Hơn 20 năm kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau và giữ vai trò quản lý tại các tập đoàn, ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, hiện Thái Vân Linh còn kiêm nhiệm vai trò cố vấn cho các công ty khởi nghiệp và là người định hướng phát triển bản thân.
“Chăm chỉ” là một trong những từ mô tả đúng nhất về cô. Trả lời Zing, Thái Vân Linh chia sẻ quan điểm của mình về phong cách lãnh đạo và hướng quản lý tiền khi còn trẻ.
_____
Tập trung tối đa cho công việc
Tôi bắt đầu làm việc trọn thời gian ở một công ty khởi nghiệp vào năm cuối đại học.
Vì đó là thời điểm Internet mới xuất hiện, mỗi ngày đến văn phòng, tôi đều cảm thấy mình được là một trong những người tiên phong, là một phần của lịch sử.
21 tuổi, tôi may mắn gặp những người sếp, người đồng nghiệp luôn hỗ trợ và khuyến khích mình. Giống như một em bé được dạy dỗ, 3 năm đầu của sự nghiệp cũng tạo nền tảng trong cách tôi phát triển và quản lý nhân viên của mình về sau.
Đi sâu hơn những gì mình làm
Một điều tôi đặc biệt quan tâm trong vận hành doanh nghiệp là xây dựng môi trường để ai cũng có thể học hỏi, tạo ảnh hưởng ở một khía cạnh nhất định.
Điều đó đồng nghĩa với việc bên cạnh thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, khi đi làm, bạn cần hiểu vì sao mình phải làm điều A, điều B, và kết quả sẽ tác đ như thế nào đến bức tranh tổng quan.
Tôi còn nhớ cách người sếp đầu tiên của mình không chú trọng đến số liệu. Mỗi lần tôi đưa các báo cáo cho sếp, anh sẽ hỏi góc nhìn của tôi, tức là những gì tôi rút ra từ con số.
Tìm hiểu sâu trách nhiệm của mình là bí quyết giúp chúng ta mở rộng hiểu biết và lớn lên. Bạn được phép phạm sai lầm, miễn là rút kinh nghiệm từ chúng và không bao giờ lặp lại.
Phải chăm chỉ
Không ít người nói rằng hãy làm việc thông minh, đừng làm việc chăm chỉ, nhưng đây không phải là quan niệm của tôi.
Trong thời đại mà ai cũng có khả năng tiếp cận thông tin và các thiết bị hỗ trợ, sự khác biệt nằm ở thái độ siêng năng, chịu khó.
Ví dụ, thay vì rời văn phòng vào 18h hàng ngày như mọi người, nếu ở lại thêm 1 tiếng, bạn sẽ có nhiều hơn người khác 365 tiếng/năm để lao động. Bằng cách sử dụng tốt lợi thế này, bạn sẽ đi nhanh hơn rất nhiều người.
Những lúc cảm thấy căng thẳng, tôi lại càng tập trung vào công việc hơn để hoàn thành sớm nhất có thể. Lý do là phần lớn căng thẳng của tôi đến từ công việc. Giải quyết dứt điểm nguồn cơn cũng là cách giảm stress hiệu quả.
Biết mục tiêu của mình là gì
Mỗi khi tôi nhắc đến việc làm thêm ngoài giờ, một vài người thường nói về “work-life balance” (cân bằng công việc và cuộc sống).
Thực ra, đối với tôi, hãy khoan nghĩ về cân bằng khi bạn còn trẻ.
Cá nhân tôi hiện tại đã nhận thấy năng lượng của mình không còn nhiều như trước dù vẫn kỷ luật ăn uống, tập luyện thể thao. Còn ở thời điểm 20-30 tuổi, hầu hết chúng ta có sức khỏe thể chất tốt dù chế độ sinh hoạt ra sao.
Muốn đạt mục tiêu đề ra, bạn nên tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên đó.
Dĩ nhiên, ai cũng muốn sống hạnh phúc. Quan trọng là bạn định nghĩa như thế nào về hạnh phúc. Nếu hạnh phúc của bạn là vươn đến các vị trí cao, cân bằng quá sớm không giúp bạn đạt được điều này.
Luôn trả cho bản thân trước
Hiện tôi không quá lo lắng về chi tiêu hàng ngày, nhưng vào khoảng thời gian mới tốt nghiệp, tôi mua gì cũng ghi vào sổ tay. Đến lúc biết Excel, tôi lại nhập vào máy tính và đọc hàng tuần, hàng tháng.
Lúc ấy, vì thu nhập không dư dả nên tôi buộc phải rõ ràng trong phần trăm dành dụm, phần trăm trả tiền nhà, bảo hiểm, xăng xe và khoản chi cho tiêu dùng. Nếu muốn mua một ly Starbucks, tôi luôn tự hỏi liệu mình còn đủ tiền ăn trưa mai hay không.
Thói quen này giúp tôi quản lý ngân sách khá chặt chẽ. Bên cạnh đó, nguyên tắc của tôi là để riêng phần tích lũy trước rồi mới trả nợ và chi xài.
Cầm ví đi ăn ngoài ngay sau khi nhận lương nghĩa là bạn đang trả cho chủ nhà hàng, không phải bản thân mình.
Tiết kiệm rất cần thiết bởi nó là tiền đề giúp bạn tạo tài sản và cân nhắc đầu tư vào đâu sau này. Số tiền rất ít ban đầu có thể thành con số lớn trong tương lai nhờ sự kiên trì và nhẫn nại.
Cuộc sống rồi sẽ tốt hơn
Nếu có thể đưa lời khuyên cho Thái Vân Linh năm 24 tuổi, có lẽ tôi sẽ nói rằng: “Đừng quá lo lắng, bạn ơi”.
Tôi cũng từng trải qua những năm tháng bấp bênh nên phần nào hiểu tâm trạng của các bạn ngoài 20 tuổi. Chúng ta đều có quá nhiều nỗi lo như học tập và phát triển sự nghiệp, chăm sóc cho gia đình, xây dựng các mối quan hệ, thiết lập mục tiêu tài chính,...
Chi li tính toán là tốt, nhưng giờ nhìn lại, tôi thấy mình không nhất thiết phải đưa cảm xúc theo những vấn đề trên.
Cuộc sống chắc chắn sẽ tốt hơn, chỉ cần chúng ta đừng lười biếng, có lập kế hoạch và đang cần cù bước đi từng bước.
Trước ngày tốt nghiệp, không sinh viên nào biết mình có mặt ở đầu bảng cả. Họ chỉ cố gắng học hành, ôn thi. Đến cuối cùng, công sức của họ mới được đền đáp bằng chiếc dây danh dự.
Và niềm tin vào bản thân chính là hành trang trên con đường đó.
#HerMoney là series dành cho nữ giới, nơi những nhân vật chia sẻ góc nhìn cá nhân. Với kinh nghiệm và màu sắc của họ, mỗi bài viết gửi đến người đọc một hướng tiếp cận mới về tài chính, công việc và cuộc sống.