Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm nay, lần đầu tiên học sinh TP.HCM được nghỉ học 16 ngày, từ ngày 21/1 (24 tháng chạp) đến hết 5/2 (mùng 9 tháng giêng). Trong khi hầu hết học sinh đều thoải mái với kỳ nghỉ này, phụ huynh, nhất là ở bậc mầm non, lại chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi con.
Phụ huynh tha thiết, trường không mặn mà
Chị Phan Thanh Nga, công tác tại một ngân hàng ở quận Thủ Đức, cho hay đến 29 tháng chạp, cơ quan chị mới nghỉ Tết. Trong khi đó, các con học hết 23 tháng chạp là nghỉ nên chị chưa biết tính như thế nào.
“Như năm ngoái, cũng do con nghỉ trước cha mẹ nên phải thuê hàng xóm trông nhưng năm nay họ lại về quê nên rất khó khăn. Mấy phụ huynh ở chung cư rỉ tai nhau góp tiền nhờ một gia đình đang mở nhóm trẻ trông hộ nhưng tôi thấy không an tâm.
Phương án tính đến là phải xin nghỉ phép. Tuy nhiên, dịp cuối năm sổ sách tính toán rất nhiều nên cũng… bất khả thi” - chị Nga lo lắng.
Học sinh một trường mầm non làm quen với việc bóc bánh chưng nhân dịp Tết sắp đến. |
Trong khi đó, chị Thanh Hiền (nhà tại quận 3), do nhà trường không thông báo sớm, gia đình cũng chủ quan lịch nghỉ Tết của con như mọi năm nên đặt vé máy bay cho 2 anh em về quê ăn Tết với ông bà nội chỉ tròn 10 ngày.
Sắp tới, các con lại được nghỉ 16 ngày nên lại phải sắp xếp việc trông con trước và sau khi về quê ăn Tết. Chưa biết sẽ phải gửi con ở đâu trong vòng 6 ngày đi làm, chị Hiền chỉ còn cách đưa con đi lên công ty để vừa làm vừa trông.
Theo hiệu trưởng một trường mầm non tại quận 1, nhiều phụ huynh cũng đề nghị nhà trường sắp xếp nhận trẻ thêm vài ngày để họ an tâm làm việc vì đột ngột nghỉ thời gian dài, tìm được người trông coi trong dịp này rất khó khăn.
Tuy nhiên, giáo viên cũng muốn nghỉ vì cả năm vất vả. Các trường không mấy mặn mà vì chưa biết số lượng trẻ ít hay nhiều nhưng vẫn phải duy trì bộ máy như thường, thu thêm tiền cũng không dễ mà giữ mức giá như cũ thì khó động viên giáo viên.
Chỉ trường tư mới nhận trẻ thêm giờ
Theo lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), các trường thuộc khối công lập đều nghỉ Tết theo lịch đã thông báo. Chỉ ở khối tư thục mới nhận giữ trẻ thêm theo yêu cầu của phụ huynh.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Tổ trưởng Tổ Mầm non Phòng GD&ĐT quận 12, cho biết các trường công lập sẽ nghỉ theo khung thời gian của bộ và sở quy định, tức là ngày 23 tháng chạp.
Còn ở khối tư thục, do nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh rất nhiều vì quận 12 có đa số phụ huynh làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đến tận ngày 27-29 tháng chạp mới nghỉ. Hiện nay, có trường báo cáo về nhu cầu của phụ huynh để nhận giữ thêm đến 26 tháng chạp.
“Đối với các trường nhận giữ dịp Tết, mức thu trong những ngày giữ thêm sẽ tự thỏa thuận với phụ huynh và cân đối mức thu để bồi dưỡng, động viên giáo viên.
Đối với phụ huynh có con đang học tại các trường công lập mà muốn nhờ trường tư giữ dịp này thì cũng nhận. Quan điểm là tạo điều kiện cho phụ huynh mà vẫn bảo đảm chăm sóc an toàn, chu đáo cho trẻ” - bà Thanh nói.
Trong khi đó, tại quận Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, phó phòng GD&ĐT, phụ trách bậc học mầm non, cho hay do hiểu nhu cầu và lịch đi làm của phụ huynh nên vẫn khuyến khích các trường mở cửa đón trẻ dịp Tết cùng với thời gian nghỉ của phụ huynh.
Trường nào thực hiện được thì sắp xếp giáo viên, nhân viên để bảo đảm các yêu cầu giữ trẻ.
Tạo điều kiện cho trẻ vui chơi
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng dịp Tết là thời gian lý tưởng để học sinh, nhất là ở độ tuổi mầm non, tiểu học, có thời gian gần gũi gia đình, người thân.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 4 cho biết nhà trường sẽ nghỉ theo lịch quy định, đồng thời khuyến khích phụ huynh sắp xếp thời gian cho con có điều kiện vui chơi, tìm hiểu các phong tục ngày Tết.
“Nên cho các con tham quan đường sách; thăm ông bà, họ hàng... Đây cũng là dịp để trẻ hiểu biết kỹ hơn về ngày Tết của dân tộc” - vị này khuyến khích.