Năm 1347, khi dịch hạch lần đầu gieo rắc nỗi khiếp sợ ở những khu vực lân cận, Italy bắt đầu thực hiện các biện pháp y tế chủ động để cách ly bệnh nhân, người nghi nhiễm, hạn chế đi lại giữa những vùng dịch.
Từ năm 1629 đến 1631, dịch hạch tàn phá hầu hết thành phố lớn và thị trấn ở miền Bắc, miền Trung Italy. Hơn 45.000 người tại Venice tử vong. Một nửa dân số của các thành phố như Parma, Veroca bị “quét sạch”. Chỉ có Ferrara ở miền Bắc Italy thoát khỏi “nanh vuốt” của “Cái chết đen”.
Theo History, đây là nơi gần như không chịu tổn thất vì dịch hạch và cũng không có ca tử vong nào vì đại dịch này.
Giáo sư sử học John Henderson của Đại học London (Anh), đồng tác giả cuốn sách Florence Under Siege: Surviving Plague in an Early Modern City đã lý giải câu chuyện chống dịch thành công của Ferrara với 3 cách làm dưới đây.
"Cái chết đen" xâm chiếm và tàn phá Milan năm 1630. Nguồn: Getty. |
Tự cách ly thành phố
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Ferrara (Italy), dựa trên tài liệu lưu trữ của thành phố, cùng bản thảo lịch sử, đã khám phá cách quản lý dịch bệnh của thành phố này khi “Cái chết đen” tấn công Italy năm 1629-1631.
Nhóm tác giả tin rằng thành công trong công tác chống dịch của Ferrara nằm ở sự kết hợp giữa giám sát người ra vào nghiêm ngặt, vệ sinh công cộng tốt và kiểm soát vệ sinh của từng cá nhân.
Trong 3 thế kỷ, kể từ khi dịch hạch "ghé thăm" Italy lần đầu tiên, các thành phố đông dân tại đây thường xuyên phải đối mặt đại dịch không dứt.
Ferrara thuộc vùng Émilie-Romagne, miền Bắc Italy khi đó, có khoảng 30.000 người. Thành phố này nằm dọc nhánh sông Po, nơi giáp ranh Padua và Bologna - hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch hạch năm 1630. Nằm giữa hai vùng dịch, Ferrara sớm tìm ra cách chặn đứng mầm bệnh bên ngoài thành phố.
Khi dịch bệnh ở mức đe dọa cao nhất, toàn bộ cánh cửa ra, vào bên ngoài đều bị đóng kín, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chỉ những quý tộc giàu có, quan chức thành phố và bác sĩ mới được ra vào thành phố.
Thêm vào đó, người muốn đến cổng thành phải mang theo giấy tờ tùy thân, có dấu chứng minh không đến từ vùng dịch. Mọi người đều được theo dõi dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Cách làm của Ferrara gợi nhớ đến lệnh cách ly mà thành phố cảng Ragusa bên bờ biển Adriatic (nay là Dubrovnik của Croatia) áp dụng năm 1377. Đây cũng là nơi đầu tiên trên thế giới ra luật cách ly tất cả người dân trở về từ vùng dịch để ngăn chặn dịch hạch lây lan.
Tăng cường khử trùng, vệ sinh công cộng
Bất kỳ cá nhân nào bị nghi ngờ mắc dịch hạch đều sẽ bị đưa tới một trong hai bệnh viện cách ly ở bên ngoài bức tường thành phố Ferrara. Cả hai bệnh viện đều do nhà nước chi trả, có cơ sở vật chất tốt tương đương bệnh viện ở Florence, nơi đã chữa trị cho hơn 10.000 bệnh nhân của đại dịch “cái chết đen”.
Saint Vincent de Paul chăm sóc nạn nhân bệnh dịch hạch năm 1630. Nguồn: Getty. |
Năm 1546, bác sĩ người Italy, Girolamo Fracastoro đưa ra lý thuyết về “hạt giống của bệnh tật”. Ông hình dung cách lây truyền của dịch hạch là từ người sang người. Những “hạt giống bệnh tật” đó có thể dính, bám vào quần áo, đồ vật.
Chính từ giả thuyết này mà giới chức Ferrara khi đó liên tục đẩy mạnh các chiến dịch vệ sinh công cộng tại thành phố.
Đường phố được quét dọn thường xuyên. Những con thú, vật nuôi như chó, mèo, gà không còn xuất hiện nơi công cộng. Khắp các ngõ ngách, đội quân y tế rải bột vôi và rắc nó lên bất kỳ người nào nghi nhiễm bệnh hoặc nghi từng tiếp xúc người bệnh.
Trong nhà, cư dân cũng được lệnh khử trùng đồ vật. Mọi đồ đạc bị hư hỏng đều bị đem đi đốt cháy, nhằm tiêu diệt virus. Những đồ vật và tiền có giá trị được hơ trên đống lửa. Kèm theo đó, mọi ngõ ngách trong nhà đều được xịt nước hoa trong vòng 15 ngày. Quần áo bắt buộc phải phơi dưới ánh nắng mặt trời, đập và nhúng trong nước hoa.
Những cư dân Ferrara thời đó tin rằng đây là cách hữu hiệu để đẩy lùi virus, tiêu diệt con đường lây lan của nó.
Ngày nay, các quốc gia trên thế giới vẫn duy trì nguyên tắc khử khuẩn thành phố, nơi công cộng để tiêu diệt nguy cơ lây lan của virus SARS-CoV-2. Nó chứng tỏ hiệu quả mà cách làm này mang lại cho cộng đồng.
Bức tranh miêu tả đại dịch trong bảo tàng Storico Nazionale Dell'Arte Sanitaria tại Rome (Italy). Nguồn: Getty. |
Giữ vệ sinh cá nhân
Để giữ vệ sinh cá nhân, cư dân Ferrara sử dụng các biện pháp tự nhiên được khuyến cáo giúp ngăn ngừa lây nhiễm. Trong số đó, họ đánh giá cao loại dược liệu có tên gọi Composito.
Theo History, dược liệu này được cất giữ trong bức tường của cung điện thành phố và chỉ được sử dụng khi có dịch bệnh. Công thức bí mật của Composito do bác sĩ Tây Ban Nha Pedro Castagno pha chế. Ông còn miêu tả cách sử dụng loại dược liệu này là bôi trực tiếp lên cơ thể để chống dịch hạch.
Tài liệu ghi chép lại của Pedro hướng dẫn cách sử dụng như sau: Buổi sáng khi vừa thức dậy, cư dân Ferrara hơ nóng quần áo trên ngọn lửa thắp từ cây gỗ thơm (gồm bách xù, nguyệt quế và nho).
Sau đó, họ chà dầu Composito vào cơ thể, từ vùng tim tới cổ họng. Người dân được khuyên nên thực hiện động tác này dưới lửa nóng để tăng hiệu quả của dược liệu. Cuối cùng, người dân rửa tay, mặt với nước sạch trộn cùng rượu hoặc giấm hoa hồng.
Hướng dẫn rất chi tiết cách sử dụng Composito nhưng Castagno không tiết lộ thành phần sử dụng để bào chế ra dược liệu này. Lần theo các hồ sơ, đơn mua hàng của vị bác sĩ người Tây Ban Nha, các nhà nghiên cứu xác định trong Composito có chứa myrrh (mộc dược) và Crocus sativus (nghệ tây). Cả hai đều được biết đến với công dụng kháng khuẩn. Ngoài ra, họ cho rằng nó còn có nọc độc của bọ cạp và rắn lục.
Trên thực tế, công thức của Composito không hề giống với bất kỳ phương thuốc nào được sử dụng để chống lại dịch hạch ở các vùng khác tại Italy cùng thời. Theo giáo sư Henderson, bác sĩ Perdo sử dụng độc tố từ bọ cạp và rắn lục như một cách “lấy độc trị độc”.
Đến nay, nhà khoa học chưa khẳng định cách làm này có hiệu quả trong phòng chống lây lan dịch hạch tại Ferrara. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử, có thể thấy, thành phố này đã làm tốt các quy tắc chống dịch mà ngay cả thế giới ngày nay cũng đang áp dụng để chống lại SARS-CoV-2. Đó là tăng cường kiểm dịch, phong tỏa thành phố, khử khuẩn nơi cư trú và giữ vệ sinh nơi công cộng.
Dịch hạch là căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Nó được mệnh danh "Cái chết đen" gieo rắc nỗi sợ hãi cho nhân loại với 3 lần tấn công trong suốt 2.000 năm, khiến 200 triệu người tử vong.
Tác giả Ole Jørgen Benedictow ước tính 50-60% dân số châu Âu bị xóa sổ vì làn sóng "Cái chết Đen" thứ hai, theo cuốn The Black Death 1346-1353: The Complete History.