Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thày Văn Như Cương: 'Đạo học của ta còn vượng lắm!'

"Càng ngày các phụ huynh càng 'trọng cái chữ', quyết tâm cho con cái học hành, đó là điều đáng mừng!", PGS.TS Văn Như Cương chia sẻ nhân ngày Hiến chương các nhà giáo 20/11 năm nay.

Thày Văn Như Cương: 'Đạo học của ta còn vượng lắm!'

"Càng ngày các phụ huynh càng 'trọng cái chữ', quyết tâm cho con cái học hành, đó là điều đáng mừng!", PGS.TS Văn Như Cương chia sẻ nhân ngày Hiến chương các nhà giáo 20/11 năm nay.

- Trong những năm gần đây ngày càng nhiều các clip hành hung, đánh bạn tập thể được tung lên các diễn đàn mạng. Dưới con mắt của một nhà giáo, thầy nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Những chuyện này tôi có biết, các clip tôi cũng có xem, quả thật đáng buồn. Việc băng hoại đạo đức trong một bộ phận học sinh là không thể phủ nhận. Với những trường hợp học sinh như thế cần có biện pháp mạnh, những hình thức xử lý đủ tính chất răn đe. Làm bản kiểm điểm hay “đình chỉ treo” là quá nhẹ!

- Theo thầy biện pháp xử lý như thế nào là “đủ tính răn đe”?

- Đối với trường tôi, học sinh đánh nhau đồng nghĩa với việc bị đuổi học. Nhiều người cho rằng như thế là quá nặng, như thế là đẩy các em vào ngõ cụt cần “cứu vớt” các em. Nhưng tôi muốn cứu vớt cả một tập thể chứ không phải cá nhân. Nhân nhượng với các học sinh hư là làm hỏng các học sinh khác.

Tuy nhiên, đó không phải là biện pháp tối ưu, để giải quyết triệt để vấn đề bạo lực học đường phải giáo dục các em để các em tự ý thức về hành động của mình. Mặt khác, trường học không phải là ốc đảo mà là một xã hội thu nhỏ. Nó cũng phản ánh những mặt tích cực, tiêu cực của xã hội. Vì thế, để có biện pháp giáo dục cần sự phối hợp tổng thế của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, với chương trình học như hiện nay, rất khó để nhà trường có những biện pháp giáo dục toàn diện cho học sinh.

Thày Văn Như Cương: 'Đạo học của ta còn vượng lắm!'

PGS.TS Văn Như Cương

- Như vậy theo thầy, chương trình hiện nay chưa hợp lý?

- Đúng, theo suy nghĩ của tôi hiện nay đức dục, mỹ dục… của chúng ta đang bị xem nhẹ, trong khi quá đề cao các môn học Văn hóa. Những môn giáo dục đạo đức cho các em còn quá ít, nội dung giảng dạy thì khô khan, không thực tế. Chẳng hạn như môn giáo dục công dân cho chương trình THPT phần lớn là lý thuyết triết học. Cái này cần nhưng không đủ!

- Chương trình học nên thay đổi như thế nào cho phù hợp?

- Theo tôi, thời lượng học các môn Văn hóa giảm đi 30% chuyển sang các môn giáo dục đạo đức. Nhưng những tiết học này của các em không phải là đọc chép, hay giáo trình thông thường, mà các em cần được có những tiết học dã ngoại thực tế. Chẳng hạn như đưa các em đến trung tâm dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, đến thăm những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bà mẹ Việt Nam anh hùng… Để giáo dục các em tinh thần nhân ái, nhìn vào mỗi hoàn cảnh khó khăn mà thấy quý trọng tình người!

- Còn những trường hợp giáo viên đánh học sinh, hay vụ cô giáo nhốt học sinh vào thang máy… khiến một số ý kiến cho rằng, đạo đức nhà giáo đang “xuống cấp”?

- Tôi không phủ nhận rằng, nhiều giáo viên hiện nay đã đánh mất cái tâm của người thầy. Với trường hợp như thế, ý kiến của tôi vẫn là cần mạnh tay, nếu cần nên cho thôi việc.

Tuy nhiên, nhận xét đạo đức giáo viên xuống cấp là phiến diện, chụp mũ! Cũng như mọi ngành nghề khác, nhà giáo có người này, người khác. Đơn giản là người ta thích nghe những trường hợp giật gân hơn là những tấm gương điển hình. Cá nhân tôi tiếp xúc với nhiều sinh viên sư phạm trẻ, tôi có niềm tin rằng các em sẽ là những thầy cô tốt trong tương lai!

- Có vẻ như có rất nhiều “mảng tối” trong nền giáo dục, theo thầy những điểm sáng của giáo dục Việt Nam là gì?

- Đúng là nền giáo dục của chúng ta còn nhiều bất cập, tuy nhiên, có rất nhiều “điểm sáng” cần được ghi nhận. Chẳng hạn giáo dục của chúng ta đã phổ cập toàn dân, nâng trình độ dân trí cao. Hạ tầng cơ sở, trường lớp được nâng cấp khang trang, đầy đủ. So sánh với thời tôi chả hạn, cả tỉnh Nghệ An chỉ duy nhất có 1 trường cấp 3, có người muốn học cũng chả được học.

Điều thứ hai là chúng ta sở hữu một đội ngũ giáo viên rất đáng tin cậy, tâm huyết với nghề. Ai nói đạo đức giáo viên xuống cấp tôi không biết, nhưng là người trong ngành tôi tin tưởng cái tâm của người thầy vẫn còn nhiều lắm.

Truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của chúng ta vẫn được duy trì. Đây là một điều không phải đất nước nào cũng có. Càng ngày phụ huynh đều “trọng cái chữ”, quyết tâm cho con cái học hành, đó là điều đáng mừng!

Thày Văn Như Cương: 'Đạo học của ta còn vượng lắm!'

- Nhân nói về phụ huynh, dư luận đang bàn nhiều chuyện “đi Tết thầy”. 20/11 này, nhiều phụ huynh cũng phong bì, phong bao đến các thầy cô giáo. Dường như mối quan hệ giữa thầy cô giáo và phụ huynh đã ít nhiều thay đổi so với trước kia?

- Chuyện phong bì phong bao thì có! Nhưng như tôi đã nói. Đó là lương tâm mỗi người thầy. Với tôi, chuyện trò thành đạt là niềm hạnh phúc nhất. Với phụ huynh, con cái thành đạt cũng là điều ai cũng mong. Như vậy, giữa người thầy và phụ huynh đều có sự “sung sướng” chung, vậy lẽ dĩ nhiên là phải gần gũi là điều đương nhiên rồi.

Nhân đây tôi cũng xin kể một câu chuyện khiến tôi rất xúc động. Chủ nhật tuần trước tôi được mời về dự buổi lễ chào mừng 20/11 sớm, cũng là kỷ niệm 80 thành lập ở một trường cấp 1 mãi Quảng Ngọc, Quảng Xương, Thanh Hóa. Lúc đầu, tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại được mời về đó. Sau mới biết rằng, đó là ngôi trường mà bố tôi là hiệu trưởng đầu tiên. Những cựu học sinh của ngôi trường cấp 1 ấy đã không tiếc thời gian công sức để mời những người thầy từng giảng dạy ở đó về trường. Thậm chí, với những thầy đã mất con cái hoặc cháu của thầy cũng mời cho kỳ được. Hôm tôi về dự có tôi là con thầy hiệu trưởng đầu tiên và một cậu nữa là cháu đích tôn của một thầy giáo cũ ở đó. Cảm động lắm, tự hào lắm! Ấy, điều đó cho thấy đạo học của ta còn vượng lắm!

- Trước thềm ngày 20/11, cảm xúc của thầy như thế nào?

- Tôi đi dạy từ năm 20 tuổi, đến bây giờ đã trải qua 54 ngày nhà giáo Việt Nam. Tuy nhiên năm nào cũng vậy. cảm xúc rất vui và cảm động khi nhận được những bó hoa chúc mừng, những lời nhắn tin chúc mừng, những bó hoa của học sinh cũ gửi tặng. Nhiều học trò đầu hai thứ tóc vẫn nhớ đến thăm thầy, đấy là niềm vui, niềm hạnh phúc không phải nghề nào cũng có!

- Cám ơn thầy vì buổi trò chuyện, xin chúc thầy mạnh khỏe, công tác tốt nhân ngày nhà giáo Việt Nam!

Lê Trang

Theo Bưu Điện Việt Nam

Theo Bưu Điện Việt Nam

Bạn có thể quan tâm