Các bác sĩ cuối đầu tri ân người hiến tạng. Ảnh: BVCC. |
Ngày 17/11, Bệnh viện Thống Nhất đã tiếp nhận người bệnh (18 tuổi) nhập viện do chấn thương sọ não nặng, dập não, tụ máu màng cứng trong tình trạng hôn mê sâu,
Bốn ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân vẫn hôn mê nặng, glasgow 3 điểm. Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất, hồi sức và tiến hành đặt nội khí quản. Lúc này, bác sĩ đánh giá người bệnh dần rơi vào tình trạng chết não tiềm năng.
Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân diễn tiến nặng, suy hô hấp, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Khi nguy cơ chết não của bệnh nhân cận kề, bệnh viện đã kích hoạt toàn bộ hệ thống để đánh giá tình trạng bệnh nhân từ cơ sở pháp lý đến chuyên môn bằng các hội đồng độc lập.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Duy Cường, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trong suốt quá trình, các bác sĩ vẫn liên tục theo dõi, tìm giải pháp chữa trị cho người bệnh trước khi đưa đến kết luận cuối cùng.
ThS Phạm Thị Đào, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, đến Bệnh viện Thống Nhất tư vấn, tìm hiểu nguyện vọng của gia đình người bệnh, hướng dẫn các thủ tục pháp lý trong việc hiến mô tạng.
Sau khi hiểu được ý nghĩa của việc ghép tạng, mẹ và bà của người bệnh lập tức đồng ý: “Không cứu được cháu thì có thể cứu được thêm nhiều người khác”.
Sáng 24/11, sau khi có kết luận của hội đồng đánh giá tình trạng, PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, chủ trì hội chẩn chuyên môn cùng các chuyên gia đến từ Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Sau 3 lần đánh giá, các chuyên gia thống nhất bắt đầu phẫu thuật lấy lấy tạng vào lúc 10h45 cùng ngày. Ca phẫu thuật lấy tạng từ người hiến chết não thành công, 7 đơn vị tạng đã được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho người nhận.
7 cuộc đời được hồi sinh từ tạng hiến của nam thanh niên. Ảnh: BVCC. |
Hai quả thận của nam thanh niên được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất. Đây là ca ghép thận thứ 19 của đơn vị này và là trường hợp ghép thận đầu tiên trên người bệnh chết não.
Giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Một phần gan trái của người hiến được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Người nhận tạng hiến là bệnh nhi 3 tuổi bị xơ gan giai đoạn cuối, đang chờ được ghép gan. Quả tim và một phần gan phải được chuyển đến Hà Nội để ghép cho hai người bệnh tại Bệnh viện Việt Đức.
Theo TS.BS Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Gan Mật Tụy Ghép gan, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đây là lần thứ 4 cả nước tách lá gan thành hai phần để ghép. Hiện, các người bệnh nhận gan hiến đã tỉnh táo, chức năng gan ổn, được rút ống thở. Riêng bệnh nhi đã có thể nói chuyện ngay sáng hôm sau.
“Đây là một sự kết hợp ăn ý giữa hai đầu cầu Bắc và Nam”, bác sĩ Duy nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, trước đây, mỗi năm, cả nước chỉ có khoảng 12-13 ca chết não hiến tạng. Tuy nhiên, con số này đang gia tăng trong những năm trở lại đây, tính riêng năm nay, ở khu vực miền Bắc đã có 28 ca.
Trẻ em không phải sinh ra đã khỏe mạnh về cảm xúc, trẻ phải được tôi luyện. Trẻ cần được nuôi dưỡng và dạy bảo các kỹ năng xác định cảm xúc của mình và thể hiện ra theo cách tích cực, từ đó, trẻ có thể kết nối với những người khác theo cách thông minh về cảm xúc.