Hu Siqin có một sự nghiệp đầy hứa hẹn tại Thượng Hải (Trung Quốc). Cô làm việc tại một công ty nằm trong danh sách Fortune 500 (500 công ty lớn nhất Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn) và sở hữu số tiền tích lũy dư dả.
Tuy nhiên, dưới ánh đèn rực rỡ nơi đô thị, cô gái 33 tuổi vẫn thấy thiếu thốn một thứ mà cô gọi là cảm giác “cội nguồn”.
Rời bỏ thành thị, Hu quyết định tìm về vùng ngoại ô làm nông nghiệp, trở thành một trong những người tiên phong cho phong trào “bỏ phố về quê” đang thịnh hành tại Trung Quốc.
Đây là lối sống mới được rất nhiều người trẻ theo đuổi, họ từ bỏ cuộc đua vật chất để tìm kiếm niềm vui từ thiên nhiên, trang trại.
“Tôi không bị thu hút bởi của cải hay tiện nghi. Có đầy đủ tiền bạc, trong sâu thẳm tôi vẫn chưa thấy hài lòng. Tôi bắt đầu suy nghĩ về mục đích thật sự của cuộc đời mình”, Hu nói trên SCMP.
Hu Siqin trồng rau củ trên mảnh đất thuê tại đảo Chongming. Ảnh: AFP. |
Những 'nông dân mới'
“Bỏ phố về quê” chính là lối sống lội ngược dòng lịch sử tại Trung Quốc. Trước thế kỷ 20, trong hàng nghìn năm, quốc gia này chủ yếu phát triển nông nghiệp với phần lớn dân số bắt đầu cuộc sống của mình từ đất cát.
Tuy nhiên, khi lên nắm quyền, Đảng Cộng sản đã khuyến khích tăng trưởng đô thị hóa và di cư đến các thành phố đang phát triển, mong muốn đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo ở nông thôn và xây dựng một nền kinh tế hiện đại hơn, hướng tới người tiêu dùng.
Nhưng khi quốc gia đã đạt được ngưỡng thịnh vượng, quan điểm sống của một bộ phận đã thay đổi.
Hàng triệu thanh niên Trung Quốc ngày càng chán nản với thời gian làm việc dài của xã hội hiện đại và mức lương ít ỏi. Họ cũng mệt mỏi với vấn đề tắc nghẽn đô thị và chi phí sinh hoạt quá cao, cũng như áp lực của cha mẹ đối với sự thành công của con cái.
Hu từng được nhiều người ngưỡng mộ khi làm việc trong lĩnh vực tiếp thị và cung ứng cho các công ty của Pháp như “gã khổng lồ” L’Oreal hay nhà bán lẻ thể thao Decathlon.
“Bên ngoài, nhìn tôi có vẻ hạnh phúc. Nhưng bên trong tôi đã trống rỗng từ lâu rồi”, Hu chia sẻ.
Không muốn cuộc sống tiếp diễn một cách mệt mỏi, Hu đã cùng một người bạn về Chongming, một hòn đảo ở ngoại ô Thượng Hải, sinh sống. Họ thuê một mảnh đất và gieo trồng khoai lang, đậu và các loại cây trồng khác.
Với một chiếc máy nổ nhỏ cùng chiếc xẻng trên tay, Hu không giấu được vẻ hào hứng khi nhổ bật củ khoai lên khỏi mặt đất.
"Thật ngọt ngào!", cô vừa tấm tắc, vừa cắn một miếng vào củ khoai vừa nhổ.
Liang Funa chuyển sang làm nông nghiệp sau khi kiệt sức do làm việc quá tải và lối sống thiếu lành mạnh. Ảnh: AFP. |
Theo chính phủ Trung Quốc, có khoảng 20 triệu người đã tham gia phong trào “nông dân mới”, một số người trong đó có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội nhờ đăng bài viết về lối sống của mình.
Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra lợi thế tiềm năng của một làn sóng người trẻ thuộc thế hệ Millennials hiểu biết về công nghệ và kinh doanh. Họ có thể mang lại những ý tưởng mới và sự nhiệt tình cho nông nghiệp, một lĩnh vực lâu nay vẫn chủ yếu do nông dân lớn tuổi đảm đương.
Phong trào này cũng gắn liền với nỗ lực của các công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh như Pinduoduo, một nền tảng giúp những “nông dân mới” thâm nhập vào thị trường thực phẩm.
Lành mạnh hơn
Cuộc sống làm “nông dân mới” đã giúp Liang Funa (34 tuổi) cảm thấy khỏe mạnh, yên bình và bền vững hơn.
Trước đây, cựu giám đốc điều hành bộ phận quảng cáo này cảm thấy kiệt sức do thời gian làm việc quá nhiều và lối sống không lành mạnh.
“Thế hệ của chúng tôi đang phải chịu áp lực rất lớn và những người ở lại thành phố thường quay cuồng với việc mua nhà, xe hay kết hôn. Đó như những thước đo duy nhất cho sự thành công, họ không có con đường nào khác”, anh nói.
Ba năm trước, Liang đã quyết định chuyển đến đảo Chongming. Anh học nghề làm vườn từ những người hàng xóm nông dân của mình, ngoài ra vẫn nhận một số việc freelance để kiếm thêm thu nhập.
Đối với Liang, cuộc sống hiện tại rất thoải mái, anh nhận ra mình thật sự không cần tiêu dùng quá nhiều. Mỗi ngày, anh ăn rau tự trồng, cảm thấy khỏe khoắn, giảm nhu cầu đi khám bệnh.
Liang Funa hạnh phúc nhìn củ khoai tây lớn nhất mà anh từng trồng trên đảo Chongming. Ảnh: AFP. |
Còn Hu, cô hiện thương lượng hợp đồng để thuê dài hạn một trang trại tại vùng nông thôn tỉnh Chiết Giang, gần Thượng Hải.
Cô hy vọng sẽ gieo vụ hạt đầu tiên vào mùa xuân.
“Tôi đã gặp khó khăn khi thuyết phục cha mẹ chấp nhận lối sống của mình. Nhưng giờ đây tôi đã nhảy ra khỏi vùng an toàn và đến một nơi xa lạ, điều này giúp tôi cảm thấy cuộc sống thêm ý nghĩa”, cô nói.