Răng số 8, còn gọi là răng hàm số 8 - là những chiếc răng mọc cuối cùng của mỗi người. Chúng thường mọc khi bạn bước vào lứa tuổi trưởng thành, từ 17 đến 25 tuổi.
Tuy nhiên, một số trường hợp phải nhổ răng số 8 mọc lệch để bảo vệ sức khỏe răng miệng và sự an toàn của những chiếc răng lân cận.
Các biến chứng do răng 8 mọc lệch
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết răng số 8 không có chức năng ăn nhai và hầu như không có vai trò gì. Thậm chí, trong hầu hết trường hợp, răng 8 mọc lệch còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Viêm nhiễm tại chỗ: Khi răng số 8 bắt đầu nhú, phần mô nướu sẽ có hiện tượng tách ra. Đây là thời điểm tương đối thuận lợi để vi khuẩn thông qua các mô mở mà tấn công vào bên trong, gây tình trạng đau nhức, sưng viêm.
- Gây rối loạn về phản xạ và cảm giác: Các dây thần kinh thường tập trung tương đối nhiều tại vị trí răng hàm dưới. Do đó, khi răng số 8 mọc lệch, mọc ngầm trong xương hàm dễ gây chèn ép các dây thần kinh. Từ đó, chúng gây ra cảm giác đau nhức, đau khi há miệng, khó nhai và nuốt, thậm chí cứng hàm hoàn toàn.
- Tổn thương răng khác: Khi răng số 8 phát triển nhưng cung hàm không còn đủ chỗ trống, chúng sẽ có xu hướng nghiêng dần về răng số 7 gây ra hiện tượng xô lệch, đau nhức, răng số 7 bị lung lay, thậm chí là gãy rụng.
Răng số 8 là những chiếc răng mọc cuối cùng của mỗi người. Ảnh: Gowabi. |
Các trường hợp răng số 8 mọc lệch:
Theo bác sĩ Mạnh Hùng, một số trường hợp răng số 8 mọc lệch gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Dưới đây là một số hình thái mọc thông thường của chúng.
- Răng số 8 mọc thẳng nhưng không trồi lên khỏi nướu: Khi răng số 8 mọc dưới nướu, chúng có thể kích thích các mô khiến chúng bị viêm tấy, sưng đỏ, thậm chí làm sưng vùng má khiến bệnh nhân khó há miệng, ăn nhai.
- Răng số 8 bị kẹt lại một phần dưới vạt nướu: Khi răng số 8 bị kẹt lại dưới vạt nướu, chúng sẽ không thể tiếp tục mọc. Vi khuẩn, vụn thức ăn rất dễ bám vào trong các túi nướu, gây viêm nhiễm.
- Răng số 8 mọc nghiêng và đâm vào chân răng bên cạnh: Thông thường, quá trình này diễn ra trong âm thầm, khi răng số 7 bị tổn thương đến tủy mới bắt đầu gây đau nhức. Lúc này, chúng đã bị tổn thương khá nặng, một số trường hợp có thể phải nhổ răng.
- Răng số 8 mọc đâm ngang: Biến chứng của răng số 8 mọc ngang rất khó lường. Trước hết, quá trình mọc răng gây nhiều đau nhức khó chịu cho người bệnh, thậm chí sưng má, viêm lợi.
Lưu ý trước khi nhổ
"Hãy nói rõ cho bác sĩ về bệnh lý toàn thân và thuốc đang sử dụng", bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Trường hợp bệnh nhân mắc bệnh huyết áp cao, máu khó đông, tiểu đường, tim mạch, đau dạ dày…, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng khi sức khỏe đã ổn định và phù hợp.
Bệnh nhân đang sử dụng một số loại thuốc như kháng sinh, giảm đau, điều trị dị ứng hay mắc bệnh lý về răng miệng (viêm nướu, viêm nha chu), cũng cần thông báo cho bác sĩ.
Ngoài ra, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt sẽ dời thời gian nhổ răng đến khi chu kỳ dứt hẳn. Phụ nữ đang mang thai cũng nên đợi sau khi sinh con mới tiến hành nhổ răng số 8.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Znews giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.