Thông tin được Sở Y tế Hà Nội công bố sáng 3/9. Trường hợp nhiễm nCoV được phát hiện trong cộng đồng là chị N.T.T.M., 31 tuổi, trú tại Yên Phụ, Tây Hồ. Người này làm nghề bán hàng online và có biểu hiện sốt, ho, đau họng từ ngày 28/8.
Ngày 1/9, chị M. khai báo với trạm y tế địa phương và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy người này dương tính với SARS-CoV-2.
Thành phố cũng ghi nhận 12 trường hợp khác nhiễm nCoV đang trong khu cách ly hoặc vùng phong tỏa. Trong đó, ổ dịch Thanh Xuân Trung tiếp tục diễn biến phức tạp khi xác định thêm 6 người dương tính với nCoV. Tổng số ca nhiễm tại ổ dịch này đã lên tới 399.
6 trường hợp còn lại đều là F1, có độ tuổi từ 11 đến 81, trú tại Đông Anh, Nguyên Khê (Đông Anh); Văn Miếu, Thổ Quan (Đống Đa) và Đại Mỗ (Nam Từ Liêm).
Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.379 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn trước đó cũng được Bộ Y tế công bố 190 ca nhiễm.
Hà Nội thời gian qua ghi nhận một số ổ dịch có diễn biến phức tạp khác bên cạnh Thanh Xuân như Văn Miếu ( ca nhiễm), Văn Chương (89), ngõ 24 Kim Đồng (46), chợ Ngọc Hà (16), Tân Lập (16).
Ngày 2/9, thành phố đã thống nhất thiết lập 3 vùng giãn cách xã hội theo mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Trên cơ sở đó, đối với khu vực có nguy cơ rất cao - “vùng đỏ”, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Tại các khu vực nguy cơ cao - “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn - “vùng xanh” được điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 để phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ”.