Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cùng ĐH Tôn Đức Thắng "không hợp tác" các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng.
Sau khi đại diện hai trường này phản hồi, Bộ GD&ĐT cho rằng ĐH Tôn Đức Thắng đang nhầm lẫn khái niệm giữa kiểm định và thẩm định khi từ chối hợp tác với lý do “kiểm định chất lượng trong nước là tào lao”.
Thiếu cơ sở pháp lý hoàn chỉnh?
Trao đổi với Zing.vn, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng bộ đã thiếu khung cơ sở pháp lý để ủy quyền cho trung tâm kiểm định tiến hành thẩm định chất lượng các trường đại học. Mặt khác, có bất cập giữa việc lựa chọn tổ chức kiểm định của trường đại học và chế tài kiểm định theo quy định của luật.
Ông Vinh cho rằng căn cứ Luật Giáo dục Đại học (khoản 1, điều 55) và Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014, việc kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học là đúng luật định. Như vậy, nếu Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu, các trường phải tham gia kiểm định theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục.
Điều này cũng phù hợp quyết định số 158/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 29/01/2015 về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017. Trong đó, quyết định ghi rõ: "Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo quy định để bảo đảm chất lượng đào tạo".
Như vậy, khi cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu kiểm định, ĐH Tôn Đức Thắng phải thực hiện vì đây chính là trách nhiệm giải trình của trường đại học.
Mặt khác, Thông tư 12/2017/TT-GDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học lại ghi rằng cơ sở giáo dục đại học "...được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để thực hiện việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho từng giai đoạn". Điều đó cho phép ĐH Tôn Đức Thắng có thể lựa chọn một tổ chức kiểm định khác nếu muốn và không rõ tính chất chế tài theo luật định.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng Bộ GD&ĐT và ĐH Tôn Đức Thắng cần xem xét kỹ lưỡng các quy định trong Luật Giáo dục Đại học và các quyết định của Thủ tướng về tự chủ đại học trước khi đưa ra kết luận về vụ việc. Ảnh: Xuân Trung. |
Lẽ ra quy định thêm tại Thông tư nói trên rằng: "cơ sở giáo dục đại học phải chấp hành yêu cầu kiểm định của Bộ GD&ĐT và có quyền lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để thực hiện việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho từng giai đoạn" sẽ chặt chẽ và mang tính chế tài được Luật Giáo dục Đại học cho phép. Trong bối cảnh văn hóa chất lượng GDĐH ở nước ta còn có vấn đề, không nên vin vào việc tự chủ mà thích thì làm, không thích thì thôi..
Cũng theo TS Vinh, thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng của hơn 200 trường đại học là công việc nặng nề và mất nhiều thời gian. Do đó, Bộ GD&ĐT huy động 4 trung tâm kiểm định chất lượng tiến hành là điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, kể cả như vậy, Bộ GD&ĐT vẫn phải đưa ra cơ sở pháp lý căn cứ vào điều khoản nào hoặc văn bản quy phạm pháp luật để các trường đại học phối hợp thực hiện.
"Hiện nay, có văn bản quy phạm pháp luật nào để bộ giao nhiệm vụ thẩm định này cho Trung tâm không? Theo quyết định phê duyệt công nhận của bộ về các trung tâm kiểm định, liệu việc thẩm định có thuộc chức năng nhiệm vụ mà bộ giao cho trung tâm không?”, ông Vinh đặt câu hỏi.
Nếu Bộ GD&ĐT giao cho một trung tâm làm nhiệm vụ dịch vụ công thay chức năng quản lý Nhà nước khi không có quy định bởi Luật, Nghị định để ủy quyền là sai về quy tắc hành chính. Do đó, Bộ GD&ĐT và ĐH Tôn Đức Thắng cần xem xét kỹ lưỡng các quy định trong Luật Giáo dục Đại học và các quyết định của Thủ tướng về tự chủ đại học trước khi đưa ra kết luận.
Thẩm định chất lượng là đúng hướng
TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH Thành Tây, cho rằng có thể ĐH Tôn Đức Thắng đã hiểu nhầm giữa việc thẩm định điều kiện tuyển sinh và kiểm định chất lượng giáo dục.
“Bộ GD&ĐT tiến hành thẩm định điều kiện tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học là cần thiết. Tuy nhiên, việc huy động các đơn vị kiểm định thực hiện có thể đã khiến ĐH Tôn Đức Thắng hiểu nhầm đây là kiểm định chất lượng giáo dục”, ông Minh nhận định.
Hiệu trưởng ĐH Thành Tây cho biết vừa qua, tất cả cơ sở giáo dục đại học đều được/bị kiểm tra. Việc thẩm định cơ sở vật chất, lực lượng giảng viên cơ hữu, quy mô sinh viên… là hiển nhiên nhằm minh bạch thông tin đối với người học, phụ huynh và cơ quan quản lý.
Các đơn vị kiểm định tại Việt Nam đã áp dụng phương pháp tiếp cận khá tương đồng các phương thức kiểm định đại học của thế giới và khu vực. Theo quan sát của ông Minh, những chuyên gia thẩm định đại học của Việt Nam tích lũy được khá đầy đủ kinh nghiệm về kiểm định đại học. Cách tiếp cận kiểm định của các tổ chức này tương đồng nhiều đơn vị kiểm định đại học khác trên thế giới.
"Thẩm định là đúng hướng nhưng tất nhiên cũng không thể yêu cầu các trung tâm làm tốt ngay khi mới được thành lập và đang trong giai đoạn học hỏi. Cần có thời gian để các trường đại học lẫn các trung tâm kiểm định nâng cao dần chất lượng", Hiệu trưởng ĐH Thành Tây cho hay.
Thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết đến ngày 30/6, 208 cơ sở giáo dục đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017. Cá biệt, 2 cơ sở giáo dục đại học không hợp tác để thực hiện thẩm định là ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Kinh doanh Công nghệ.
Bốn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục - ĐH Đà Nẵng và Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục - ĐH Quốc gia TP.HCM.
Các tổ chức này đã tiến hành công tác thẩm định và xác nhận những điều kiện đảm bảo chất lượng chính (diện tích đất, sàn xây dựng; thư viện, trung tâm học liệu; quy mô sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu) đối với các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.