Khởi sự từ cơn nóng giận trước hành vi hỗn hào của học trò, thầy giáo Lê Cao Tánh đã phải xa rời bảng đen, phấn trắng 14 năm qua.
Và nay, với kết quả phiên tòa phúc thẩm thấu lý đạt tình của TAND tỉnh Lâm Đồng, thầy giáo này đã có thể tiếp tục sự nghiệp trồng người ở ngôi trường mà ông từng gắn bó - Trường THCS Nguyễn Du (trước đây là trường THPT Bán công Nguyễn Du) ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng.
Cái tát nóng giận và quyết định sa thải
Theo hồ sơ, tháng 12/2004, ông Lê Cao Tánh được hiệu trưởng trường THPT Bán công Nguyễn Du (nay là trường THCS Nguyễn Du, TP Đà Lạt, Lâm Đồng - gọi tắt là trường Nguyễn Du) ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Làm giáo viên tại đây được 2 năm thì ông gặp sự cố.
Sáng 12/12/2006, một học sinh lớp 10 thấy ông đi ngang qua đã gọi tên ông ra chửi bậy, xúc phạm ông Tánh trước đám đông. Ông Tánh đưa học sinh này về phòng giám thị của trường và hỏi lý do. Em học sinh này trả lời quanh co, tỏ thái độ hỗn hào. Không giữ được bình tĩnh, ông đã tát vào mặt làm em học sinh này chảy máu mũi.
Vài ngày sau, ông bị hiệu trưởng ra quyết định tạm đình chỉ công tác. Sau đó, nhà trường đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định hình thức kỷ luật đối với ông. Đầu năm 2007, căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Sở GD&ĐT, hiệu trưởng đã ra quyết định sa thải ông.
Quyết định kỷ luật ghi rõ: “Thi hành kỷ luật giáo viên Lê Cao Tánh ở mức sa thải, lý do vi phạm về phẩm chất của người thầy giáo. Trong quá trình xử lý học sinh vô lễ với giáo viên đã không kìm hãm được nóng nảy, đánh học sinh gây chấn thương mũi; việc làm phản tác dụng giáo dục này đã ảnh hưởng xấu đến uy tín nhà trường và ngành giáo dục, tạo dư luận không tốt trong xã hội”.
Ông Lê Cao Tánh, người hơn 14 năm qua vẫn miệt mài theo đuổi vụ kiện của mình. |
Gian nan hành trình theo kiện
Không đồng ý, ông Tánh đã khiếu nại nhưng nhà trường vẫn giữ nguyên quyết định. Tháng 7/2007, ông Tánh khởi kiện vụ án lao động ra TAND TP Đà Lạt. Trong đơn kiện, ông yêu cầu tòa án xử hủy quyết định sa thải, buộc nhà trường bố trí cho ông làm việc trở lại, đồng thời bồi thường cho ông các thiệt hại phát sinh.
Tuy nhiên, cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm sau đó của TAND TP Đà Lạt và TAND tỉnh Lâm Đồng đều xử bác đơn kiện của ông Tánh. Không chấp nhận, ông Tánh làm đơn đề nghị VKSND Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm.
Tháng 6/2011, VKSND Tối cao đã có quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa Lao động TAND Tối cao đưa vụ án ra xem xét giám đốc thẩm. Theo VKSND Tối cao, hành vi đánh học sinh của ông Tánh chỉ có thể bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức khiển trách hoặc kéo dài thời hạn nâng lương (theo khoản 1a Điều 84 Bộ luật Lao động) hay chuyển công việc khác trong thời hạn tối đa sáu tháng (theo khoản 1b Điều 84 Bộ luật Lao động)…
Ngày 27/9/2011, Tòa Lao động TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm vụ án “tranh chấp kỷ luật sa thải” của ông Tánh. Tòa này đã hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Đà Lạt xét xử sơ thẩm lại.
Ngày 17/9/2013, TAND TP Đà Lạt xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tánh, tuyên hủy quyết định kỷ luật của Trường Nguyễn Du và buộc trường này nhận ông Tánh trở lại làm việc.
Tuy nhiên, phía Trường Nguyễn Du đã kháng cáo bản án này; bản thân ông Tánh cũng có kháng cáo một phần bản án. Xử phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Lâm Đồng đã chấp nhận kháng cáo của Trường Nguyễn Du và bác đơn khởi kiện của ông Tánh.
Kết cục thấu lý đạt tình
Không đồng ý với án phúc thẩm lần hai, ông Tánh tiếp tục khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm và được VKSND Cấp cao tại TP.HCM đồng tình, kháng nghị. Quyết định giám đốc thẩm sau đó của TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND TP Đà Lạt xét xử sơ thẩm lại.
Xử sơ thẩm ngày 14/1/2020, TAND TP Đà Lạt đã tuyên ông Tánh thắng kiện. Lần này, trường THCS Nguyễn Du và ông Lê Cao Tánh cùng có kháng cáo. Sau đó, VKSND TP Đà Lạt cũng có kháng nghị một phần bản án sơ thẩm này.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 22/6/2020 vừa qua, VKSND tỉnh Lâm Đồng đã rút toàn bộ nội dung kháng nghị của viện trưởng VKSND TP Đà Lạt.
HĐXX TAND tỉnh Lâm Đồng nhận định: “Đối chiếu với quy định tại Điều 85 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2002, 2006 về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải thì hành vi của ông Lê Cao Tánh không thuộc trường hợp bị xử lý sa thải, cũng không thuộc trường hợp quy định khác tại nội quy, quy chế của nhà trường hoặc của ngành giáo dục. Do đó, quyết định sa thải ông Tánh của hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Du là trái pháp luật”.
Từ đó, HĐXX phúc thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Cao Tánh; hủy quyết định sa thải của hiệu trưởng Trường THPT Bán công Nguyễn Du; buộc nhà trường (nay là Trường THCS Nguyễn Du) phải nhận ông Tánh trở lại làm việc.
Bản án này đã có hiệu lực pháp luật. Và nếu phán quyết này không bị kháng nghị giám đốc thẩm thì đây là một kết thúc có hậu cho hành trình đeo đuổi vụ kiện 14 năm của một thầy giáo từng một lần lỡ tay vì nóng giận trò.
Phán quyết phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng
Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn trường THCS Nguyễn Du, Đà Lạt; chấp nhận việc rút quyết định kháng nghị của viện trưởng VKSND TP Đà Lạt; sửa Bản án lao động sơ thẩm số 01/2020 ngày 14/1/2020 của TAND TP Đà Lạt.
Theo đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Cao Tánh về việc kiện quyết định xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải. Tòa hủy quyết định kỷ luật của hiệu trưởng Trường Nguyễn Du; buộc Trường Nguyễn Du nhận ông Lê Cao Tánh trở lại làm việc; buộc trường Nguyễn Du phải thanh toán cho ông Lê Cao Tánh 614,68 triệu đồng.
Ngoài ra, tòa còn tuyên buộc trường Nguyễn Du khôi phục mọi chế độ bảo hiểm cho ông Tánh theo quy định, phải tiếp tục trả lương cho ông Tánh theo mức lương hiện hành tính từ tháng 1/2020 cho đến khi nhận ông Tánh trở lại làm việc (mức lương này thay đổi khi mức lương tối thiểu thay đổi)…
Sau khi bị kỷ luật, thầy giáo thành luật sư
Điều đặc biệt trong vụ án này là nguyên đơn - thầy giáo Lê Cao Tánh hiện là luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng.
Từng học luật, khi vào Trường Nguyễn Du, ông Tánh đảm nhận dạy môn văn và giáo dục công dân. Năm 2007, khi bị kỷ luật sa thải, ông Tánh vừa theo đuổi vụ kiện, vừa theo học và lấy được chứng chỉ hành nghề luật sư. Năm 2010, ông Tánh chính thức trở thành luật sư và mở văn phòng hành nghề tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng cho đến nay.
Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Lê Cao Tánh cho biết nếu bản án phúc thẩm mà ông thắng kiện được nghiêm túc thi hành, ông vẫn sẽ tiếp tục làm thầy giáo như mong muốn trước đây của gia đình ông. “Thế còn nghề luật sư?” - tôi hỏi. Ông Tánh trả lời: “Chắc tôi tạm nghỉ…”.