Ranh giới giữa underground hay còn được biết đến như “thế giới ngầm” âm nhạc với mainstream để chỉ những nghệ sĩ theo con đường chính thống, được đánh giá là chưa bao giờ “mỏng” như hiện nay.
Những màn hợp tác liên tiếp giữa dân underground và nghệ sĩ mainstream là sự giao thoa lớn giữa hai “thế giới” âm nhạc. Xu hướng này tồn tại suốt nhiều năm và đặc biệt phát triển từ năm 2018 đến nay với những hợp tác giữa Hoàng Thùy Linh với Kimmese, Trịnh Thăng Bình với Osad...
Đặc biệt trong năm 2019, thị trường từng chứng kiến nhiều cú bắt tay ấn tượng, làm nên những sản phẩm triệu view, những bản hit “làm mưa làm gió” trên thị trường. Có thể kể đến như Đen Vâu và Min trong Bài này chill phết. Tóc Tiên và Da LAB trong Nước mắt em lau bằng tình yêu mới...
Tóc Tiên từng có sản phẩm hợp tác ấn tượng với Da LAB. |
Sang năm 2020, xu hướng này vẫn tiếp tục với những sản phẩm như Chân ái (Orange và Khói), Cung đàn vỡ đôi (Chi Pu hát sáng tác của Kiên) hay mới đây là Từ chối nhẹ nhàng thôi (Bích Phương, Phúc Du).
Những cú bắt tay
Chân ái ra mắt dịp đầu năm là sản phẩm cuối cùng trong mối quan hệ giữa Châu Đăng Khoa và Orange trước khi cả hai “đường ai nấy đi”. Là một sáng tác của Châu Đăng Khoa với sự pha trộn giữa R&B, world music và hip-hop, ngoài Orange, ca khúc còn có sự góp giọng của Khói.
Khói là một rapper trẻ của giới underground, sở hữu chất giọng trầm khàn khá đặc biệt, phù hợp với hip-hop. Cũng như nhiều rapper khác, anh vừa có khả năng sáng tác, vừa thể hiện. Song, ở Chân ái, nam rapper đóng vai trò như một khách mời, bên giọng hát chính là Orange thay vì sáng tác.
Trong Chân ái, Khói trở thành một điểm nhấn thú vị, góp phần không nhỏ vào tổng thể cuốn hút của ca khúc. Dù bản chất ca khúc không xuất sắc, sự đan cài khá ăn ý giữa Khói và Orange nhận được phản hồi tích cực.
Tuy nhiên, điểm đáng tiếc là ca khúc gần như đã bị “khai tử” với phiên bản của Orange và Khói, do Châu Đăng Khoa, tác giả ca khúc và Orange mâu thuẫn. Ca khúc, do vậy, rất khó để được đưa lên sân khấu chuyên nghiệp như bản thu đã giới thiệu trong MV.
Sau Chân ái, một sản phẩm khác cũng có sự hợp tác giữa mainstream và “thế giới ngầm” là Cung đàn vỡ đôi, một sáng tác của Kiên, do Chi Pu thể hiện.
Kiên, tên đầy đủ là Trịnh Trung Kiên, là gương mặt còn mới mẻ, nhưng cũng đã được một bộ phận khán giả theo dõi dòng indie/underground biết đến và yêu thích. Màu sắc âm nhạc của Kiên chưa rõ nét. Song, điểm dễ nhận ra là anh viết nhạc như “lời ăn tiếng nói hàng ngày”, và bao giờ cũng truyền tải thông điệp tích cực, thông qua cách xây dựng ca từ hóm hỉnh, dễ thương.
Những ca khúc của Kiên từng được một bộ phận khán giả biết đến có Em ăn sáng chưa, Tập thể dục, Tại sao, Tôi biết em không biết, hay mới đây là Cô bé quàng khăn đỏ…
Kiên tự thể hiện sáng tác của mình, chưa hợp tác với gương mặt mainstream nào. Do đó, Cung đàn vỡ đôi của sản phẩm đầu tiên đánh dấu việc Kiên hợp tác với một nghệ sĩ giải trí như Chi Pu.
Giai điệu Cung đàn vỡ đôi thuộc dòng pop ballad và mang hơi hướm của nhạc Cantopop vốn đặc biệt phổ biến vào những năm 1990, đầu 2000. Dù gây lăn tăn về chất lượng, không thể phủ nhận ca khúc khá hợp với giọng Chi Pu, thể hiện những tìm tòi của tác giả với giọng hát của ca sĩ.
Chi Pu thường xuyên hợp tác với nghệ sĩ underground, trước Kiên là Đạt G. |
Tiếp sau Cung đàn vỡ đôi, mới đây, với Từ chối nhẹ nhàng thôi qua sự kết hợp của Bích Phương và rapper Phúc Du, cũng là một sản phẩm bắt tay giữa mainstream và thế giới ngầm.
Từ chối nhẹ nhàng thôi là một sáng tác của Tiên Cookie và Phạm Thanh Hà, do Dương K làm nhạc. Phúc Du đóng vai trò như người thể hiện chính ca khúc, trong khi Bích Phương như một khách mời. MV hiện thu hút hơn 4 triệu lượt xem/nghe, ở mức trung so với thị trường.
Sau Từ chối nhẹ nhàng thôi, theo một số nguồn tin, từ nay đến cuối năm, nhạc Việt vẫn còn nhiều sản phẩm hợp tác giữa “thế giới ngầm” và mainstream.
Thậm chí, mới nhất, diva Thanh Lam cũng bày tỏ về ý định sẽ hợp tác với một số nhóm nhạc indie/underground như Ngọt, Da LAB hay Chillies. Nếu kế hoạch này là nghiêm túc, xứng đáng nhận được sự đón đợi của khán giả, khi “nữ hoàng nhạc nhẹ” bắt tay với “thế giới ngầm”.
Khó tránh tranh cãi
Một trong những tranh cãi dễ nhận thấy nhất khi indie/underground tiếp cận với thị trường mainstream là có giữ được “chất” hay không và có còn thực sự là indie/underground hay không.
Như cú bắt tay với Chi Pu của Kiên mới đây cũng gây bất ngờ. Một bộ phận khán giả yêu thích “thế giới ngầm” cho rằng Kiên dường như đã đặt nặng chuyện thương mại quá sớm, nhất là khi màu sắc của bản thân còn chưa rõ nét, và cũng chưa phải là gương mặt quá nổi bật của cộng đồng indie.
Nhận định này được đưa ra là do Cung đàn vỡ đôi bị nhận xét là khác hẳn so với những sáng tác trước đó của Kiên. Ca khúc mang nặng hướng nhạc Hoa lời Việt, điều mà trong những ca khúc đã được giới thiệu của Kiên không hề có. Cùng với đó, Chi Pu lại không phải giọng ca xuất sắc.
Kiêu sau đó phải lên tiếng khẳng định anh không viết ca khúc qua loa, cho xong. Tác giả trẻ cũng khẳng định anh đã viết ca khúc cho đúng người, do vậy, không hối hận.
Trước những tranh cãi, Kiên cho rằng cảm nhận mỗi người mỗi khác. Anh cho rằng nghệ sĩ nào cũng vậy, sản phẩm nào cũng thế, luôn hứng chịu những nhận xét trái chiều. Tác giả trẻ tôn trọng cảm nhận của mọi người.
Phúc Du vừa đầu quân cho một công ty quản lý nghệ sĩ. |
Thực tế, không phải sự hợp tác nào giữa mainstream và indie cũng được số đông tán thưởng. Cú bắt tay giữa Phúc Du và Bích Phương cũng không đạt được thành công về chất lượng như kỳ vọng.
Bản thân Phúc Du trong ca khúc Từ chối nhẹ nhàng thôi cũng có cách rap không đủ sâu sắc, trong khi anh từng làm tốt hơn như vậy ở những bản rap khác. Ca khúc cũng không tạo ra được những liên kết, đất thể hiện cho cả hai, Bích Phương và Phúc Du không thực sự ăn ý trong lần hợp tác đầu tiên.
Ngoài ra, với việc đầu quân cho một công ty quản lý mới đây, cũng là công ty quản lý Bích Phương, Phúc Du cũng được cho là đã chính thức bước ra khỏi thế giới ngầm. Tất nhiên, việc từ "thế giới ngầm" đi lên chính thống vẫn được cho là con đường văn minh, tích cực mà nhiều nghệ sĩ đã lựa chọn, mà thành công của Sơn Tùng M-TP hay Soobin Hoàng Sơn là những ví dụ điển hình.
Khán giả rõ ràng không quá khắt khe về chuyện underground hay mainstream, nhưng để thành công, nhiều người đồng thuận rằng, ở môi trường nào, quan trọng vẫn là phải giữ được "chất".