Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy giáo mầm non kể chuyện trẻ khoanh tay 'con chào ông ạ'

"Khi thấy thầy, các con luôn miệng: 'Chúng con chào cô giáo thầy Tú' khiến tôi phì cười", thầy Đỗ Quang Tú, thầy giáo mầm non duy nhất của huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), kể lại.

Thầy Đỗ Quang Tú hiện là thầy giáo mầm non duy nhất của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Nhắc đến giáo viên mầm non, mọi người thường nghĩ đến hình ảnh “cô nuôi dạy trẻ”. Thế nhưng, ở chính lớp học mầm non ấy vẫn có bóng dáng của những thầy giáo đang ngày ngày tận tụy chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, kiên nhẫn chỉ dạy các em bé. Trong số đó có thầy giáo Đỗ Quang Tú, công tác tại trường Mầm non Thái Thượng (huyện Thái Thụy).

Thầy Tú chia sẻ sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Âm nhạc, thầy có thời gian ngắn làm giáo viên Âm nhạc tại một trường THCS trước khi bén duyên với nghề giáo viên mầm non. Năm 2012, thầy bắt đầu công tác tại trường Mầm non Thái Thượng và đã hoàn thành trình độ đại học sư phạm mầm non.

Thời điểm mới vào công tác tại trường, thầy Tú được phân công dạy môn Giáo dục Âm nhạc chung cho toàn trường để có thời gian làm quen dần với các bé. Hai năm sau, thầy được phân công phụ trách lớp 3 tuổi một thời gian ngắn, sau đó phụ trách lớp 5 tuổi cho đến bây giờ.

thay giao mam non anh 1

Lớp thầy Tú phụ trách là lớp 5 tuổi B, có sĩ số 37 học sinh.

Thầy Tú cho hay dù làm cái nghề được mặc định chỉ dành cho nữ, may mắn, thầy được bạn bè, gia đình, đặc biệt là người vợ cũng là giáo viên mầm non rất ủng hộ nên càng có thêm động lực. Nghề giáo viên mầm non vất vả nhưng thu nhập lại không cao nên sau thời gian dạy ở trường, thầy Tú làm thêm nghề tổ chức sự kiện, đám cưới để tăng thu nhập.

Nhớ lại ngày đầu mới phụ trách lớp, thầy Tú kể: "Lúc đầu, bản thân tôi cũng không tránh khỏi chút bỡ ngỡ và lúng túng do lớp đông học sinh lại toàn trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thời điểm đó tôi đã làm bố, ít nhiều cũng có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nên thích ứng khá nhanh. Việc chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ hay vệ sinh cho các bé, tôi đều không nề hà".

thay giao mam non anh 2

Một ngày của thầy Tú bắt đầu bằng việc đón trẻ từ 7h, cho trẻ ăn, dạy học, chăm sóc giấc ngủ cho trẻ... tới khi trả trẻ cho gia đình vào cuối buổi chiều.

Mỗi buổi lên lớp, thầy Tú thường quan sát, tìm hiểu sở thích của trẻ để có cách dạy phù hợp. Bên cạnh đó, thầy hay tổ chức các hoạt động vui nhộn để tăng sự gắn kết.

Chính nhờ sự tận tâm với nghề, thầy Tú không những nhận được sự yêu mến của học sinh, mà các phụ huynh, đồng nghiệp đều ghi nhận, quý mến.

thay giao mam non anh 3

Các học sinh đều rất yêu quý thầy giáo. Nụ cười của con trẻ chính là động lực để người thầy đặc biệt này tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp ươm mầm xanh tương lai.

Theo các cô giáo trong trường, lớp học của thầy Tú lúc nào cũng vui nhộn. Phụ huynh thấy các con mến thầy nên cũng rất trân trọng.

“Mỗi buổi sáng đến trường, trẻ thường chạy đến ôm lấy tôi để được vỗ về. Giờ ra chơi, trẻ cũng xúm xung quanh nô đùa, nhổ tóc sâu cho thầy. Đối với tôi, đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong nghề giáo”, thầy Tú tâm sự.

thay giao mam non anh 4

Trong 12 năm bén duyên với nghề giáo viên mầm non, thầy Tú đã nhiều lần đạt giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Trong hơn chục năm đứng lớp, thầy Tú cũng có không ít kỷ niệm “cười ra nước mắt”.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là trong buổi rèn luyện cùng học sinh để thi giáo viên giỏi cấp huyện. Khi thấy thầy, các con luôn miệng: "Chúng con chào cô giáo thầy Tú” khiến tôi phải phì cười. Đến giờ các con lớp trẻ bé gặp tôi ở trường thì quen miệng “con chào ông”, còn trẻ lớn, quen với thầy giáo rồi nên không còn chào là “cô giáo thầy” nữa”, thầy Tú nói.

Hành trình 12 năm làm giáo viên mầm non, dù có những lúc áp lực, mệt mỏi nhưng thầy Tú chưa từng có suy nghĩ sẽ từ bỏ. Thầy luôn tâm niệm, mình yêu nghề, mến trẻ, không ngừng trau dồi, cập nhật kiến thức thì sẽ gặt hái được quả ngọt.

thay giao mam non anh 5

"Cô giáo thầy" chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho các bé rất chu đáo.

Cô giáo Giang Thị Thành Huế, Phó hiệu trưởng trường Mầm non Thái Thượng, cho biết dù là nam giới, việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ, thầy Tú làm rất khéo. Ngoài ra, thầy đảm nhiệm rất nhiều việc nặng nhọc cho trường.

Trong nhiều năm giảng dạy, thầy Tú luôn được bình bầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhiều lần đạt giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh.

Tuy nhiên, với thầy Tú, phần thưởng lớn nhất chính là sự tin tưởng, tình cảm của phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp dành cho mình.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

20/11, món quà đầu tiên tôi nhận được là đồ chơi do học sinh tự làm

Đối với các giáo viên gen Z, những món quà handmade, những tấm thiệp viết tay nguệch ngoạc được tặng trong dịp 20/11 chính là nguồn động viên tinh thần để tiếp tục gắn bó với nghề.

https://vietnamnet.vn/thay-giao-mam-non-duy-nhat-cua-huyen-ke-chuyen-tre-khoanh-tay-con-chao-ong-a-2343246.html

Trọng Tùng / Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm