Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

20/11, món quà đầu tiên tôi nhận được là đồ chơi do học sinh tự làm

Đối với các giáo viên gen Z, những món quà handmade, những tấm thiệp viết tay nguệch ngoạc được tặng trong dịp 20/11 chính là nguồn động viên tinh thần để tiếp tục gắn bó với nghề.

Các giáo viên gen Z chia sẻ về món quà nhận được trong dịp 20/11. Ảnh: Pexels.

Năm 2024, ngành giáo dục Việt Nam kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024). Trong ngày lễ đặc biệt này, Tri Thức - Znews đã có cuộc trò chuyện với 3 giáo viên gen Z và lắng nghe các nhà giáo trẻ chia sẻ về những trải nghiệm khó quên khi mới bước chân vào nghề.

Học sinh móc len tặng trong dịp 20/11
Trần Mai Thanh Trúc (24 tuổi, TP.HCM), giáo viên THCS

Là giáo viên gen Z, tôi thấy rằng "lợi thế" lớn nhất mà tôi có chính là có thể kịp thời nắm bắt những điều học sinh yêu thích để lồng ghép vào bài giảng, giúp tiết học sôi động và trẻ cũng hăng hái tiếp thu kiến thức hơn.

Ngoài ra, nhờ độ tuổi không quá cách biệt, tôi có thể hiểu những "thuật ngữ" mà học sinh sử dụng, đồng thời kịp uốn nắn cho trẻ nếu các em bắt chước một trend không hay trên mạng xã hội. Bản thân tôi thấy những điều này cũng giúp tôi và học sinh gắn kết hơn cho đến thời điểm hiện tại.

ngay nha giao viet nam anh 1

Thanh Trúc được học sinh tặng kẹo, các món đồ handmade trong dịp 20/11. Ảnh: NVCC.

20/11/2024 là ngày Nhà giáo Việt Nam thứ hai mà tôi được trải qua khi trở thành một giáo viên. Vì mới vào nghề chưa được bao lâu, tôi không có quá nhiều trải nghiệm trong ngày Nhà giáo giống như các thầy cô thế hệ trước.

Tuy nhiên, khi được hỏi về món quà 20/11 đầu tiên mà tôi nhận được, tôi vẫn luôn nhớ về con thú bằng len do một học sinh lớp 6 tự tay móc tặng tôi. Con thú chỉ cao hơn đốt ngón tay, nhưng học sinh làm rất khéo. Thậm chí, em ấy còn nhắn tin cho tôi, hỏi "Cô thích con vật nào để con làm tặng cô".

Cũng trong dịp 20/11 năm đó, tôi nhận được rất nhiều bông hoa làm bằng len từ học sinh ở trường. Ngoài hoa, tôi còn được các em tặng kẹo, một số món đồ chơi mà các em yêu thích. Đối với tôi - một người mới chập chững bước vào nghề, những món quà đó mang lại giá trị tinh thần rất lớn.

Ngoài những món quà tự làm của học sinh, điều khiến tôi gắn bó hơn với nghề giáo chính là sự tin yêu và tôn trọng của học sinh. Vì chỉ là giáo viên bộ môn, tôi hầu như chỉ gắn bó với các lớp trong khoảng một học kỳ.

Dù tôi đã ngừng dạy ở một số lớp, các học sinh vẫn nhớ tôi, vẫn giữ thói quen chạy đến ôm mỗi khi thấy tôi đi trên sân trường hoặc hành lang lớp học. Thậm chí, một số học sinh biết Facebook, Zalo của tôi còn nhắn tin hỏi "Cô ơi, sao cô không dạy tụi con nữa". Khi nhận được những tin nhắn đó, tôi lại càng có thêm động lực để trau dồi bản thân, để trở thành một giáo viên luôn được học sinh quý mến và tin tưởng.

Bất ngờ với món quà của nam sinh nghịch ngợm
Trần Thanh Nga (26 tuổi, Hà Nội), giáo viên THPT

Tính đến năm 2024, tôi đã làm giáo viên được 4 năm. Trong 4 năm này, tôi nhận được rất nhiều món quà ý nghĩa từ học sinh trong dịp 20/11. Hầu hết quà tặng của các em đều là đồ handmade, chứa đựng rất nhiều tình yêu thương và tình cảm.

Tôi vẫn nhớ mãi ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2023. Năm đó, tôi phụ trách một lớp có nam sinh khá nghịch, cũng không phải kiểu người thích bày tỏ tình cảm.

ngay nha giao viet nam anh 2

Thanh Nga bất ngờ khi nhận được món quà từ nam sinh nghịch ngợm trong dịp 20/11 năm ngoái. Ảnh: NVCC.

Nhưng vào dịp 20/11 năm đó, em ấy bất ngờ tặng tôi một món quà, cùng một bông hoa và đi kèm lời nhắn: "Con đã nhịn ăn sáng trong một tuần để mua quà tặng cô. Con rất biết ơn cô". Chuyện đã trôi qua một năm, nhưng tôi vẫn nhớ mãi và thấy xúc động mỗi khi kể lại câu chuyện đó.

Tôi là giáo viên gen Z, tuôi nghề còn khá trẻ. Nhiều lúc, tôi cũng sốc và buồn khi học sinh chống đối và không nghe lời. Ở cái tuổi 15-16, học sinh có cái tôi rất cao, thích chứng tỏ bản thân và thích được chú ý. Dạy học cho nhóm học sinh "cứng đầu" như vậy vừa là thách thức, nhưng cũng là may mắn cho tôi.

Vì chung thế hệ, tôi hiểu các em thích gì, biết phải dạy như thế nào để các em hứng thú và hiểu bài nhanh hơn. Cũng nhờ trẻ tuổi, tôi có thể rút ngắn khoảng cách với học trò của mình. Các em không chỉ coi tôi là cô giáo, mà còn là một người bạn, một người chị, và đôi khi cũng vui vẻ gọi tôi là mẹ.

Nhìn chung, tôi yêu cái cách học sinh tìm đến tôi, tin tưởng tâm sự với tôi như một người bạn tâm giao. Các em sẵn sàng bày tỏ cảm xúc, cho tôi biết bản thân các em đang gặp phải những vấn đề nào trong cuộc sống và mong nhận được lời khuyên từ tôi. Đối với tôi, thành công khi làm nghề giáo chính là nhận được sự tin yêu vô hạn như vậy đến từ học sinh.

Những tấm thiệp nguệch ngoạc của học sinh
Nguyễn Chí Bình (27 tuổi, Hà Nội), giáo viên THCS

Tôi cũng nhận được rất món quà ấn tượng từ học sinh trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Món quà mà tôi nhận được nhiều nhất trong 5 năm đi dạy có lẽ là thư tay và thiệp viết tay, do các học sinh tự chuẩn bị.

Học sinh của tôi đông, nên mỗi em lại có một phong cách viết thư khác nhau. Em này tình cảm, viết thư dạt dào lời yêu thương cho giáo viên, nhưng em khác lại viết theo kiểu nghịch ngợm, gây cười. Mỗi lần đọc thư của học sinh gửi, tôi lại được trải qua đủ cung bậc cảm xúc và thêm yêu học sinh của mình nhiều hơn.

ngay nha giao viet nam anh 3

Chí Bình được học sinh tặng thiệp, thư viết tay trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Đối với tôi, dạy học ở bậc THCS là thách thức rất lớn vì các em đang bước vào độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý có những thay đổi rất lớn, cái tôi cá nhân cũng rất lớn.

5 năm dạy học ở trường công lập, tôi rút ra được kinh nghiệm học sinh lớp 6-7 phải rèn luyện thật nghiêm khắc, học sinh lớp 8-9 vẫn cần nghiêm khắc, nhưng cần thêm chút linh hoạt, thấu hiểu vì các em đang ở độ tuổi nhạy cảm và đang tìm hiểu bản thân.

Tôi sinh năm 1997, thế hệ đầu của gen Z, học sinh của tôi lại là thế hệ đầu của gen Alpha. Cách biệt thế hệ là có, nhưng tôi vẫn cảm thấy may mắn vì tôi còn khá trẻ, tôi nắm bắt được sở thích, tâm lý và những nguyện vọng mà các em đang có.

Ví dụ, thời gian này, học sinh đều "mê đắm" chú chuột lang nước capybara. Nắm được tâm lý này, tôi đổi trò chơi lucky number thành lucky capybara để học sinh thêm hứng thú. Hoặc khi kiểm tra bài cũ, thay vì gọi tên học sinh, tôi lại làm trò "xé túi mù" - một xu hướng mới nổi trên mạng - để khuấy động không khi lớp học.

20/11 năm nay, vẫn như các năm trước, tôi luôn mong học sinh của mình tìm được niềm vui trong học tập. Về phía mình, tôi vẫn muốn gắn bó với nghề giáo, đồng thời mong muốn trở thành một giáo viên gương mẫu, nghiêm khắc nhưng không quá xa cách với học sinh để giúp các em ngày càng tiến bộ và học hỏi được nhiều điều hơn nữa.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Thầy giáo 30 năm gắn bó '3 cùng' với học sinh dân tộc Chứt

Gần 30 năm qua, thầy giáo Hoàng Xuân Dục, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Hóa đã giảng dạy, dìu dắt nhiều thế hệ học sinh dân tộc Chứt.

Thái An

Bạn có thể quan tâm