![]() |
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cảnh báo giả mạo. Ảnh: PVOIL. |
Ngày 12/2, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đăng bài viết cảnh báo tình trạng giả mạo chữ ký, con dấu và logo thương hiệu của trường nhằm cung cấp thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên và uy tín của trường.
Theo hình ảnh nhà trường cung cấp, hai văn bản có nội dung "Trúng tuyển chương trình tuyển sinh trao đổi sinh viên Việt Nam và Tokyo University" và "Giao lưu sinh viên quốc tế - chương trình liên kết đào tạo chứng chỉ chuyên ngành" đã sử dụng logo, tên trường, đồng thời làm giả dấu mộc của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy và Hiệu trưởng Lê Hiếu Giang.
Đáng chú ý, văn bản có đóng dấu mộc của HCMUTE và chữ ký PGS.TS Lê Hiếu Giang, kẻ giả mạo lại để chức vị của ông là phó hiệu trưởng, thay vì hiệu trưởng.
![]() ![]() |
Hai văn bản được Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khẳng định là giả mạo. Ảnh: FBNT. |
Khác với kiểu văn bản giả mạo thông báo đến toàn thể người học mà sinh viên các trường đại học khác nhận được, sinh viên của HCMUTE lại nhận được văn bản chỉ đích danh một cá nhân cụ thể.
Ví dụ, văn bản thông báo trúng tuyển chương trình trao đổi với Đại học Tokyo đề cập đến một sinh viên tên là Hoàng Lâm, mã số sinh viên là 23143021, học khoa Chế tạo máy - Việt Nhật.
Văn bản này nêu rằng sinh viên có cơ hội học tập 2 năm tại Nhật Bản và có cơ hội xét liên ngành thạc sĩ. Để được du học, sinh viên phải chứng minh tài chính, sao kê điện tử và nộp hồ sơ học lực.
Văn bảo thông báo giao lưu sinh viên quốc tế lại gửi đến một sinh viên tên là Trịnh Tùng Trị, học ngành Công nghệ kỹ thuật Ôtô, có mã sinh viên là 19145487, cũng yêu cầu sinh viên chứng minh tài chính để được tham gia chương trình du học trao đổi tại Đài Loan dành cho sinh viên thực tập tốt nghiệp.
Thậm chí, văn bản này còn đặt ra tiêu chí xét học bổng dựa trên khả năng tài chính của sinh viên. Ví dụ, sinh viên sẽ được xét cấp học bổng toàn phần nếu có hồ sơ học lực, chứng chỉ học phần liên quan và thuộc top 5 hồ sơ chứng minh tài chính.
"Nhà trường khuyến cáo sinh viên và quý phụ huynh cần thận trọng, chỉ tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thống để tránh bị lừa đảo hoặc tiếp cận thông tin không chính xác", Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhắc nhở.
Từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, hàng loạt trường đại học trên cả nước đăng bài viết cảnh báo tình trạng lừa đảo cấp học bổng, du học trao đổi hoặc các cuộc thi văn hóa, thể thao... nhằm nhắm đến các đối tượng là học sinh, sinh viên, phụ huynh.
Thậm chí, một trường đại học phải cảnh báo đến 2 lần. Bộ GD&ĐT và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng bị giả mạo con dấu, chữ ký.
Dưới đây là danh sách các trường đại học, cơ quan nhà nước đã đăng bài cảnh báo giả mạo (click vào tên trường để xem thông tin chi tiết):
STT | Tên trường | STT | Tên trường |
1 | Bộ GD&ĐT - Cảnh báo lần 1 - Cảnh báo lần 2 - Cảnh báo lần 3 | 2 | Đại học Bách khoa Hà Nội - Cảnh báo lần 1 - Cảnh báo lần 2 |
3 | Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) | 4 | Đại học Điện lực |
5 | Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) | 6 | Đại học Quốc gia Hà Nội |
7 | Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) | 8 | Đại học Công nghiệp TP.HCM |
9 | Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM | 10 | Đại học FPT |
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.