Các em nhỏ chơi đùa bên đài phun nước để tránh nóng tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX. THX/TTXVN |
Theo dữ liệu từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), ngày chủ nhật vừa qua (21/7) đã chứng kiến nhiệt độ trung bình cao nhất trên Trái Đất, phá vỡ kỷ lục được thiết lập một năm trước, Bloomberg đưa tin hôm 23/7.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã đạt hoặc vượt ngưỡng khí hậu trọng tâm trong 12 tháng, làm nổi bật thách thức trong việc kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan từ lũ lụt đến cháy rừng.
Sự nóng lên toàn cầu đang gây ra tình trạng nóng hơn đối với miền Nam châu Âu, với nhiệt độ vượt quá 40 độC trong hai tuần qua ở Hy Lạp. Tình trạng này cũng làm tăng thêm hiểm họa cháy rừng.
Ở Hy Lạp, 33 vụ cháy rừng đã xảy ra trong 24 giờ tính tới 18h30 chiều 22/7. Athens và các khu vực phía nam của đất nước vẫn trong tình trạng báo động cao. Thời tiết được dự đoán sẽ giảm nhiệt trong tuần này, mặc dù nhiệt độ vẫn sẽ lên tới 39 độ C ở một số vùng trên đất liền ngày 23/7.
Tây Ban Nha cũng đối diện nguy cơ hỏa hoạn lớn trong tuần này khi nhiệt độ tăng cao ở phía nam đất nước. Theo cơ quan dự báo AEMET của Tây Ban Nha, nhiệt độ ở Seville và Cordoba sẽ lên tới 43 độC vào ngày 24/7. Các khu vực phía nam nước Pháp và Italy cũng có nguy cơ cháy rừng.
Xa hơn về phía bắc, Berlin (Đức) và Paris (Pháp) sẽ phải đối mặt với tình trạng nắng nóng vào đầu tháng 8. Nhiệt độ trung bình ở thủ đô nước Đức được dự báo sẽ tăng lên tới 28 độ C vào ngày 6/8, cao hơn 8 độ so với định mức 30 năm.
Nắng nóng cực đoan đã tàn phá nhiều khu vực của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay, làm gián đoạn việc di chuyển bằng đường hàng không đến lưới điện.
Theo Copernicus, nhiệt độ trung bình năm nay đến tháng 6 cao hơn 1,64 độ C so với thời kỳ từ năm 1850 đến năm 1900. Tháng 6 vừa qua là tháng nóng nhất từ trước đến nay, là tháng thứ 13 liên tiếp lập kỷ lục nhiệt độ trung bình mới.
Thỏa thuận Paris được thiết lập vào năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức dưới 2 độ C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp và lý tưởng nhất là ở mức 1,5 độ C.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.