Giờ dạy của lớp tiếng Anh do “thầy giáo” Ngô Đức Huân đứng lớp bắt đầu từ 7h và kéo dài đến gần trưa. Từ ngày mở lớp, gia đình của Ngô Đức Huân bận rộn hơn và ai cũng cố gắng “đi nhẹ, nói khẽ”, tránh không ảnh hưởng lớp học.
"Thầy giáo" Huân năm nay mới học xong lớp 5, nhưng so với các bạn cùng trang lứa chững chạc hơn rất nhiều. Huân vào lớp 1 sớm hơn 1năm, từ ngày đi học, năm nào cậu bé cũng đứng đầu lớp. Riêng tiếng Anh, Huân có năng khiếu đặc biệt và vừa giành giải bạc cuộc thi IOE tiếng Anh toàn quốc.
Trước đó, 3 tuổi, Huân đã biết đọc, viết, 4 tuổi đã biết chơi cờ tướng, cờ vua thành thạo. Đang học mẫu giáo, thấy con ham thích chiếc bảng tiếng Anh điện tử, mẹ Huân đã đăng ký cho cậu đi học tiếng Anh với ý nghĩ “cho con vừa học vừa chơi”.
Học được 1 năm, dù nhỏ tuổi nhất lớp, nhưng Huân đã vươn lên đứng đầu và giành được học bổng. Tiếng Anh trở thành môn học yêu thích của Huân. Em có thể học tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi bằng cách nghe nhạc, xem clip, qua các bộ phim hoạt hình trên kênh CNN.
“Thầy giáo” Ngô Đức Huân hướng dẫn cho các “học trò”. Ảnh: Báo Nghệ An. |
Ý tưởng mở lớp học tiếng Anh do Huân đề xuất. Ban đầu, khi biết ý định của con, bố mẹ và cả ông bà chỉ cười và cho rằng “thằng bé thích thì nói vậy thôi”. Nhưng rồi, Huân "chiêu sinh" mở lớp thật. Học sinh không ai khác là các bạn cùng xóm.
Một số phụ huynh bạn của bố mẹ Huân, thấy lớp học "hay hay" cũng đăng ký cho con vào học. Ngày khai giảng, cũng vui lắm, có sự tham gia của tất cả phụ huynh và học sinh. Huân xưng "thầy" với các em và tỏ ra rất nghiêm khắc.
Ban đầu, mọi người cũng nghĩ mở lớp học cho vui, miễn là mấy đứa trẻ có chỗ để chơi, bớt nghịch trong kỳ nghỉ hè. Nhưng Huân không nghĩ vậy, cậu bé tổ chức lớp một cách khoa học, có giờ học, giờ chơi rõ ràng.
Một buổi học, Huân dành hơn một nửa thời gian để giảng bài, còn lại là ra bài tập và trực tiếp nhận xét, chữa bài cho “học sinh”. Học sinh thì bảo “thầy” Huân khó tính lắm, chấm điểm và nhận xét còn kỹ hơn cả giáo viên trên lớp.
Có lần, Huân còn lém lỉnh ra bài tập nâng cao cho các bạn và kết quả cả 4 thành viên trong lớp đều làm sai. Huân chấm điểm vào vở kèm lời phê: “Kém, em đã bị thầy lừa 8 câu”. Hoặc có khi phê chỉn chu theo đúng như tinh thần của Thông tư 30: “Em cần cố gắng nhiều, sơ sài quá, về nhà học thuộc ngữ pháp”.
Sau lời phê là hình thức phạt chép bài nhiều lần để “thầy” kiểm tra. Những lời phê bình hồn nhiên của Huân khiến nhiều người không nhịn được cười.
Anh Ngô Đức Hoạt, bố của Huân thỉnh thoảng đăng các lời phê của con lên Facebook rồi nói vui: “Thầy giáo Đức Huân có những lời phê thật bá đạo".
Chị Ngô Thị Châu, mẹ của Huân cũng chia sẻ rằng: “Huân là cậu bé tự lập từ sớm nên bố mẹ không phải nhắc nhở gì nhiều. Cháu rất có ý thức trong học tập và ngay từ nhỏ đã biết tự chủ động lên kế hoạch cho mình”.
Một tuần lớp học 3 buổi và tuy rằng xác định chỉ "học mà chơi, chơi mà học" nhưng Huân thực sự nghiêm túc và chuẩn bị “giáo án” đầy đủ. Nếu chưa hài lòng, em lại hỏi thêm các thầy cô giáo ở trung tâm Anh ngữ mà Huân đang theo học để cho ý kiến.
Để các bạn được thoải mái, Huân lồng ghép việc dạy ngữ pháp và các trò chơi vào mỗi tiết học để mở rộng vốn từ mới cho các bạn trong lớp. Huân làm thầy rất ra "dáng", có lẽ bởi nghề giáo là nghề truyền thống của gia đình và trong nhà từ bố mẹ, ông bà và các o, dượng đều làm giảng viên các trường đại học, cao đẳng.
Bố Huân chưa đến 30 tuổi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ môn Toán học. Và dù gia đình đều làm giáo dục nhưng quan điểm của bố mẹ Huân về việc học của con rất đơn giản và không o ép con nhiều.
Bố Huân cũng từng có một chia sẻ rất xúc động trên trang cá nhân ngày Huân chia tay lớp 5: “Vậy là con đã tốt nghiệp tiểu học rồi. Với những thành tích và năng lực hiện có thì việc vào một trường năng khiếu là trong khả năng của con! Nhiều người hỏi sao không xin cho con vào trường chuyên. Bố thì nghĩ rằng, học trường phường thôi! Bố tin rằng nếu con cố gắng thì học ở đâu cũng tốt cả!”.
Có thể cũng vì suy nghĩ đơn giản như trên nên Huân phát triển rất tự nhiên và không bao giờ bị áp lực về thành tích, thi cử. Cậu bé cũng sớm có trách nhiệm, có ý thức với mọi người và luôn cố gắng trở thành người có ích, dù rằng theo quan điểm của em "tuổi nhỏ chỉ làm được việc nhỏ”.
Mới đây, gia đình Huân cũng vừa được Thành phố Vinh tuyên dương gia đình nuôi dạy con tốt nhân Ngày Gia đình Việt Nam.