Thận ứ nước là tổn thương làm cho thận bị giãn và sưng to. Biểu hiện của bệnh là đau khởi phát vùng hạ sườn hoặc hông lưng, sau đó lan xuống phía dưới hoặc ra sau. Có thể xuất hiện tình trạng tăng huyết áp nên làm người bệnh thấy đau đầu, do thận tăng tiết renin. Khi loại bỏ được nguyên nhân ứ nước ở thận, huyết áp trở lại bình thường.
Những nguyên nhân hay gặp là sỏi thận, sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu làm đường niệu bị chít hẹp. Một số dị dạng bẩm sinh như có van niệu đạo, hiện tượng trào ngược bàng quang - niệu quản cũng có thể gây bệnh. Ngoài ra, u xơ tuyến tiền liệt, các khối u ở vùng chậu, hông, tình trạng có thai... cũng gây khả năng chèn ép, làm tắc nghẽn đường niệu dẫn đến nhiều rối loạn ở hệ thống tiết niệu.
Điều trị thận ứ nước phải tùy từng trường hợp cụ thể. Nguyên tắc chung là loại bỏ yếu tố gây tắc (phẫu thuật tái tạo các dị dạng bẩm sinh, mổ cắt và bóc các khối u, tán hoặc mổ lấy sỏi tiết niệu...); chống nhiễm khuẩn bằng các loại kháng sinh; chống rối loạn nước điện giải bằng truyền dịch. Điều quan trọng là bệnh có thể gây suy giảm chức năng thận, gây tổn thương cấu trúc tế bào thận.
Nếu thận ứ nước kéo dài, không được xử trí, xảy ra thận ứ nước mạn tính làm các đơn vị thận bị hủy hoại dần, mức lọc cầu thận giảm đi và cuối cùng đưa đến suy thận mạn tính, viêm cầu thận. Chính vì thế việc điều trị bệnh thận ứ nước kịp thời là rất cần thiết nhằm tránh được những biến chứng nguy hiểm.