Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế hệ muốn sinh con cũng không đủ tiền ở Anh

Tỷ lệ sinh tại Anh đang ở mức thấp kỷ lục, ghi nhận số lượng phụ nữ dưới 30 tuổi có con ít chưa từng có, kể từ năm 1938.

"Tôi không muốn bị thúc giục sinh con. Ở thế hệ của tôi, đơn giản là mọi người không đủ khả năng làm vậy", Jen Cleary bực tức nói.

Cựu giáo viên 35 tuổi chia sẻ mình từng nghĩ về một gia đình có trẻ nhỏ, nhưng sự bấp bênh về tài chính đã khiến ước mơ của cô vụt tắt.

Theo The Guardian, câu chuyện của Cleary chính là vấn đề chung mà nhiều người thuộc thế hệ Millennials (sinh năm từ 1981 đến 1996) gặp phải.

Chi phí nuôi dạy quá lớn

Thực tế cho thấy có nhiều phụ nữ Anh đang phải đối mặt với tình trạng vô sinh, nhưng rất nhiều người khác đã chủ động lựa chọn không sinh sản. Nguyên nhân dai dẳng được đưa ra chính là vấn đề tài chính và chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng.

nguoi tre ngai sinh con anh 1

Nhiều người trẻ tại Anh lo ngại việc sinh con bởi không đủ khả năng tài chính.

Jody Day, người sáng lập Gateway Women (mạng lưới hỗ trợ phụ nữ không thể sinh con) cho biết: "1/5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại Anh không có con, bao gồm cả thụ động và chủ động. Nhưng 80% trong số đó không sinh đẻ vì hoàn cảnh chứ không phải vấn đề vô sinh.

Lý do của họ là những vấn đề mang tính hệ thống, chẳng hạn như các khoản nợ học tập hay sự tập trung vào sự nghiệp. Điều đó có nghĩa kế hoạch của họ cho việc sinh sản bị bỏ lại quá muộn, trong khi giá nhà và dịch vụ chăm sóc trẻ em ngày càng tăng, khiến họ cảm thấy mất an toàn tài chính".

Còn theo Hiệp hội Hành động vì trẻ em đói nghèo, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi vào năm 2021 có thể lên tới 71.611 bảng Anh. Trong một cuộc khảo sát mới đây trên hơn 20.000 phụ huynh đang đi làm tại Anh, 97% số người được hỏi cho biết chi phí gửi trẻ quá đắt đỏ.

Giáo sư Joanna Zajac có một cô con gái 3 tuổi và rất muốn sinh thêm con, nhưng cô nhận ra rằng điều này không khả thi về mặt tài chính.

"Vợ chồng chúng tôi đều đi làm nhưng vẫn khá chật vật để chi trả cho các dịch vụ chăm sóc con cái. Nước Anh là một nơi rất đắt đỏ ở châu Âu, nhất là khi bạn phải nuôi dạy những đứa trẻ", cô nói.

Thậm chí, Zajac đang phải nhận thêm một công việc ở nước ngoài để kiếm tiền sinh con thứ hai.

"Gia đình chúng tôi sẽ phải ở xa nhau trong vài tháng hoặc vài năm. Ở độ tuổi 37, tôi nghĩ mình không còn có sức khỏe lý tưởng để sinh sản. Tôi cảm thấy đã bỏ lỡ giai đoạn tốt nhất của mình".

Chọn mua nhà thay vì sinh sản

Đối với nhà nghiên cứu khoa học Sarah Hague (27 tuổi), gánh nặng tài chính đang đè nặng lên quyết định sinh con của cô.

"Cả tôi và chồng đều có khoản vay học tập khổng lồ sau khi hoàn thành chương trình học Tiến sĩ. Hiện tại, chúng tôi đang đấu tranh tư tưởng cho việc dùng tiền để mua nhà hay sinh con", cô nói.

Ở Cambridge nơi Hague sinh sống, mỗi ngôi nhà đáp ứng nhu cầu cho gia đình có giá từ 400.000 bảng Anh và vợ chồng Hague không có sự hậu thuẫn của cha mẹ để mua nhà. Cô cũng không thể chuyển đi nơi khác bởi phần lớn các phòng thí nghiệm lớn của Anh đều đặt trụ sở ở thành phố, những nơi có mức sống đắt đỏ như nhau.

Và Hague quyết định tiết kiệm tiền để mua nhà thay vì sinh con cái.

"Bạn không thể có một gia đình hoàn hảo nếu không có một ngôi nhà ổn định. Tôi vừa nhận thông báo của chủ nhà về việc phải thanh lý hợp đồng trong 8 tuần nữa. Tôi không muốn luôn phải chuyển nhà như thế này", Hague tâm sự.

nguoi tre ngai sinh con anh 2

Chi phí nuôi dạy trẻ em tại Anh được đánh giá là rất cao so với thu nhập người trẻ.

Giáo sư Bobby Duffy, Giám đốc Học viện Chính sách, Đại học King’s College London, cho biết cuộc khủng hoảng nhà ở tại Anh đang gây tác động lớn đến thế hệ Millennials cũng như Gen Z khi muốn lập gia đình.

"Chỉ 40% người trẻ thuộc thế hệ Millennials có sở hữu nhà riêng, thay vì 80% như thế hệ trước đó. Giá cả nhà cửa quá cao khiến nhiều người phải đi thuê nơi ở, gây tốn kém cũng như mất an toàn tài chính. Đặc biệt khi phải cộng thêm chi phí chăm sóc trẻ em cao, thu nhập trì trệ, người trẻ càng sụp đổ niềm tin cho việc sinh sản", ông cho hay.

Nhưng không phải chỉ có vấn đề có nhà ở mới gây ra sự bấp bênh. Fiona, trợ lý quản trị 29 tuổi, đang sống chung nhà với 7 người khác. Cô có 2 công việc bán thời gian với tổng mức lương 22.000 bảng Anh. Cô gái làm việc quần quật nhưng vẫn không nghĩ rằng mình có đủ tiền để lập gia đình.

"Tôi thậm chí còn không mua nổi một con chó, vậy làm thế nào tôi có thể nuôi được một đứa trẻ?", cô nói.

Cuối cùng, Fiona quyết định tạm gạt bỏ suy nghĩ sinh con để tập trung làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống.

"Tôi không thể lựa chọn việc mình được sinh ra hay không, nhưng ít nhất giờ đây tôi sẽ làm chủ cuộc sống của mình bằng cách sống trọn vẹn".

Ngày trở về của nữ bác sĩ Hà Nội đi chống dịch tại TP.HCM

Sau gần 2 tháng tham gia chống dịch tại TP.HCM, bác sĩ Hà Hồng Anh bật khóc khi phải chia tay những đồng nghiệp của mình ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm