Sinh viên muốn có trải nghiệm thực tế tại trường nhưng phải tham gia học trực tuyến ở nhà vì dịch Covid-19. Họ yêu cầu hoàn một phần học phí do không nhận được chất lượng giáo dục như đã hứa.
Sinh viên chán nản vì học trực tuyến
Sinh viên gửi đơn khiếu nại phản ánh sự chán nản với lớp học trực tuyến. Họ cho rằng chất lượng giảng dạy trực tuyến thấp hơn nhiều so với học trên lớp vì vậy họ sẽ trả số tiền ít hơn học phí.
Grainger Rickenbaker, sinh viên năm nhất đệ đơn khiếu nại ĐH Drexel tại Philadelphia. Anh cho rằng lớp học trực tuyến kém hơn so với trên lớp, ít tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Một số lớp được dạy hoàn toàn bằng video ghi hình từ trước, không có bài giảng hay thảo luận trực tiếp.
ĐH Drexel ở Philadelphia bị sinh viên năm thứ nhất khiếu nại vì lớp học online yếu kém. Ảnh: AP. |
Theo đơn khiếu nại gửi tới ĐH California Berkeley, giáo sư chỉ tải bài tập lên mà không có video hướng dẫn. Một đơn khác cho biết ở ĐH Vanderbilt, các cuộc thảo luận gián đoạn, chất lượng và sự nghiêm túc học tập giảm đáng kể.
Trong đơn khiếu nại ĐH Purdue, một sinh viên kỹ thuật năm cuối thông tin việc đóng cửa trường ngăn cậu hoàn thành dự án cuối khóa - dựng một chiếc máy bay. Sinh viên này nêu quan điểm không khóa học online nào có thể đem lại kinh nghiệm thực tế.
ĐH Chicago nhận hàng trăm chữ ký từ sinh viên yêu cầu giảm 50% học phí, nếu không họ sẽ từ chối đóng tiền học kỳ này, bắt đầu từ ngày 29/4.
Ít nhất 26 trường đại học nhận được đơn khiếu nại tập thể yêu cầu hoàn học phí. Các đơn chủ yếu hướng đến trường đại học tư thục như Brown, Columbia và Cornell, cùng các trường công lập lớn, bao gồm Michigan State, Purdue và ĐH Colorado, Boulder.
Nhà trường lên tiếng
Nhiều trường hoàn phí nhà cửa và ăn uống, số ít trường trả lại tiền học. Họ nêu lý do sinh viên vẫn học cùng giảng viên và được cấp chứng chỉ cho thành tích của mình. Các trường đại học nhấn mạnh họ vẫn cung cấp chương trình giáo dục chất lượng sau khi bị buộc đóng cửa.
Một số trường từ chối bình luận về các đơn khiếu nại. Một số cho biết sinh viên sẽ tiếp tục được nhận những gì tương ứng với học phí đã trả.
Ken McConnellogue, đại diện ĐH Colorado, cho biết việc mọi người nhanh chóng nộp đơn khiếu nại chỉ vài tuần sau dịch thật thất vọng.
“Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để đem lại khóa học có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự trên lớp", ông nói.
Các cơ quan tại bang Michigan thông tin sinh viên vẫn được học với giảng viên có trình độ chuyên môn. Nhà trường cung cấp dịch vụ dạy kèm, tư vấn học tập, giờ làm việc của khoa và dịch vụ thư viện.
“Chúng tôi không phủ nhận đây là khoảng thời gian khó khăn với trường, đặc biệt là với học sinh”, Emily Guerrant, người phát ngôn, của bang Michigan nói.
Cô thông tin thêm trường phải trả thêm các khoản phí để chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Nhà trường giữ cam kết cung cấp trải nghiệm học tập ý nghĩa và kiến thức chuyên sâu mà không yêu cầu chi phí phát sinh.
Các trường ĐH phản bác dịch Covid-19 cũng khiến họ bị khủng hoảng tài chính. Một số ước tính họ có thể mất tới 1 tỷ USD trong năm nay khi xem xét sự suy giảm số lượng tuyển sinh, trợ cấp từ Chính phủ và các khoản tài trợ nghiên cứu. Một số tuyên bố sa thải và cho nhân viên nghỉ tạm thời để bù lỗ.
Phía luật sư đại diện sinh viên cho biết việc hoàn học phí là công bằng.
“Các trường phải thắt chặt chi tiêu và hoàn tiền cho sinh viên, gia đình”, Roy Wiley, luật sư của công ty luật Anastopoulo ở Nam Carolina, đại diện của nhiều sinh viên nêu quan điểm.
Wiley cho biết văn phòng nhận hàng trăm câu hỏi từ sinh viên tìm cách nộp đơn khiếu nại. Bên cạnh học phí, phí phòng tập thể dục, thư viện, phòng thí nghiệm cũng được yêu cầu hoàn lại.
Một số đơn khiếu nại cho rằng đại học không chỉ là các tín chỉ, điều giá trị sinh viên nhận được là sự tương tác với giảng viên và bạn bè. Thật không công bằng khi lấy học phí sinh viên bù lỗ.
Jennifer Kraus, luật sư công ty Milberg Phillips Grossman, New York, nói: “Chúng tôi không chê trách trường vì đóng cửa. Họ đã làm những gì phù hợp. Tuy nhiên, các trường đang thu lợi nhuận cao từ học phí của sinh viên. Điều này có vẻ trái đạo đức”.