ra trường cũng sớm tìm kiếm công việc đầu tiên.
Tết 2024 của những người mới đi làm cũng mang nhiều niềm vui lẫn trăn trở.
Khó khăn bước đầu
Cuối năm 2022, khi vừa thi xong môn cuối cùng của đời sinh viên, Hà Trang bắt đầu tìm việc khi thấy bạn bè xung quanh cũng đã rục rịch có việc làm.
Ban đầu, cô chỉ định làm tạm thời nhưng sau khi tốt nghiệp, vì đã quen việc và khá ngại thay đổi, thị trường việc làm có vẻ khó khăn nên Trang gắn bó đến tận bây giờ. Vị trí hiện tại cũng đúng với chuyên ngành mà cô được đào tạo.
Hà Trang đã đi làm được một năm, có thời điểm nhận cùng lúc hai công việc. Ảnh: NVCC. |
"Hồi đi học được bố mẹ lo hết, khi đi làm mình mới cảm thấy kiếm tiền thực sự khó", Trang nói.
Cô tâm sự tính cách khá hướng nội, lúc mới nhận việc rất ngại va chạm với những đồng nghiệp nóng tính hay trái tính, song đi làm có nghĩa là phải chấp nhận và biết cách hòa hợp để hoàn thành công việc chung.
Với mức lương 8 triệu đồng/tháng, chỉ riêng tiền thuê nhà đã 3 triệu đồng, Trang thấy rất khó xoay xở khi sống ở Hà Nội. Vì vậy, sau 3 tháng, cô làm thêm một công việc nữa để có thu nhập gấp đôi.
Đổi lại, Trang thường xuyên rơi vào trạng thái kiệt sức vì làm việc liên tục suốt một năm, ít thời gian ngủ hay giải trí. "Dù thu nhập ổn hơn nhưng mình thấy sức khỏe mình không được đảm bảo", cô nói.
Quang Duy (sinh năm 2002) sắp tốt nghiệp chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Sau hai tháng cộng tác cho một công ty tổ chức sự kiện, anh được tạo điều kiện ở lại làm việc tại vị trí account với mức thu nhập trung bình 6-9 triệu đồng/tháng.
Thông qua truyền thông, Duy đã biết được sự khó khăn của thị trường lao động thời điểm này nhưng phải đến lúc chính thức đi làm, anh mới thấy rõ sự ảm đạm của thị trường.
"Trong ngành của mình, kinh tế khó khăn khiến các doanh nghiệp dè dặt hơn rất nhiều với việc sử dụng tài chính. Họ ít làm sự kiện hơn trừ khi thật sự cần thiết, và agency phải đảm bảo mang đến được giá trị mà họ cần", anh chia sẻ.
Anh cũng nhận thấy khó khăn tương tự đối với những bạn bè đồng trang lứa mới bước chân vào thị trường lao động. "Công ty bạn bè mình đang làm cũng đang khó khăn tài chính. Làn sóng sa thải vẫn đang diễn ra, một số nơi còn nợ lương".
Duy cảm thấy may mắn khi thuận lợi có được công việc hiện tại. Người giới thiệu anh vào công ty cũng là line manager (cấp trên trực tiếp) nên Duy luôn được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời. Nhờ đó, trải nghiệm và kinh nghiệm của anh tăng lên nhanh chóng.
"Tổ chức sự kiện cũng là công việc mình yêu thích. Mình rất vui và thoải mái trong quá trình tạo ra sản phẩm cho khách hàng", anh bày tỏ.
Quang Thông đã có công việc đầu tiên trước khi ra trường. Ảnh: NVCC. |
Hoàn thành chương trình học nhưng chưa tốt nghiệp, Dương Quang Thông (21 tuổi), học chuyên ngành Báo chí tại ĐH KHXH&NV, đã có công việc đầu tiên là biên tập và dựng video cho một công ty truyền thông.
Không tiết lộ con số cụ thể nhưng Thông cho biết thu nhập hiện tại đủ để anh trang trải chi phí sinh hoạt khi sống tại TP.HCM.
Khi là sinh viên "dính" Covid-19, chuẩn bị ra trường lại đối diện bối cảnh kinh tế suy thoái nên Thông cũng cho rằng đây sẽ là giai đoạn khó khăn chung cho những người trẻ mới chân ướt chân ráo bước chân vào thị trường lao động.
Cái Tết nhiều cảm xúc
Năm nay, vì khó khăn kinh tế chung và gắn bó với công ty chưa lâu nên Quang Thông và Duy đều không nhận được thưởng Tết.
"Do việc làm ăn của công ty trong năm cũng không được thuận lợi, Tết này mình không được nhận thưởng Tết hay lương tháng thứ 13", Duy chia sẻ, nói thêm rằng anh không áp lực do không có người phụ thuộc kinh tế và gia đình cũng không yêu cầu "mang tiền về cho ba mẹ".
Những năm trước, dịp Tết Duy thường được ba mẹ cho tiền để sắm đồ, nhưng năm nay anh có thể dùng số tiền mình kiếm được để mua những thứ mình thích. Là người đã đi làm, có lương tháng, anh cũng thấy mình có trách nhiệm sắm sửa một chút quà bánh, áo quần cho em gái để cái Tết trọn vẹn hơn.
Quang Thông cũng không thấy áp lực nhiều khi Tết cận kề, anh hy vọng có thể góp một chút tiền vào khoản chi tiêu của gia đình trong dịp lễ.
Về phần Hà Trang, đã đi làm một năm nên cô sẽ nhận được một khoản thưởng Tết. Tuy nhiên, số tiền này không quá nhiều, cô tận dụng để chi trả các khoản nợ. "Chắc số tiền còn lại cũng đủ để mình sắm ít quà cho bố mẹ, gia đình".
Do làm hai công việc cùng lúc quá "bào sức", đồng thời sẽ không thể có thời gian ăn Tết nên Trang đã nghỉ một việc. Với cô, được đoàn tụ với gia đình vẫn là điều quý giá nhất trong năm.
Nhiều người trẻ tin rằng cơ hội công việc sẽ rộng mở nếu tự tin, mạnh dạn nắm bắt. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Cả Trang, Thông và Duy đều tốt nghiệp và bắt đầu đi làm trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động, thị trường ảm đạm. Tuy vậy, cả 3 người trẻ Gen Z cùng có cái nhìn lạc quan và nhiều hy vọng về tương lai.
"Dù có nhiều rào cản, mình thấy công việc vẫn sẽ đến với những người năng động và tự tin. Năm mới, mình cũng muốn tìm được một công việc phù hợp và có thu nhập cao hơn, đồng thời phát triển năng lực cá nhân", Trang nói.
Với Thông, khó khăn nhất là anh thường tự ti về năng lực của mình, đôi khi được giới thiệu công việc nhưng không dám nhận vì rụt rè. Nhưng khi vượt qua nỗi sợ đó, anh nhận ra mọi thứ tiến triển thuận lợi.
Duy cho rằng rất khó để nhận định lứa tốt nghiệp nào chịu nhiều thử thách nhất, bởi mỗi giai đoạn khác nhau, sinh viên mới ra trường đều có những khó khăn riêng.
"Như người ta vẫn nói là 'trong nguy có cơ'. Do vậy, cái quan trọng là các bạn lứa của mình cũng như các lứa tiếp theo cần không ngừng quan sát, nghiên cứu và học hỏi để dễ dàng thích nghi với tình hình thực tế", Duy bày tỏ.
Anh hy vọng năm 2024, mọi thứ sẽ khởi sắc hơn, kinh tết bớt khó khăn và "sự kiện đổ về như thác". Duy mong cái Tết tiếp theo sẽ có thưởng.
"Chuyện tình cảm năm 2023 của mình thì chắc cũng giống như kinh tế, có nhiều nốt trầm lặng lẽ. Mong là 2024, đường tình duyên sẽ thênh thang rộng mở hơn và mình không phải một mình nữa", anh vui vẻ bày tỏ.
Tuổi 17, sức khỏe tinh thần của mình tuột dốc trầm trọng
"Năm 17 tuổi đó, đã không có ai nói với mình rằng, không sao cả, bạn không phải là một người tồi tệ, việc vừa yêu, vừa ghét cha mẹ là một phần bài học của cuộc sống, rằng đó chỉ là cảm xúc của một con người thôi" là một đoạn trích trong cuốn Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều của tác giả Nguyễn Đoàn Minh Thư.
Sách là hành trình khám phá thế giới nội tâm của một người trẻ, đầy hỗn loạn của những suy nghĩ trăn trở, những dằn vặt, những cuộc chiến nội tâm, những cảm xúc vừa phức tạp cũng vừa rất đỗi con người.