Sáng 29/3, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết bệnh nhân là anh B.M.K. (26 tuổi, ngụ tại TP Cần Thơ). Hiện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sinh tồn ổn định, đang lọc thận nhân tạo để điều trị suy thận cấp.
Khoảng 4h40 ngày 19/3, anh K. nhập viện với vết thương hở 2 cm vùng thắt lưng phải, chảy máu nhiều, vật vã, huyết áp thấp... Người thân của K. cho biết trước giờ nhập viện, anh bị đầu đạn găm vào hông phải.
Xác định đây là vết thương thấu bụng do hoả khí nên bác sĩ hồi sức tích cực truyền máu cho bệnh nhân và thực hiện xét nghiệm siêu âm bụng, chụp CT bụng cản quang rồi chuyển thẳng lên phòng phẫu thuật.
3 ê-kip cấp cứu của bệnh viện đã được huy động để cứu anh K. Sau 4 giờ phẫu thuật, đầu đạn chì nghi của súng hơi kích thước 2,5 x 0,8 cm được bác sĩ lấy ra khỏi bụng anh K.
Đầu đạn được lấy ra khỏi bụng anhK. Ảnh: Thanh Phong. |
Quá trình phẫu thuật bệnh nhân đã được truyền 17 đơn vị máu và chế phẩm máu. Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Cần Thơ cung cấp kịp thời trong thời gian ngắn đã góp phần rất lớn cho sự thành công của cuộc phẫu thuật.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trầm Công Chất (Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu), vết thương thấu bụng là cấp cứu ngoại khoa, có tỷ lệ tử vong cao nếu các thương tổn không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Bác sĩ khó tiên đoán được mức độ tổn thương các tạng trong xoang bụng, không thể dựa vào tổn thương bề mặt để đánh giá tổn thương nội tạng.
“Đây là một trường hợp rất nặng. Đặc biệt là tổn thương thủng động mạch chủ bụng do hỏa khí, bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức do tình trạng mất máu cấp, đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu cũa đội ngũ phẫu thuật viên mạch máu trong xử lý tình huống cấp cứu”, bác sĩ Chất chia sẻ.