Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành tội phạm khi thấy người gặp nạn mà không cứu?

Xin luật sư cho biết, nếu thấy người gặp nạn giữa đường mà tôi không giúp đỡ, cứu họ vì phải có mặt gấp ở cuộc gặp đối tác thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Nếu trong trường hợp tôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS), thì tôi có phải chịu trách nhiệm nào khác theo quy định của pháp luật không? Lê Quân (Hà Nội).

Luật sư Phan Thị Lam Hồng, Giám đốc Công ty luật TNHH Đông Hà Nội tư vấn cho độc giả Lê Quân như sau:

Theo quy định trong BLHS thì việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu TNHS về tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được quy định tại Điều 102.

cuu nguoi gap nan anh 1
Người dân cứu giúp 3 mẹ con đi chơi Tết dương lịch gặp nạn. Ảnh: Người lao động.

Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2năm.

Như vậy, trong trường hợp của bạn nếu thỏa mãn các điều kiện sau đây thì sẽ bị truy cứu TNHS. Thứ nhất, người phạm tội thấy người khác (người gặp nạn) đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cứu giúp ngay thì hậu quả chết người có thể xảy ra.

Sự nguy hiểm mà nạn nhân gặp phải có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: có thể do tai nạn như tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động hay thiên tai như lũ lụt, hoả hoạn, hoặc do bệnh tật, sinh đẻ, ngộ độc cấp, …

Thứ hai, người có hành vi phạm tội này là người có điều kiện cứu giúp nạn nhân nhưng đã không cứu giúp. Tức chủ thể có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân và việc thực hiện hành vi này không gây nguy hiểm cho chủ thể và người khác nhưng đã không thực hiện hành vi cứu giúp.

Hậu quả nạn nhân chết là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tức là, trong trường hợp người có hành vi không cứu giúp nhưng người bị nạn không chết thì người không cứu giúp sẽ không phạm tội này.

Người phạm tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 trở lên.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu bạn thấy người bị nạn đang ở trong tình trạng nguy hiểm, có điều kiện nhưng không cứu giúp (do bận công tác gấp) dẫn tới người bị nạn chết thì bạn có thể bị truy cứu TNHS với tội danh trên.

Trong trường hợp bạn không cứu giúp người bị nạn nhưng người đó không chết (ví dụ trường hợp được người khác cứu) thì bạn cũng không bị truy cứu TNHS về tội phạm trên.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không cứu giúp người bị nạn (người bị tai nạn giao thông) từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 11 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Như vậy, nếu bạn không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu thì bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định trên.

Việc cứu giúp người bị nạn khi có đầy đủ điều kiện để cứu giúp là rất cần thiết vì hành động này không chỉ tuân thủ đúng quy định của pháp luật mà nó còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái của con người với nhau. Vì vậy, kể cả trong trường hợp có điều kiện hoặc không có đủ điều kiện cứu giúp người bị nạn, chúng ta cũng nên có hành động để giúp đỡ người bị nạn (có thể là trực tiếp giúp đỡ hoặc gọi điện cho các cơ quan cứu hộ).

Truy lùng tài xế gây tai nạn, bỏ mặc nạn nhân trong đêm

Lấn làn và tông trúng người đi xe máy nhưng Duy không dừng lại đưa nạn nhân đi cấp cứu mà trốn khỏi hiện trường. Suốt đêm, cảnh sát truy lùng tài xế này.

Vân Thanh ghi

Bạn có thể quan tâm