Theo một cuộc khảo sát vào tháng 3 và tháng 4 của Shinhan Life Insurances, nhiều người trẻ Hàn Quốc cho biết đang theo đuổi lối sống được gọi là DINK (thu nhập gấp đôi, không sinh con).
Cụ thể, trong số 700 người độc thân và các cặp vợ chồng chưa có con ở độ tuổi 25-39, 34,3% cho biết không có kế hoạch sinh con trong tương lai.
Trong số phụ nữ và nam giới độ tuổi từ 25 đến 29 được khảo sát, 52,2% phụ nữ và 19,8% nam giới cho hay đang cân nhắc cuộc sống không có con, theo Korea JoongAng Daily.
Cụ thể hơn, 26,1% phụ nữ nói không hề nghĩ đến việc nuôi dạy một đứa trẻ và 26,1% đang nghĩ đến một cuộc hôn nhân không con cái. Trong số 19,8% nam giới, 13,5% không muốn có con trong khi 6,3% chỉ muốn sống cùng bạn đời.
Khoảng cách giữa hai giới thu hẹp dần ở các nhóm tuổi lớn hơn. Trong độ tuổi 30-34, 39,3% phụ nữ và 20% nam giới muốn một cuộc sống không con cái. Trong độ tuổi 35-39, 44,4% phụ nữ và 32,2% nam giới có câu trả lời tương tự.
Tỷ lệ nam giới muốn theo đuổi lối sống DINK cho thấy sự tăng mạnh trong nhóm 30 tuổi. Cụ thể, 5% đàn ông độ tuổi đầu 30 không muốn có con, chỉ sống với bạn đời. Con số này tăng gần gấp 3 lần lên mức 14,8% ở những người cuối 30.
"Có thể con tôi sẽ chuyển ra ngoài sống muộn như tôi. Tôi không đủ tự tin để vẫn chủ động kinh tế ở độ tuổi 70", một phụ nữ 39 tuổi chia sẻ.
Ngại kết hôn, sinh con
Các số liệu thống kê cũng ghi nhận xu hướng DINK tại Hàn Quốc. Trong số các cặp vợ chồng kết hôn chưa đến 5 năm được Statistics Korea khảo sát năm 2016, 36,6% không có con. Con số đó tăng lên 45,8% vào năm 2021.
Phụ nữ muốn tìm sự cân bằng giữa sự nghiệp và nuôi dạy con cái hơn nam giới. Khi được hỏi về nguyên nhân của tỷ lệ sinh thấp, 47,5% nam giới đổ lỗi chi phí giáo dục và nuôi dạy con cái là lý do hàng đầu.
Trong khi đó, 59,6% phụ nữ chỉ ra rằng môi trường xã hội khiến họ gặp khó khăn trong việc vừa chăm con vừa đi làm.
Nam giới Hàn Quốc ngại có con do chi phí đắt đỏ, phụ nữ lại sợ không thể cân bằng công việc và nuôi dạy con cái. Ảnh: Kim Hong-Ji/Reuters. |
"Những nhân viên nữ nghỉ phép sinh con có xu hướng giậm chân ở những vị trí thấp. Thật chua xót khi thấy họ từ chối lời mời vào những vị trí lãnh đạo vì căng thẳng khi phải cố gắng có sự nghiệp song song với việc nuôi con", một phụ nữ 28 tuổi nói.
"Tôi tin rằng tôi đã có một tuổi thơ hạnh phúc nhờ khoảng thời gian mẹ tôi tạm nghỉ việc, nhưng tôi không nghĩ bản thân có đủ can đảm để làm vậy".
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc từ chối kết hôn hơn nam giới, với 52,6% phụ nữ độ tuổi 20 cho biết dự định sống một mình; con số này ở nam giới là 21,6%.
Cả hai nhóm đều cho rằng giá bất động sản tăng cao và chi phí cho cuộc sống hôn nhân là những yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ kết hôn thấp, tiếp đến là những nguyên nhân như thay đổi nhận thức về hôn nhân, đặc biệt là quyền tự do cá nhân và xung đột giới.
Dân số già
Lối sống DINK được không ít người trẻ Hàn Quốc theo đuổi trong bối cảnh quốc gia này đối mặt tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và già hóa dân số.
Năm 2022, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc (số con trung bình mà một phụ nữ dự kiến có trong đời) đạt mức thấp nhất mọi thời đại là 0,78. Đây là con số thấp nhất trong số tất cả quốc gia thành viên của Tổ chức vì Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Trong khi đó, theo dự báo của Cơ quan Thông tin Thống kê Hàn Quốc (KOSIS) do chính phủ điều hành, vào năm 2050, đất nước này sẽ có 2/5 dân số trên 65 tuổi.
Hàn Quốc đang đối mặt vấn đề già hóa dân số. Ảnh: The New York Times. |
Vào năm 2070, dân số xứ kim chi sẽ chủ yếu là người cao tuổi. Những người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 46,4% và trở thành nhóm nhân khẩu học lớn nhất. Hiện nay, nhóm tuổi này chiếm 18,4% dân số.
Tỷ lệ người từ 85 tuổi trở lên sẽ chiếm 21,8% dân số, tăng từ mức 4,5% của hiện tại.
Tuổi thọ cao hơn, cùng với số ca sinh liên tục giảm, sẽ biến đổi tháp dân số của Hàn Quốc thành kim tự tháp ngược với dân số già nhiều hơn và ít người trẻ tuổi.
Trong nỗ lực cải thiện tình hình, Hàn Quốc có kế hoạch tăng các hỗ trợ về thuế và ưu đãi khác cho những người trẻ kết hôn và sinh con, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sử dụng chế độ nghỉ phép dành cho cha mẹ và tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.