Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới cosplay có gì sau những bộ trang phục lộng lẫy

Dù đã phát triển thành một ngành công nghiệp quy mô toàn cầu, người chơi cosplay vẫn không tránh khỏi được nhiều định kiến xã hội, theo CNA.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 2/2021 của Allied Market Research, công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường có trụ sở tại Mỹ, quy mô thị trường trang phục cosplay toàn cầu được dự đoán sẽ tăng lên 23 tỷ USD vào năm 2030.

Với sự phát triển của thế giới, cosplay dần được yêu thích và đón nhận nhiều hơn. Người tham gia cũng tăng lên và hình thức cũng ngày càng đa dạng.

Mặc dù đã có được bước tiến lớn kể từ khi mới xuất hiện, nhiều vấn đề về quyền riêng tư, sự an toàn hay xu hướng bị tình dục hóa vẫn là nút thắt khó giải quyết đối với cộng đồng này.

cosplay anh 1

Hình ảnh những bạn trẻ hóa thân thành các nhân vật hư cấu dạo bước trên phố đã dần trở nên quen thuộc.

Hơn cả một sở thích

Giống với nhiều diễn viên cosplay, sinh viên Isaac Soh (23 tuổi, sống tại Singapore) cosplay để thể hiện tình yêu của anh dành cho các nhân vật.

“Tôi thực sự thích ý tưởng hóa thân vào nhân vật mà bạn thích xem từ anime hoặc đọc truyện tranh. Tôi cũng hứng thú với việc lồng tiếng nên tôi cố gắng hóa trang các nhân vật mà tôi có thể lồng tiếng để cảm nhận vai diễn tốt hơn”, anh nói.

Đối với cosplayer Narumi, đây là một sở thích dễ chịu. Bên cạnh cảm giác thỏa mãn khi tái hiện thành công diện mạo nhân vật yêu thích của mình, cô tìm thấy niềm vui từ việc tương tác với những người cùng chung cộng đồng.

“Họ là lý do để tôi tích cực tham gia và ở lại các sự kiện cả 7 tiếng đồng hồ dù có mệt mỏi thế nào. Họ luôn hỗ trợ và cổ vũ tôi để không ngừng cải thiện kỹ năng của mình”, cô cho hay.

cosplay anh 2

Viêc được chào đón và cảm giác thoải mái là cảm nhận chung của nhiều người khi tham dự sự kiện cosplay.

“Bầu không khí thực sự thân thiện, mọi người hoàn toàn được là chính mình. Những người đang cảm thấy bị cô lập hoặc lạc lõng có thể được chữa lành khi tham gia vào cộng đồng này”, Joseph Quek, cố vấn tại Talk Your Heart Out, một nền tảng trị liệu trực tuyến, kể lại trải nghiệm của mình khi tham dự một sự kiện cosplay.

Quek cho biết thêm, môi trường an toàn cùng với văn hóa cosplay cũng là cách để người tham gia có cơ hội khám phá những tính cách có thể khó thể hiện trong cuộc sống hàng ngày.

Cosplay thậm chí còn là cánh cửa giúp nhiều người thoát khỏi thực tại.

“Tôi thích được hóa thân thành các nhân vật, nó giúp tôi quên đi những thứ không thích ở bản thân và trở thành một người mình thực sự thích”, sinh viên họ Goh nói.

Theo chuyên gia Quek, thoát ly thực tế có thể là một cơ chế đối phó có lợi giúp giảm căng thẳng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá mức có thể làm trầm trọng thêm cảm xúc tiêu cực và dẫn đến nhiều nguy cơ đối với sức khỏe tâm thần.

Kiếm tiền từ sở thích có dễ dàng?

Bên cạnh việc mang lại niềm vui, cosplayer còn được coi là một nghề thực sự có thể “ăn nên làm ra”. Từ một hoạt động chỉ mang ý nghĩa giải trí, không ít người chơi cosplay kiếm được thu nhập cao.

Một người chơi 25 tuổi, có biệt danh là Yosuke Sora, chia sẻ cô kiếm được khoản thu nhập lên tới hàng chục nghìn USD từ cosplay dù chỉ làm khi rảnh rỗi trong khi vẫn đang có một công việc toàn thời gian khác. Phần lớn thu nhập của cô tới từ những chiến dịch với các thương hiệu lớn.

Nhưng để kiếm được số tiền này không hề dễ dàng. Bên cạnh phải chi khoảng 400 USD hàng tháng cho trang phục, chưa kể chi phí vận chuyển, chụp ảnh và hóa trang, Yosuke phải cân đối thời gian giữa cosplay và công việc chính. Điều này khiến cô gần như không còn thời gian cho việc khác.

cosplay anh 3

Các nghệ sĩ phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức mới có thể kiếm được tiền từ việc hóa trang.

“Tôi phải về nhà ngay sau khi làm việc và dành thời gian còn lại cho việc livestream, quay các video nhà tài trợ đặt hàng và sửa soạn trang phục. Kể cả cuối tuần tôi cũng luôn bận rộn với những buổi chụp hình hoặc dự án thương mại”, cô nói.

Bên cạnh Yosuke cũng có không ít cosplayer nổi tiếng khác có nguồn thu nhập lớn từ việc hóa thân vào các nhân vật hoạt hình.

Cosplayer người Malaysia Hakken có thu nhập trung bình khoảng 6000 USD/tháng và lên tới 30.000 USD nếu “gặp thuận lợi”, theo Insider. Enako, một trong những cosplayer hàng đầu Nhật Bản, được cho là đã thu về hơn 1 triệu USD vào năm 2021.

Tuy nhiên, việc có được những con số “như mơ” chỉ là ngoại lệ.

Ông Tan Zhao Han, giám đốc công ty quản lý tài năng cosplay Geist Productions, cho biết đây là ngành công nghiệp dễ “bay hơi và bão hòa”. Nghệ sĩ phải thực sự chăm chỉ để được các thương hiệu để ý tới và nhận được đề nghị hợp tác.

“Bạn sẽ phải vừa là nhà tạo mẫu tóc, quản lý phục trang, đạo cụ, trang điểm, tự chỉnh ảnh, tìm kiếm địa điểm và ý tưởng cho mình”, ông chia sẻ.

Không có thế giới nào là hoàn hảo

Bên cạnh niềm vui và sự thoải mái, những người trong cộng đồng cosplay cũng thừa nhận rằng đây là một ngành công nghiệp có tồn tại mặt trái.

Đặc biệt phổ biến trong số đó là việc tình dục hóa cosplay, nhất là đối với nữ giới.

Goh, người biên tập video, kể rằng mình đã bị một họ hàng phản đối kịch liệt khi tham gia cosplay và bởi vì nghĩ đó là một hoạt động liên quan đến tình dục. Nhà thiết kế đồ họa Maoru (24 tuổi) cũng đã gặp phải những yêu cầu khiếm nhã trên mạng xã hội về việc tạo ra những nội dung dành cho người lớn.

cosplay anh 4

Nhiều người vẫn giữ cái nhìn phiến diện và quan niệm lệch lạc về hoạt động cosplay.

Nhiều cosplayer cho hay không ít người có quan điểm sai lầm rằng cosplay có nghĩa là đồng ý với những thứ đồi trụy. Họ không chỉ dừng lại ở việc cho rằng mình có quyền xem những bức ảnh hở hang, một số còn nghĩ mình có quyền được đối xử thô bạo với những người mặc trang phục đó.

Bên cạnh những tiếp xúc thân thể không mong muốn, có nhiều người cố gắng tìm hiểu danh tính thực của các diễn viên cosplay và liên tục gửi tin nhắn để làm phiền bằng những câu hỏi quấy rối.

Quek, chuyên gia của Talk Your Heart Out cho biết: “Cũng giống với các cộng đồng khác, cosplayer cũng có thể trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt, lừa đảo và biến thái trên mạng. Họ chỉ có thể tự bảo vệ mình bằng cách giữ kín danh tính”.

Nhưng dù vậy, việc cosplay đã đạt được những bước tiến lớn là không thể phủ nhận.

Nhiều người đã xóa tan được cái nhìn định kiến từ gia đình và bạn bè. Công chúng nói chung cũng dần đón nhận hơn khi nhìn thấy những cosplayer ở nơi công cộng hoặc chụp hình ngoài trời.

“Việc ăn mặc không giống với bình thường chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý nhưng ít nhất thì giờ cái nhìn của mọi người sẽ ít phán xét hơn hoặc đơn giản coi đó là một điều không quá đáng ngạc nhiên”, Goh nói.

Đọc tiểu thuyết tình yêu không còn là thú vui tội lỗi

Những cuốn tiểu thuyết lãng mạn không còn phải cất kín trong ngăn tủ mà giờ đã được trưng bày trên giá và yêu thích một cách công khai nhờ có sự hưởng ứng của độc giả trẻ.

Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn

Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.

Bình Nhi

Ảnh: Meiji/Pexels.

Bạn có thể quan tâm