Học sinh trường Marie Curie (Hà Nội) tham giả trải nghiệm Tết. Ảnh: Marie Curie School. |
Chỉ chưa đầy một tuần nữa, học sinh cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều địa phương cho học sinh nghỉ Tết dài, có nơi lên đến 16 ngày.
Đến hẹn lại lên, cứ dịp Tết đến, xuân về, thầy cô có nên giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ lễ hay không là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Nhiều trường nói không với bài tập Tết
Không tạo áp lực cho học sinh với bài tập về nhà trong kỳ nghỉ Tết là tinh thần của thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) gửi đến giáo viên nhà trường trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, thầy Cường cho biết các thầy cô trong trường cũng rất ủng hộ quan điểm này nhằm để học trò được nghỉ Tết đúng nghĩa.
Nhiều năm nay, thời điểm trước Tết, trường THCS Thái Thịnh thường tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm Tết nhằm gìn giữ nét văn hóa cổ truyền. Cùng với đó, các thầy cô thường xuyên dặn dò, cung cấp các kỹ năng cho học sinh để đảm bảo an toàn trong dịp nghỉ lễ.
Ngày 31/1, trong thư ngỏ, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), nhắn nhủ các giáo viên: “Chúng ta dành cho các con được hưởng một cái Tết thoải mái, bình an và ấm áp bên gia đình”. Theo đó, thầy cô giáo sẽ không giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ lễ này.
Tại TP.HCM, ngày 18/1, trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) có thông báo về việc không giao bài tập về nhà cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả hình thức trực tuyến, nhằm tạo điều kiện cho học sinh có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ý nghĩa, học sinh có cơ hội được trải nghiệm, tìm hiểu phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc vào dịp Tết, sum họp, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái cùng gia đình.
Trong thông báo, hiệu trưởng nhà trường đề nghị giáo viên thực hiện nghiêm túc việc này để học sinh được hưởng trọn vẹn những ngày Tết cổ truyền bên gia đình. Sau thời gian này, giáo viên có kế hoạch bổ sung kiến thức cho học sinh đầy đủ.
Tương tự, trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7) cho biết vào mỗi kỳ nghỉ Tết, nhà trường luôn quán triệt đến giáo viên việc không giao bài tập về nhà cho học sinh, để học sinh có được kỳ nghỉ Tết trọn vẹn cùng gia đình.
Từ lâu, nhiều giáo viên đã không giao bài tập Tết cho học sinh. Ảnh: Chí Hùng. |
Hãy để học sinh nghỉ ngơi
Chia sẻ với Tri thức - Znews, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên môn Lịch sử, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cho biết nhiều năm nay, cô không giao bài tập Tết cho học sinh.
Theo cô Thảo, học sinh đã học tập quanh năm, hết học chính khóa lại đến học thêm. Tết sẽ là dịp để các em có thời gian quây quần và sum họp bên gia đình và người thân. Bên cạnh đó, nhiều gia đình ở xa, cần di chuyển về quê. Chính vì vậy, việc giao bài tập cho học sinh vào dịp Tết cũng nên hạn chế.
"Đi về quê, đi chúc Tết mà phải mang theo sách vở, bài tập hay áp lực học hành sẽ thì ý nghĩa của ngày Tết đã bị giảm đi rồi", cô Thảo nhận định giáo viên chỉ nên dừng ở việc nhắc nhở học trò trước và sau Tết để các em không chủ quan, lơ là với việc học và ôn tập bởi trước và sau Tết thường tương ứng với các đợt kiểm tra. Các em nên chủ động phân bổ thời gian ôn tập hợp lý.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Cao Cường cũng cho rằng Tết là dịp học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Trong năm học, về cơ bản, các em đã thực hiện các hoạt động học tập, giáo dục. Vậy nên, các em rất cần thời gian được nghỉ ngơi bên gia đình dịp Tết đến, xuân về.
"Đây cũng là dịp các em cần được trải nghiệm các hoạt động đón Tết cổ truyền. Do vậy, thầy cô không nên giao nhiều bài tập để ngày nào các em cũng phải làm bài tập hoặc làm dồn vào các ngày trước và sau Tết", thầy Cường nói.
Nói về việc nhiều phụ huynh lo ngại học sinh quên kiến thức khi nghỉ Tết dài ngày, thầy Cường cho hay có thể sau thời gian nghỉ, các em sẽ xao nhãng kiến thức đôi chút. Tuy nhiên, các thầy cô vẫn dành ra quỹ thời gian nhỏ để hỗ trợ học trò trở lại nếp học tập và hoàn thành chương trình.
Nên giao nhiệm vụ thay vì bài tập
Thay vì giao đề cương, bài tập Tết gây căng thẳng cho học trò, thầy Cường cho rằng thầy cô nên giao nhiệm vụ cho các em.
Chẳng hạn, các em có thể nhận nhiệm vụ về tìm hiểu phong tục, tập quán ngày Tết. Một số nhiệm vụ gắn với học tập nhưng ở mức độ nhẹ nhàng như dọn dẹp góc học tập, ôn tập nhẹ nhàng kiến thức các môn học trong tuần đầu tiên sau nghỉ Tết.
Bên cạnh đó, thông qua những buổi trao đổi trước Tết, thầy cô có thể căn dặn học trò lưu ý về đảm bảo an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm; giáo dục các em thực hành chào hỏi, chúc Tết hoặc làm những việc tốt đầu năm. Điều này cũng góp phần giúp các em giữ gìn truyền thống tốt đẹp.
Tương tự, cô Huyền Thảo cũng cho hay thay vì giao bài tập, cô thường khuyến khích học sinh đọc thêm sách hoặc làm video về kỳ nghỉ Tết.
"Các em có thể thực hiện video ngắn ghi lại các hoạt động trong kỳ nghỉ Tết, khuyến khích bằng điểm cộng. Đây cũng là hình thức để các em lưu lại những khoảnh khắc sum vầy bên gia đình, ghi lại hình ảnh về địa danh ở quê hương, cũng là cách để các em học môn Lịch sử", cô Thảo chia sẻ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.