Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Thành phố tổ chức giao thừa ở nghĩa trang

Người dân tại một thành phố ở Chile sẽ mang theo đồ ăn nhẹ, nước uống và hoa đến viếng mộ người thân vào đêm giao thừa.

Phong tục đón giao thừa ở nghĩa trang tại Talca mới xuất hiện từ thế kỷ 20. Ảnh: Marc Bruxelle.

Đối với người Chile và hầu hết người dân trên thế giới, giao thừa là một trong những dịp quan trọng nhất năm để tham gia những bữa tiệc tiễn năm cũ và chào đón năm mới.

Vào đêm cuối cùng của năm, hàng nghìn người Chile tham gia những bữa tiệc náo nhiệt, ghé thăm nhà bạn bè hoặc ăn mừng trên phố. Nhưng ở Talca, thành phố nằm ở phía nam thủ đô Santiago, nhiều người lại đón giao thừa ở nghĩa trang, bên ngôi mộ của những người thân đã khuất.

Giao thừa kỳ lạ ở nghĩa trang

Khi mọi người hòa mình vào những bữa tiệc sôi động của đêm giao thừa, một số gia đình ở Talca lại dành buổi tối yên bình cuối cùng của năm để tưởng nhớ những người thân yêu đã khuất.

Thực tế, truyền thống này chỉ mới xuất hiện vào thế kỷ 20, theo CBC News. Hồi đó, thành phố Talca vẫn luôn đóng cửa nghĩa trang vào đêm giao thừa. Một gia đình đã lén nhảy qua hàng rào nghĩa trang để đón giao thừa với người cha mới qua đời.

don giao thua o Chile anh 1

Nghĩa trang ở thành phố Talca vào đêm giao thừa. Ảnh: AP.

Cảm động trước câu chuyện này, chính quyền địa phương quyết định thay đổi quy định, cho phép mở cửa nghĩa trang vào đêm giao thừa. Từ đó, dân chúng được phép thăm mộ người thân vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Thậm chí, họ được khuyến khích trang trí phần mộ của người thân như một cách để cùng nhau ăn mừng năm mới.

Khi đến thăm mộ, các gia đình thắp nến và mang một số món ăn nhẹ, nước uống cho các linh hồn. Họ sẽ ở lại bên phần mộ của người thân cho đến khi năm mới đến để đảm bảo những người đã khuất không cảm thấy cô đơn vào năm mới. Họ cũng tin rằng truyền thống này sẽ mang lại sự bình yên cho tâm hồn và mang lại nhiều may mắn.

Ăn 12 quả nho, mặc đồ lót màu vàng

Theo truyền thống, bữa tiệc tất niên của các gia đình Chile sẽ có gà tây nhồi, thịt gà hoặc thịt lợn. Các thành viên trong gia đình sẽ chọn những bộ trang phục đẹp nhất để dự tiệc.

Sau bữa tối, các gia đình sẽ quây quần để "countdown" năm mới. Một số người chọn ở nhà, xem tivi hoặc nghe đài để đếm ngược, trong khi nhiều người chọn đến các quảng trường, nơi tổ chức bắn pháo hoa để đón giao thừa trong bữa tiệc âm thanh, ánh sáng.

Cũng giống như người dân nhiều nước khác, người Chile khá coi trọng việc cầu may trong năm mới nên họ ăn một thìa đậu lăng vào lúc nửa đêm để có thêm nhiều may mắn.

don giao thua o Chile anh 2

Người Chile ăn 12 quả nho vào đêm giao thừa. Ảnh: Mirceax.

Tiếp đó, họ ăn 12 quả nho, mỗi quả tương ứng với một tiếng chuông lúc nửa đêm. Việc ăn 12 quả nho sẽ giúp mọi người hoàn thành mong ước và dự định trong năm mới. Một số gia đình còn quan niệm vị chua hoặc ngọt của quả nho sẽ là điềm báo cho các tháng trong năm tới.

Ngoài ra, người Chile sẽ mặc đồ lót màu vàng trong dịp giao thừa. Đây là truyền thống khá lâu đời ở quốc gia Nam Mỹ. Người Chile quan niệm màu vàng đại diện cho năng lượng sống, việc mặc đồ lót màu vàng sẽ giúp bạn bắt đầu năm mới với nguồn năng lượng mới và thu hút sự thịnh vượng.

Với những người đam mê xê dịch, họ sẽ lấy vali, túi xách và đi dạo quanh khu nhà. Một số người ngại ra ngoài có thể cầm valy và đứng trên bàn hoặc trước cửa. Phong tục này được cho là mang lại những chuyến phiêu lưu cho người yêu thích du lịch.

Nếu muốn thu hút tiền tài, người Chile thường để tiền giấy vào chiếc giày bên phải. Nếu là tiền xu, họ sẽ đặt ở bên cạnh cửa để "hút" tiền vào nhà.

Ngoài ra, để thu hút năng lượng tích cực cho năm mới và loại bỏ những điều tiêu cực của năm cũ, người Chile sẽ mở cửa chính và cửa sổ vào đêm giao thừa. Cách này giúp năng lượng "chảy" vào nhà. Người dân cũng dọn dẹp nhà cửa trước đêm giao thừa để thanh lọc những điều không tốt trong năm cũ.

Zing giới thiệu đến bạn những cuốn sách nói về ngày Tết của người Việt xưa:

Việt Nam phong tục: Phan Kế Bính miêu tả rất kỹ các phong tục trong họ hàng, gia đình. Từ đó, những lớp trầm tích văn hóa được tôn lên, người đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp phong phú của một nền văn hóa lâu đời.

Hội hè lễ tết của người Việt: GS Nguyễn Văn Huyên đem đến một lối viết phóng khoáng, bay bổng trong các tiểu luận của mình ở Hội hè lễ tết của người Việt. Cuốn sách mở ra một không khí náo nhiệt và đượm màu sắc văn hóa của các ngày lễ Tết trên dải đất hình chữ S này.

Du học sinh chi hơn 30 triệu đồng mua vé máy bay về Việt Nam ăn Tết

Những ngày cuối năm, giá vé máy bay đắt đỏ, sân bay lại đông, Hương Thảo và Nguyễn Khiêm vẫn quyết định trở về Việt Nam đón Tết Nguyên đán cùng gia đình.

Thái An

Bạn có thể quan tâm