Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thấy gì sau vụ ‘học sinh vây chửi giáo viên’?

Sau vụ việc ‘học sinh vây chửi giáo viên’ ở Tuyên Quang, dư luận bắt đầu thảo luận, tranh cãi về những vấn đề liên quan như ai có lỗi, đâu là nạn nhân, đâu là thủ phạm.

hoc sinh quay giao vien anh 1

Những ngày qua, vụ việc nhiều học sinh dồn ép giáo viên vào góc tường, chửi bới, lăng mạ, ném dép, hành hung cô giáo ở Tuyên Quang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Ai là người có lỗi? Nguyên nhân khiến học sinh và giáo viên hành xử như vậy? Liệu có đang bạo lực học đường ngược? Đó là những câu hỏi mà dư luận đặt ra.

Lỗi của ai?

Trao đổi với Znews, tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền - chuyên gia giáo dục phổ thông và đào tạo giáo viên - cho rằng bối cảnh sự việc không đủ căn cứ để phán xét đầy đủ bất cứ ai. Tuy nhiên, để sự việc đáng tiếc xảy ra thì lỗi ở tất cả các bên, gồm giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu, học sinh và phụ huynh.

“Tất cả chúng ta đều không có thông tin đầy đủ nên chưa thể phán xét lỗi hoàn toàn thuộc về ai. Tất nhiên, qua hình ảnh trong clip, hành vi của cả 2 bên như vậy là không chấp nhận được", vị chuyên gia nói.

TS Huyền nhận định vụ việc này là có thể là hậu quả của cả một quá trình, xuất phát từ mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh đang không được xây dựng một cách tích cực.

Khi có xung đột và mâu thuẫn, cả học sinh và giáo viên đều thiếu kỹ năng xử lý. Bên cạnh đó, nhà trường đã không có hệ thống, chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh trong việc giải quyết mâu thuẫn, xung đột hoặc xây dựng mối quan hệ.

Nguồn cơn bất ổn đến từ gia đình, xã hội

Trước câu hỏi về nguồn cơn sự việc, tiến sĩ Xã hội học, chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy nói rằng khi đọc các bài viết, xem clip sự việc, bà nhìn ra 3 nguyên nhân chính là tâm lý tuổi dậy thì của trẻ, sự bất ổn của bối cảnh xã hội và bối cảnh nhà trường.

Thứ nhất là vấn đề tâm lý tuổi dậy thì của trẻ. Bà Thúy nói rằng học sinh lớp 7 mới bước vào giai đoạn dậy thì nên rất nghịch, bốc đồng, khó kiểm soát cảm xúc và đặc biệt là dễ lây lan cảm xúc, hành vi. Chỉ cần một học sinh có biểu hiện bất thường, những học sinh khác có thể hùa theo.

Lấy ví dụ về câu chuyện ở trường THCS Văn Phú, bà Thúy nhận thấy trong nhóm học sinh vây chửi cô giáo, chỉ 1-2 học sinh cầm đầu và có hành vi hung hăng, những học sinh khác chỉ hùa theo bạn mình để bắt nạt cô giáo.

hoc sinh quay giao vien anh 2

Chỉ cần một học sinh có biểu hiện bất thường, những học sinh khác có thể hùa theo.

Điều thứ 2 cần bàn đến là sự bất ổn của bối cảnh xã hội. Bà Thúy nói rằng học sinh cư xử hung hăng, vô lễ như vậy là do cách giáo dục của gia đình có vấn đề. Chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo dục của nhà trường.

Cái gốc của vấn đề nằm ở gia đình của những đứa trẻ này. Tiến sĩ Xã hội học đặt câu hỏi các em đã được nuôi dạy như thế nào trong gia đình? Theo bà, nguyên nhân chính và lớn nhất nằm ở việc giáo dục đạo đức cho con trẻ ở mỗi gia đình.

“Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh chỉ là nguyên nhân bên ngoài, còn gốc rễ vẫn nằm ở cách nuôi dạy đứa trẻ đó. Chúng ta phải tự đặt câu hỏi rằng tại sao đứa trẻ đó dám hỗn với thầy cô, chúng ta đã dạy đạo đức cho chúng đúng cách chưa”, bà Thúy nêu quan điểm.

Sự bất ổn của bối cảnh xã hội còn được thể hiện ở việc tâm lý học sinh bị ảnh hưởng từ xã hội bên ngoài. Bà Thúy nhận định bạo lực gia đình gia tăng thì bạo lực học đường cũng tăng theo.

Con trẻ chứng kiến cha mẹ đánh chửi nhau, chứng kiến người lớn coi thường nhau. Thậm chí, một số nơi giáo viên cũng coi thường nhau, chửi nhau trước mặt học sinh. Như vậy, học sinh cũng sẽ học theo tính coi thường, bạo lực đó của người lớn.

Chuyên viên tham vấn tâm lý cũng nêu rằng trẻ con là tấm gương phản chiếu của người lớn, người lớn còn bạo lực thì trẻ con sẽ không bao giờ hết bạo lực. Vì thế, người lớn phải xem lại vì đây là hệ quả của cách người lớn đang sống với nhau và trẻ em bị ảnh hưởng bởi người lớn và môi trường xung quanh.

Một điều nữa không thể tránh khỏi là những nội dung tiêu cực trên mạng xã hội. Học sinh xem quá nhiều nội dung tiêu cực, bạo lực trên mạng xã hội, thậm chí có nhiều video dạy học sinh chửi bới, đánh nhau. Những video như vậy xuất hiện tràn lan khiến trẻ em học theo và bị ảnh hưởng.

Vấn đề thứ 3 bà Phạm Thị Thúy nhắc đến là bối cảnh nhà trường. Bà nêu rằng vụ việc vừa qua có thể bắt nguồn từ cả một quá trình dài trước đó. Nếu cô giáo này thực sự có những hành động, lời nói khiến học sinh không nể phục, chúng ta cần xem lại cách dạy học của giáo viên đó và cách quản lý của nhà trường.

Văn hóa học đường có vấn đề, cách quản lý của vấn đề cũng là một phần nguyên nhân. Vụ việc lần này giống như giọt nước tràn ly, khiến mối quan hệ giữa cô và trò trở nên vỡ nát, không thể cứu vãn.

“Tôi tự hỏi trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu, các tổ trưởng, tổ chuyên môn, ban giám hiệu ở đâu. Cấp quản lý cũng phải có trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho một mình giáo viên hay một mình học sinh được”, bà Thúy nhấn mạnh.

hoc sinh quay giao vien anh 3

Một đứa trẻ được dạy dỗ cẩn thận, lễ phép sẽ không bao giờ dồn giáo viên vào góc tường rồi buông lời xúc phạm. Ảnh: Pexels.

Giáo viên đang thiếu hụt kỹ năng

Về phía giáo viên, TS Nguyễn Thị Thu Huyền nhận định giáo viên đang thiếu hụt các kỹ năng, bao gồm kỹ năng xây dựng mối quan hệ tích cực với học sinh. Mối quan hệ này cần xây dựng từ ngày đầu tiên giáo viên nhận lớp.

“Giáo viên cần chia sẻ với học sinh về điều mà họ kỳ vọng ở các em. Tiếp đến là việc lắng nghe, chia sẻ với học trò. Trong quá trình giảng dạy cần dành thời gian trò chuyện, thiết lập mối quan hệ với học sinh”, bà Huyền phân tích.

Theo bà Huyền, kỹ năng khác mà giáo viên trong vụ việc còn thiếu là giao tiếp, sử dụng ngôn từ và kỹ năng xử lý tình huống, quản lý hành vi (hay nói cách khác là kỹ năng điều chỉnh hành vi không phù hợp của học sinh).

Bà Huyền cho rằng với vụ việc trên, giáo viên hoàn toàn có thể rời khỏi nơi đó, báo cáo ban giám hiệu, bảo vệ để ngăn chặn kịp thời, thay vì đứng im sử dụng điện thoại hay rượt đuổi học sinh như trong clip.

TS Giáo dục học cũng nói thêm rằng chỉ nhìn qua video thì không thể nhận định chắc chắn điều gì cả, nhưng để đến mức bùng phát, chạy đuổi học sinh như vậy thì rất có thể sức khỏe tinh thần của cô đã bị ảnh hưởng tiêu cực trong một thời gian dài.

“Trong quá trình huấn luyện và đào tạo giáo viên, tôi bắt gặp nhiều giáo viên thiếu hụt các kỹ năng trên và gặp khó khăn trong công tác giảng dạy, nhất là các giáo viên trẻ, còn non kinh nghiệm. Các em có đầy đủ kiến thức, sự nhiệt tình, yêu thương học sinh nhưng lại thiếu hụt một số kỹ năng xử lý tình huống sư phạm cần thiết", bà Huyền chia sẻ.

Ở góc độ của một người làm tham vấn tâm lý và trị liệu nhiều năm, bà Phạm Thị Thúy cũng nhận thấy có thể cô giáo trong vụ việc đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như stress, rối loạn lo âu, trầm cảm…

Tuy nhiên, do chỉ nhìn qua clip, bà Thúy chỉ mới suy đoán, chưa thể khẳng định chắc chắn. Điều quan trọng là cô giáo này cần được thăm khám để được tìm ra vấn đề của bản thân, từ đó tìm cách giải quyết.

Nhưng nói đi vẫn phải nói lại, bà Thúy nói thêm rằng dù giáo viên đang gặp vấn đề gì, cư xử không đúng mực thế nào, học sinh cũng không được phép đối xử với giáo viên như vậy.

Theo bà, một đứa trẻ được dạy dỗ cẩn thận, lễ phép sẽ không bao giờ dồn giáo viên vào góc tường rồi buông lời xúc phạm.

hoc sinh quay giao vien anh 4

Để đến mức bùng phát, chạy đuổi học sinh như vậy thì rất có thể sức khỏe tinh thần của cô đã bị ảnh hưởng tiêu cực trong một thời gian dài.

Chúng ta cần làm gì?

Bàn về cách giáo dục học sinh, bà Thúy nêu rằng muốn giải quyết vấn đề thì trước tiên chúng ta không được đổ lỗi cho các em. Trong trường hợp này, hành vi của học sinh sai chứ con người của các em không xấu. Chúng ta có thể chỉ trích hành vi nhưng không được chỉ trích con người các em. Học sinh sai ở đâu thì chúng ta giúp các em sửa ở đó.

Vì thế, điều quan trọng cần làm là người lớn cần định hướng lại hành vi cho học sinh, phân tích cho học sinh hiểu các em đang sai ở đâu và cho trẻ biết là không được làm như vậy.

Tiếp đó, bà Thúy đề xuất phải tách học sinh thành từng nhóm để giáo dục lại. Trong nhóm học sinh quây chửi giáo viên, một số em cầm đầu và những em khác chỉ hùa theo.

Những học sinh hùa theo bắt nạt cô giáo có thể gom lại thành một nhóm chung để dạy dỗ, còn những em cầm đầu phải tách riêng và có sự phối hợp với gia đình để giúp các em thay đổi.

Đó là việc thay đổi học sinh. Còn về phía giáo viên, nhà trường, họ cũng cần thay đổi. Nhà trường cần thay đổi văn hóa và cách xử lý mâu thuẫn.

Bà Thúy nêu rằng chúng ta phải xem mối quan hệ của giáo viên với học sinh trong trường thế nào, phải tìm hiểu kỹ sự việc thì mới giúp học sinh thay đổi được. Học sinh sẽ thay đổi khi giáo viên thay đổi và ban lãnh đạo của trường cũng phải thay đổi

“Kỷ luật học sinh hay dạy đạo đức cho các em thì chỉ giải quyết phần ngọn chứ không thể giải quyết gốc rễ. Tất nhiên là chúng ta vẫn cần một buổi trò chuyện với học sinh để nói về trách nhiệm, nghĩa vụ của học sinh. Nhóm học sinh tấn công cô giáo sẽ phải chịu trách nhiệm với cô giáo, phải xin lỗi cô và chịu trách nhiệm cho hành vi không đúng mực của mình”, bà Thúy nói.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Bàng hoàng khi xem clip học sinh văng tục, vây chửi cô giáo

Các nhà giáo dục chia sẻ góc nhìn trước vụ việc một nhóm học sinh ở Tuyên Quang vây cô giáo chửi bới, thậm chí ném giấy vào người giáo viên.

Ngọc Bích - Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm