Chỉ cần một hành vi chưa đúng chuẩn mực sư phạm, một phát âm ngoại ngữ không chuẩn, lập tức giáo viên trở thành đối tượng cho học sinh đe dọa, cười cợt. Công nghệ hiện đại một mặt khiến những vụ việc như thầy bạo hành trò được phơi bày nhưng cũng là con dao 2 lưỡi khiến không ít học sinh dùng làm phương tiện gây áp lực, đe dọa giáo viên.
Nuốt nước mắt vào lòng
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 4, TP.HCM kể mới đây, trong giờ thể dục, chỉ vì giáo viên nhắc nhở một học sinh xếp hàng ngay ngắn mà em này đã buông một câu chửi thề rất tục tĩu. Giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh đến trường để phối hợp nhắc nhở. Song, thay vì tìm hiểu thì phụ huynh lại xông vào trường đánh cô giáo và đứng giữa đường rêu rao, bôi nhọ đời tư.
Rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh cần được đề cao trong nhà trường. |
“Phụ huynh này còn dọa xử giáo viên nếu đì con bà học kém và không lên được lớp; đe dọa quay phim, gọi báo chí nếu thầy cô dám phản ứng lại. Dù giáo viên bị xúc phạm nặng nề nhưng chúng tôi cũng đành im lặng, động viên các thầy cô cố gắng. Dư luận hiện nay khiến chúng tôi tổn thương vì trong bất cứ lý do gì thì lỗi đầu tiên vẫn là người thầy phải chịu trách nhiệm” - vị hiệu trưởng bày tỏ.
Một giáo viên trường quốc tế tại TP.HCM nhớ lại: “Trong giờ học ngữ văn, vì nhắc nhở học sinh tập trung vào bài giảng mà tôi nhận được câu thách thức: “Tiền lương hằng tháng của cô còn không bằng học phí tôi đóng vào trường. Cô cũng chỉ đi làm thuê thôi mà làm gì ghê vậy”. Nghe xong câu trả lời, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong vì hóa ra, học trò chỉ xem mình là người đi làm thuê, làm nghề bán chữ”.
Một người dạy học tại quận Gò Vấp, TP.HCM vẫn còn nhớ lại cảm giác giận run người khi chưa kịp mắng học trò thì ông đã bị học trò đe dọa: “Ông thích xuất hiện trên trang nào?”. Kèm theo đó là chiếc điện thoại đang bật chế độ quay phim.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết có một thực tế là hiện nay, khi thầy cô có điều gì bức xúc với các em thì liền bị đe dọa quay phim, ghi âm. Điều này tác động gây không ít đến tâm lý giáo viên khiến người thầy mất tự tin, sợ sệt. Trong khi đó, một bộ phận phụ huynh lại chiều chuộng, nghe lời con. Thay vì tìm hiểu lý do để cùng nhà trường phối hợp tìm cách dạy dỗ con, họ lại quay ra phản ứng.
“Người học phản biện khác với cãi lại thầy. Chẳng hạn, tại các trường quốc tế, khi học sinh muốn tranh luận thì có thể ngồi tại chỗ mà không phải đứng dậy như ở các trường công lập. Tuy nhiên, các em vẫn phải lễ phép và tôn trọng giáo viên. Trong khi đó, hiện nay, không ít người mang tư tưởng thầy cô chỉ là người đi làm thuê, hưởng lương từ tiền học phí của các em, tiền thuế của người dân nên có tâm lý coi thường” - ông Ngai băn khoăn.
Người thầy bị cô lập
Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng THPT Nhân Việt, nhận xét nhiều trường tư thục hiện nay rất sợ mất học sinh vì đây chính là nguồn thu của trường. Chính vì thế, nếu mâu thuẫn thầy - trò xảy ra, chỉ trường nào có kỷ luật nghiêm minh mới sẵn sàng xử lý, đuổi học những em phạm lỗi.
Tuy nhiên, không phải trường tư thục nào cũng làm được điều này. Vì thế, nếu không thể hòa giải thầy - trò thì nhà trường sẵn sàng chấp nhận chọn cách đuổi thầy chứ không thể đuổi học sinh. Chưa khi nào mà vai trò người thầy lại rẻ rúng như thế.
Ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng cần phải ngăn chặn tình trạng học sinh lợi dụng công nghệ để đe dọa, tạo áp lực, bêu xấu thầy cô. Khi sự việc xảy ra, người thầy thường bị cô lập.
Ở một góc độ khác, theo ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, GV trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, nói sợ thì chưa hẳn nhưng thực tế hiện nay, các em không còn tôn trọng thầy cô như trước. Để xảy ra tình trạng này, trước hết là do phương pháp sư phạm của người thầy chưa đúng, kỷ luật của nhà trường lỏng lẻo, đạo đức của học sinh ngày càng đáng báo động. Trong khi đó, giáo viên chỉ lo dạy cho xong bài mà ít khi nghĩ đến việc rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống.
Đừng để học sinh làm tới
Ông Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Tăng (quận 9, TP.HCM), cho rằng cả nước có hàng ngàn cơ sở giáo dục và tất nhiên, trong quá trình dạy học, giáo viên không phải lúc nào cũng hoàn toàn đúng chuẩn mực sư phạm. Công nghệ hiện đại là con dao 2 lưỡi, một mặt khiến GV phải không ngừng hoàn thiện mình nhưng cũng là công cụ để HS tạo áp lực lên thầy cô. Vì thế, cách đưa tin của các phương tiện truyền thông cũng cần có chọn lọc, tránh tình trạng cổ xúy cho học sinh được thể làm tới.
“Người thầy không phải lúc nào cũng đúng. Để quan hệ thầy - trò luôn có sự tôn trọng nhau thì cần rất nhiều sự góp ý đúng đắn của phụ huynh” - một chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định.