Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thế hệ nhớ cơm nhà

Người trẻ hiện nay được gọi bằng nhiều danh xưng: Gen Z, thế hệ AI, thế hệ Later - Millennials. Nhưng không phải ai cũng nhận ra họ còn mang tên “thế hệ nhớ cơm nhà”.

C.P. Viet Nam anh 1

Người trẻ ngày càng độc lập, dám sống riêng, sống chất nhưng họ vẫn luôn hướng đến những giá trị về gia đình, đặc biệt qua các bữa cơm nhà. Đây không những là sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình, mà còn nắm giữ một phần hồi ức làm nên hành trình trưởng thành của họ, như câu chuyện của những bạn trẻ dưới đây.

Giữa xứ tuyết ngồi nhớ cơm nhà

Đã hơn một năm tôi bay sang Hàn, thực hiện giấc mơ du học thạc sĩ. Nhớ ngày nào còn treo ảnh bìa Facebook là hình cổng trường mơ ước. Rồi bao nhiêu lần hồi hộp làm giấy tờ, phỏng vấn từ xa với trường, cả chục lần bói tarot để xem kế hoạch du học có thành không. Cái ngày đặt chân trên tuyết, đứng đối diện cánh cổng trường trong mơ, tôi đã bật khóc vì hạnh phúc. Lúc đó tôi chưa hình dung được lần đầu thực sự xa nhà đi học sẽ còn nhiều nước mắt lắm.

Nước mắt lúc giảng viên và bạn cùng lớp người bản xứ nói mà mình hiểu sai, bị hỏi nhưng trả lời không được rành mạch, cả lớp nhìn mình. Khi đó mới thấy mấy cái bằng ngoại ngữ của bản thân bỗng như giấy vụn, xấu hổ lạ lùng. Nước mắt rơi lúc đi làm thêm nửa đêm về trong mùa đông lạnh cóng, nằm trong phòng lên cơn sốt mà bạn cùng phòng đã ngủ say, không dám gọi nhờ, cũng không biết nhờ cái gì…

Nhưng đó là những lần nước mắt cay khóe một chút thôi. Bất ngờ nhất là lúc đứng nhìn nồi canh kim chi chơ vơ sôi sùng sục trên bếp, tự nhiên tôi òa khóc vì nhớ nồi thịt kho ăn với củ kiệu và cơm nóng của mẹ, bát canh cua cha giã hồi nhỏ, nhớ bữa cơm vừa giành ăn vừa giành remote xem TV với em út. Bữa cơm xa nhà bây giờ thường xuyên là ăn cho qua bữa để kịp chạy show giữa những khung giờ đi học, đi thực tập, đi làm thêm…

Trước Tết, khi về nhà được một tuần, ban đầu tôi định tranh thủ gặp thật nhiều bạn bè xa cách lâu ngày. Vậy mà khi đã ở nhà, chợt nhận ra mình chỉ muốn được ngồi ăn cơm với cha mẹ. Hết ăn cơm rồi đến ăn vặt, ăn giữa bữa, ăn xế. Mỗi sáng khi tôi chưa mở mắt dậy mẹ đã hỏi: “Hôm nay con thèm ăn gì?". Mắt mẹ sáng lên khi làm hết món này tới món khác, tiếp đón tôi như khách quý, mâm cơm nào cũng thịnh soạn như ăn cỗ. Món mặn, món canh, món tráng miệng từ chè chuối đến trái cây, một ngày 3-4 bữa.

Khi đó cha đi làm về còn xách theo túi bánh tráng trộn. Cha nói thấy mấy bạn trẻ trong công ty rủ nhau mua nên cũng mua về vì biết con gái đang thèm. Tôi ngồi giữa nhà và thầm nghĩ bản thân chưa bao giờ hạnh phúc hơn thế. Rốt cuộc, không phải cái ngày được đặt chân đến xứ người, lần đầu được thấy cổng trường mơ ước, mà ngày mình thấy hạnh phúc bình yên nhất trên con đường này là khi được trở về nhà trong kỳ nghỉ và được ăn cơm nhà cùng cha mẹ - thói quen thân thuộc nhưng lại hóa “xa xỉ” trong những tháng ngày xa quê.

Đến ngày chuẩn bị quay lại Hàn Quốc, tôi cảm thấy như được sạc lại năng lượng nhờ vào tình thương của gia đình. Đơn cử như “hành trang lương thực” mà cha mẹ tâm huyết chuẩn bị: Cá khô được mẹ tỉ mẩn lựa ở chợ, các nguyên liệu nấu ăn mang theo hương vị quê nhà... Nhờ đó, tôi có thêm động lực vào bếp và bắt đầu học nấu những món Việt mẹ dặn. Đến cuối tuần, tôi tranh thủ video call để được mẹ chỉ từng chút. Vậy là tôi có mẹ và cơm nhà bên mình. Có những hôm đứng trong bếp ở nhà hầm, nấu ăn một mình, tôi thấy mình tràn đầy năng lượng và đủ sức tiếp tục hành trình.

(Minh Anh, 27 tuổi, Hàn Quốc)

Những bữa cơm muộn mùa deadline

Tôi đến từ TP.HCM, từng là đứa con trai sống kiểu “gà công nghiệp”, được cha mẹ bao bọc kỹ lưỡng, chăm sóc đến tận hết thời đại học. Nhưng không phải vì như vậy mà tôi thấy vui. Nghe bạn bè ở quê kể rằng năm 15 tuổi đã xa nhà đi học, hoặc 18 tuổi đến TP.HCM ở trọ đi học, tôi cảm thấy ghen tỵ. Cảm giác thúc bách cần có một chân trời tự do lúc nào cũng đeo bám tôi.

Tôi thèm những buổi đi chơi mà 11h đêm không bị cha mẹ nhắn tin nhắc chờ cửa; thèm cảm giác được kéo đám bạn về nhà “quậy” thâu đêm, sẵn khoe dàn loa xịn. Nhưng nhà cửa của gia đình tôi ở TP.HCM rồi, tự dưng lại đòi đi đâu. Mãi tới lúc đi làm, lấy cớ cần thời gian thêm cho công việc, thế là tôi xin ra ở riêng. Lúc đó cha mẹ cũng không giữ nữa. Ban đầu tôi vui và cảm thấy tự do, cảm giác được tự lo các thứ cho cuộc sống riêng rất hay.

Được mấy tháng, có quãng thời gian phải “chạy” deadline tất bật dịp Tết cho khách hàng, dự án gặp trúc trắc, có những hôm thức đêm làm liên tục, có khi rời khỏi máy tính công ty là 12h đêm, tự nhiên tôi muốn được lái xe về nhà. Khi gõ cửa, tôi hơi sợ mẹ sẽ mắng. Không ngờ mẹ còn thức. Nghe tôi lí nhí nói rằng mới từ chỗ làm về, mẹ không mắng mà chỉ hỏi: “Ăn gì chưa con?” rồi mở tủ lạnh…

Tôi ngồi xuống chờ mẹ hâm nóng đồ ăn với món ếch xào hành tây thơm phức, rồi mẹ múc thêm bát chè sen táo đỏ mát lạnh. Tôi hỏi mẹ vì sao lại có sẵn đồ ăn, mẹ trả lời luôn phần một ít mỗi ngày để khi nào tôi về cũng có thức ăn. Dù là con trai, lúc đó tự nhiên tôi xúc động nhưng cố giấu những giọt nước mắt và chỉ biết ngồi ăn rồi cười.

Lúc đó, tôi biết mình vẫn sẽ sống riêng nhưng sẽ về nhà ăn cơm với cha mẹ nhiều nhất có thể. Và tôi biết mình nếu lỡ đi làm về khuya hay mệt mỏi thì vẫn có nơi để về… Ở đó chắc chắn luôn có những món ăn phần mình, và tình thương đong đầy.

(Dương Tùng, 24 tuổi, TP.HCM)

C.P. Viet Nam anh 7

Là người con trong gia đình Việt, có lẽ chúng ta sẽ cảm nhận rõ nét về bữa cơm gia đình cũng như tình cảm của người mẹ. Dẫu đôi lúc chợt quên, mỗi khi được gợi nhắc trong lòn vẫn luôn bồi hồi và mong muốn bày tỏ bằng hành động. Dựa trên nền tảng thấu hiểu những yêu thương không lời vô giá của mẹ qua các bữa ăn, C.P. Việt Nam mang đến chiến dịch “Như cách mẹ yêu thương” để kêu gọi sự san sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình với người phụ nữ, đồng thời lan tỏa tinh thần bất kỳ ai cũng có thể yêu thương như cách mẹ làm, đơn giản nhất là qua bữa cơm gia đình.

Gợi ý cách để thế hệ bận rộn có thể vào bếp nấu ngon như cách mẹ yêu thương:

- Ghi nhớ sở thích, khẩu vị của từng người trong gia đình.

- Món ăn ngon trước hết ở độ tươi nguyên liệu. Chúng ta nên để tâm vào việc tìm kiếm, chọn lựa những nguyên liệu tốt nhất, như cách mẹ luôn dành những thứ tốt nhất cho gia đình.

Hội bận rộn có thể lựa chọn các thực phẩm chế biến của CP, vừa giúp tiết kiệm được thời gian vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ khi các loại thực phẩm này được sản xuất từ thành phần nguyên liệu rõ nguồn gốc và dinh dưỡng, kết hợp công thức chế biến uy tín nhằm mang đến những bữa ăn chất lượng cho cả gia đình. Bắt đầu với các món ăn đơn giản nhưng vẫn đủ chất, tìm kiếm ngay các công thức nấu ăn đơn giản để việc vào bếp trở nên dễ chịu, tự tin.

Lan Minh

Bạn có thể quan tâm