Noryangjin là một khu vực nằm ở phía tây Seoul, nơi tập trung các lớp luyện thi công chức nhà nước. Không lâu trước đây, khi dịch bệnh bùng phát căng thẳng tại Hàn Quốc, có rất nhiều người tìm đến đây với mong muốn có được một chân trong bộ máy chính quyền - loại hình việc làm mà họ cho là ổn định, công bằng.
Tuy nhiên, hậu đại dịch, những việc làm hành chính nhà nước bắt đầu trở nên ít được quan tâm. Bằng chứng là tỷ lệ "chọi" trong các kỳ thi công chức đang giảm dần, theo The Korea Times.
Dữ liệu từ Bộ Quản lý Cán bộ Hàn Quốc (MPM) cho thấy năm nay có 165.524 người đăng ký tham gia kỳ thi công chức, dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh là 29,2:1. Trong khi đó, vào những năm trước, tỷ lệ này là 35: 1 (2021), 37,2:1 (2020), 39,2:1 (2019) và thậm chí là 41:1 (2018).
Khó đậu nhưng lương thấp
Các chuyên gia cho rằng "cơn sốt việc nhà nước" tại Hàn Quốc đang hạ nhiệt bởi thế hệ MZ (Millennials và Z) - lực lượng lao động nòng cốt hiện tại - ưa thích những việc làm với mức lương cao và nhiều thách thức hơn.
Noryangjin ở Seoul là một khu vực tập trung nhiều trường luyện thi công chức. Ảnh: Yonhap. |
Dữ liệu của MPM cho biết mức lương trung bình hàng năm của một công chức cấp thấp là khoảng 20 triệu won (tương đương 16.000 USD) vào năm 2020. Nhưng trong cùng năm đó, mức lương của nhân viên (với bằng đại học hệ 4 năm) tại một công ty tư nhân đã là hơn 33 triệu won.
Theo một cuộc khảo sát của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc được thực hiện vào năm 2021 trên 36.000 người, các công ty tư nhân lớn được chọn là nơi làm việc được tìm kiếm nhiều nhất ở Hàn Quốc, đặc biệt là đối với nhân sự trong độ tuổi từ 13 đến 34.
Một cô gái 20 tuổi chia sẻ trên The Korea Times: "Nhiều người bạn của tôi đã bỏ việc để chuẩn bị cho kỳ thi công chức. Chúng tôi mất rất nhiều tiền và thời gian để sẵn sàng cho bài thi này. Thế nhưng kể cả khi được nhận vào làm, chúng tôi cũng không thể kiếm được nhiều như vậy.
Tôi nghĩ nhiều người trẻ như mình cũng sẽ đặt sự phát triển của bản thân lên trên sự ổn định. Trong trường hợp của tôi, tôi muốn làm việc tại những dự án đầy thử thách và cảm hứng tại các công ty cởi mở. Tôi không muốn làm công chức rồi mỗi ngày làm việc lặp đi lặp lại, khiến bản thân trì trệ".
Cô nói thêm rằng mình tự hỏi liệu sự sụt giảm tỷ lệ cạnh tranh của các công việc nhà nước có phải là một dấu hiệu tích cực hay không.
"Trong mắt tôi, có vẻ như số lượng công việc có chất lượng ngày càng giảm, buộc những người trẻ tuổi phải lựa chọn giữa việc làm tệ và tệ hơn", cô nói.
Những ứng viên vượt qua bài thi viết trong một kỳ thi tuyển công chức tại Hàn Quốc. Ảnh: The Korea Times. |
Seol Dong-hoon, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Jeonbuk, cho hay: "Từ xưa, giới trẻ Hàn Quốc thèm muốn trở thành công chức bởi công việc này có mức lương hưu hậu hĩnh. Nhưng từ 2015, sau chính sách cải cách lương hưu, chế độ hưu trí không còn hấp dẫn nữa và có lẽ vì thế mà nhiều người chán nản".
Theo đó, chương trình cải cách lương hưu năm 2015 đã nâng độ tuổi nhận lương hưu của công chức từ 60 lên 65 và tăng tỷ lệ đóng góp từ 7% lên 9% lương tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán lại giảm từ 1,9% xuống 1,7%.
"Mức lương hàng năm của một công chức thường ít hơn so với các công việc khác, do vậy việc giảm lương hưu sẽ là một tác động đáng kể đến sự lựa chọn nghề nghiệp của người lao động. Họ thà làm việc tại các công ty tư nhân thiếu ổn định nhưng lương cao", giáo sư Seol giải thích.
Ngột ngạt
Tính chất bảo thủ, thiếu linh hoạt của công việc nhà nước cũng khiến thế hệ MZ chán ngán.
Choi, một công chức với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong một cơ quan nhà nước, cho hay: "Các công chức phải đối mặt với rất nhiều hạn chế khi làm việc vì hành động của họ có thể có tác động rất lớn đến các tổ chức tư nhân. Họ thường cố gắng không đưa ra quyết định để không phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, cấp trên lớn tuổi cũng thường đấu tranh quan điểm với những người trẻ tuổi. Người đi trước thường chỉ trích người trẻ ít dám chịu trách nhiệm trong công việc, trong khi người trẻ phàn nàn rằng tiền bối của họ làm việc quá cổ hủ".
Người trẻ Hàn Quốc ngày nay thích những công việc đầy thử thách trong những công ty tư nhân lớn. Ảnh: BBC. |
Choi tiết lộ rằng một bộ phận công chức, những người đã vượt qua kỳ thi tuyển đầy khó khăn sau nhiều năm ôn luyện, vẫn chọn bỏ việc chỉ sau vài tháng hoặc vài năm. Họ cảm thấy công việc này không phù hợp với họ.
"Những người thuộc thế hệ cũ có thể chịu đựng sự căng thẳng ở nơi làm việc nhưng thế hệ MZ thì khác. Thay vào đó, họ lựa chọn nhảy việc còn hơn", bà nói.
Nói thêm về vấn đề này, giáo sư Seol giải thích: "Hành vi này được nhìn thấy trong nhiều lĩnh vực công nghiệp khác, có thể được coi là một trong những đặc điểm làm việc của thế hệ MZ".
Theo Cơ quan Dịch vụ hưu trí cho nhân viên của Chính phủ, 5.961 công chức từ 18 đến 35 tuổi đã nghỉ việc vào năm 2020, con số này tăng đáng kể so với 4.375 người vào năm 2017.
Đơn vị khảo sát Next Research cũng tiết lộ rằng hơn 40% trong số 380 công chức tham gia khảo sát cho biết họ phải làm việc với những cấp trên không bao giờ biết lắng nghe.
Không thể cân bằng
Các nhân viên công chức tại Hàn Quốc từ lâu được coi là có sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống hơn hầu hết mọi người. Thế nhưng điều này dường như không còn đúng nữa.
Theo dữ liệu của Next Research, chỉ 40% công chức cho biết họ có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, với hơn 36% người lao động đang cân nhắc chuyển việc do khối lượng công việc quá lớn.
"Người dân ngày nay kỳ vọng cao hơn vào chính phủ và muốn nhận được các dịch vụ công tiện lợi, phức tạp hơn. Nhưng các công chức chịu rất nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch, họ phải tiếp tục công việc của mình trong khi cấp quản lý phải trực tiếp tham gia công tác chống dịch, hỗ trợ nhân viên y tế", Choi lý giải.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng hầu hết mọi người đều không nhận thức được những khó khăn của công chức.
"Nhiều người ở Hàn Quốc nói rằng nên cắt giảm một nửa số lượng công nhân viên chức vì chúng tôi không làm gì cả. Cá nhân tôi không kể nhiều về công việc của mình cho bất kỳ ai, không chỉ vì nó được trả lương thấp, mà còn bởi vì không ai thực sự tin chúng tôi về những gì mình đang làm", bà nói thêm.