Bác sĩ Trần Vũ Quang (bác sĩ chuyên khoa sản tại Hà Nội) chia sẻ về trường hợp của sản phụ Ngân - người suýt mất mạng vì ăn nhẹ trước khi tiến hành mổ đẻ.
Sản phụ Ngân nhập viện để mổ đẻ theo chỉ định vì ngôi thai ngược và quá to. Trước ca mổ, bệnh nhân đã được dặn không được ăn uống gì trong 6-7 tiếng trước khi phẫu thuật.
Khi các bác sĩ tiến hành mổ bắt con, bệnh nhân bị trào ngược dạ dày. Thức ăn tràn vào phổi có thể gây ra tắc đường thở. Ngay lập tức, các bác sĩ phải sử dụng chuyên môn cấp cứu cho cả sản phụ và thai nhi. Rất may, hai mẹ con đều được cứu sống.
Sau đó, Ngân chia sẻ lúc 4-5h sáng bệnh nhân có ăn một chén cháo vì đói và sợ lúc mổ đẻ không có sức. Nghĩ rằng ăn ít thì không sao, bệnh nhân không báo cho bác sĩ nên đã suýt gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Vì thiếu thận trọng mà bát cháo loãng có thể lấy mạng sản phụ và thai nhi. Ảnh: foodstylistvn.com |
Bác sĩ Trần Vũ Quang giải thích mổ đẻ là quá trình phẫu thuật dưới gây mê, gây tê nên bệnh nhân đều được khuyến cáo không ăn uống trước khi phẫu thuật. Nguyên nhân là ngăn ngừa thức ăn trong dạ dày trào ngược vào phổi.
Các triệu chứng bao gồm thở khò kè, tím tái, co thắt phế quản, ran gáy, tụt huyết áp, phù thổi, tắc nghẽn phế quản làm giảm sức đàn hồi và giảm sinh khí máu làm thiếu oxy máu, tăng kháng lực mạch máu phổi và tăng nhịp thở, tiến triển thành hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) có thể gây tử vong.
Tai biến này thường để lại hậu quả rất nặng nề như dịch, thức ăn trong dạ dày khi trào ngược sẽ làm tổn thương phổi, gây ra các phản ứng viêm nhu phổi cấp tính hay dịch dạ dày có axit làm biểu mô phế nang phù nề.
Về thắc mắc nhịn ăn trong thời gian dài có khiến thai phụ kiệt sức, bác sĩ cho biết khi vào phòng mổ bệnh nhân sẽ được truyền nước biển, trẻ em được truyền glucose để tránh hạ đường huyết.
Vì vậy trước khi vào phòng mổ, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu của bác sĩ về thời gian nhịn ăn uống tối thiểu (chất lỏng sạch 2 tiếng, sữa mẹ: 4 tiếng, sữa khác hay ăn: 6 tiếng).