Trả lời báo chí chiều 2/12 về việc phản hồi của hai trường đại học "không hợp tác" thẩm định chất lượng, TS Lê Mỹ Phong, phụ trách Phòng Kiểm định Chất lượng Giáo dục - Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho rằng các trường đã có sự nhầm lẫn về khái niệm.
Hai việc khác nhau
- Việc thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đại học nhằm mục đích gì?
- Việc thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các đại học, học viện, trường đại học (gọi chung là các trường ĐH) nhằm “chụp ảnh”, phản ánh khách quan, trung thực điều kiện đảm bảo chất lượng cơ bản hiện có của trường.
Mục đích cụ thể là tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của trường ĐH trong việc công khai những điều kiện đảm bảo chất lượng; giúp các trường khẳng định điều kiện đảm bảo chất lượng của mình trước xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình trong việc lựa chọn trường để đăng ký theo học, cung cấp thông tin cho xã hội biết và giám sát.
Công tác thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng cũng thể hiện trách nhiệm công khai nhà trường theo quy định để phản ánh trung thực, khách quan điều kiện đảm bảo chất lượng hiện có của trường. Nó không có nghĩa tất cả trường đã được thẩm định, xác nhận đều đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
TS Lê Mỹ Phong cho rằng ĐH Tôn Đức Thắng hiểu nhầm về công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng. |
- ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Kinh doanh Công nghệ phủ nhận việc "không hợp tác" với Bộ GD&ĐT để kiểm định xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đại học Tôn Đức Thắng phản ánh thanh tra của Bộ GD&ĐT và trung tâm kiểm định vào trường làm việc cùng một vấn đề, trong vòng 1-2 tuần phải kiểm tra nhà trường hai lần?
- Nhà trường đã nhầm lẫn khi cho rằng hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng thực hiện theo kế hoạch số 203/KH-BGDĐT ngày 27/3 cũng là kiểm định chất lượng giáo dục.
Hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng không phải là kiểm định. Bộ GD&ĐT giao các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục huy động chuyên gia thực hiện để tăng thêm tính độc lập, khách quan.
Hoạt động thanh tra có mục tiêu và đối tượng riêng, được thực hiện theo quy trình riêng. Còn thành phần tổ thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng là chuyên gia do trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục lựa chọn, phần lớn đến từ trường ĐH khác, để “chụp ảnh” các điều kiện đảm bảo chất lượng cơ bản của trường. Hai bên cùng xác nhận, sau đó, kết quả này sẽ công khai cho xã hội biết và giám sát.
Bộ GDĐT nhận được phản ảnh của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục về việc có trường viện lý do đang tiến hành kiểm định và đã được thanh tra, kiểm tra để không hợp tác thực hiện công tác thẩm định và xác nhận, kèm theo lý giải của các trường.
Bộ cũng đã có công văn ngày 27/6 gửi các trường về việc này, yêu cầu hợp tác với các trung tâm để thực hiện công tác thẩm định, xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng theo kế hoạch chung đã ban hành.
Khuyến khích kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài
- Theo phản hồi của đại diện ĐH Tôn Đức Thắng, kiểm định trong nước trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải kiểm định theo hệ thống của bộ là tước quyền tự chủ của trường?
- Nói “Kiểm định trong nước trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm” thậm chí cho rằng “kiểm định trong nước là chuyện tào lao” là những nhận xét thiếu căn cứ, không đúng thực tiễn và đi ngược lại với những nỗ lực đáng ghi nhận của tuyệt đại đa số các trường ĐH nước ta trong quá trình đổi mới.
Nhận định này cũng phủ nhận sự nỗ lực của các trung tâm kiểm định chất lượng cũng như sự cố gắng của cả hệ thống để đưa hoạt động kiểm định ngày càng thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian qua.
Giữa tháng 7, ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) đưa vào hoạt động Thư viện Truyền cảm hứng nằm trong khuôn viên trường, tổng vốn đầu tư 129 tỷ đồng. Ảnh: Lê Quân. |
Nó cũng thể hiện người nói chưa hiểu đầy đủ, chưa sâu về bộ tiêu chuẩn đánh giá trường ĐH cũng như quy trình kiểm định chất lượng trường ĐH.
Trước khi tiến hành đánh giá ngoài một trường ĐH, trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định về hình thức và nội dung của các báo cáo tự đánh giá. Thời gian qua, hơn 14 trường có báo cáo tự đánh giá chưa đạt yêu cầu nên các trung tâm không chấp nhận ký hợp đồng đánh giá ngoài, sau khi thẩm định.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 30/11, cả nước có 213 trường đại học hoàn thành tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn trong nước. Trong số đó, nhiều trường có truyền thống lâu đời, uy tín và thương hiệu đã đăng ký đánh giá ngoài những đợt đầu với 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.
Sau khi thẩm định các báo cáo tự đánh giá theo đề nghị của trường, các trung tâm đã tiến hành đánh giá ngoài cho 78 trường ĐH. Trong số đó, 50 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng với sự khác biệt khá rõ về số lượng tiêu chí đạt yêu cầu và có 4 trường không đủ điều kiện để được công nhận.
Bộ GD&ĐT chủ trương đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận khu vực và quốc tế, khuyến khích các trường thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín. Chưa bao giờ Bộ GDĐT có yêu cầu trường ĐH chỉ phải thực hiện kiểm định theo hệ thống của bộ như đại diện ĐH Tôn Đức Thắng đề cập.
Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, hai cơ sở giáo dục đại học "cá biệt" không hợp tác để các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng là ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và ĐH Tôn Đức Thắng.
Đại diện hai trường đã phản bác kết luận của Bộ GD&ĐT. Đại diện ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng 208 trường đại học được thẩm định và đều đủ điều kiện tạo ra sự nghi ngờ về chất lượng kiểm định trong nước.