Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người đẹp thường được ưu ái khi đi phỏng vấn. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
“Hãy trông thật đẹp khi đi phỏng vấn", Erin McGoff, TikToker sở hữu 2,8 triệu người theo dõi, nói trong video mới nhất để chia sẻ kinh nghiệm cho các buổi phỏng vấn xin việc.
Theo cô, điều này xuất phát từ "halo effect" (hiệu ứng hào quang), một hiện tượng tâm lý mô tả một người thay đổi quan điểm vì có ấn tượng tích cực với đối phương. Ví dụ, một người có vẻ ngoài hấp dẫn thường được cho là thông minh và tốt bụng.
“Điều này ăn sâu vào bản chất con người. Mọi người đều mắc phải một cách vô thức”, McGoff khẳng định trong video của mình, Business Insider đưa tin.
Người đẹp thường được ưu ái khi tuyển dụng. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels. |
Đặc quyền của người đẹp
“Đặc quyền dành cho người đẹp” là điều có thật trong các cuộc phỏng vấn xin việc.
Một nghiên cứu năm 2021 của các chuyên gia tại Đại học Buffalo (Mỹ) cho thấy những người hấp dẫn "có nhiều khả năng được tuyển dụng hơn, nhận được đánh giá tốt hơn và được trả nhiều tiền hơn".
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ 300 cuộc phỏng vấn video và kết luận rằng những người đẹp thường tự tin và tỏ ra mạnh mẽ hơn trong quá trình phỏng vấn, điều này giúp họ dễ ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Nhiều nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người đàn ông có ngoại hình thường có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn và được đề nghị thăng chức thường xuyên.
Robert I. Gosseen, luật sư về lao động và việc làm tại Mỹ, cho biết ngay cả khi có nhiều luật được đưa ra để chống lại sự thiên vị thì sự phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình vẫn tồn tại.
“Luật pháp ban hành những quy tắc để chống lại sự thiên vị, tuy nhiên, việc bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài của ai đó vẫn có thể gây ảnh hưởng đến những quyết định tại nơi làm việc, tạo nên sự thiếu công bằng", luật sư nói thêm.
Theo chuyên gia, ngoại hình cũng là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả tuyển dụng, song điều ta cần chứng minh là bản thân có sự chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels. |
Xem buổi phỏng vấn như "buổi hẹn hò đầu tiên"
Trả lời với Business Insider, McGoff cho biết cô không có ý nói mọi người hãy trở nên "thật quyến rũ". Thay vào đó, TikToker này cho rằng việc ăn mặc gọn gàng và trông đẹp nhất là cách dễ dàng nhất để ghi điểm đầu tiên.
Theo nhà sáng tạo nội dung, trong suốt chiều dài lịch sử đến hiện tại, con người luôn thích nhìn những người đẹp.
Vấn đề này có 2 mặt để nhìn nhận.
Có thể một số người cảm thấy thiếu công bằng khi có những người sinh ra đã đẹp bẩm sinh, họ tự nhiên phù hợp với các tiêu chuẩn vẻ đẹp của xã hội và có được sự ưu tiên nhờ ngoại hình.
Tuy nhiên, McGoff cho rằng có những điều chúng ta có thể thay đổi để mang lại cho mình lợi thế.
"Chúng ta chỉ cần kiểm soát những việc đơn giản như tắm, chải tóc, quần áo gọn gàng. Việc chăm chút bản thân khiến một người gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nhưng họ thường không chú ý đến", cô chia sẻ thêm.
McGoff khuyên mọi người hãy coi cuộc phỏng vấn "giống như buổi hẹn hò đầu tiên".
"Chỉ cần cố gắng trông đẹp thôi. Tuy nhiên, đẹp không nhất thiết phải đi kèm với việc trang điểm hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn vẻ đẹp truyền thống. Thay vào đó, bạn có thể làm bất cứ điều gì để cảm thấy tự tin và thoải mái, có thể là làm xoăn tóc, không trang điểm, hoặc bất kỳ điều gì khác mà bạn cho là phù hợp với bản thân mình", McGoff nói.
Mặc dù ngoại hình có thể quan trọng ở một mức độ nào đó, Christian Lovell, chuyên gia nghề nghiệp tại SoFi, cho rằng điều quan trọng là phải phân biệt được giữa vẻ ngoài và tính chuyên nghiệp.
“Vẻ ngoài và mức độ hấp dẫn của bạn với người khác là điều nằm ngoài tầm kiểm soát và có thể được đánh giá một cách chủ quan bởi những người khác nhau. Nhưng mức độ chuyên nghiệp và sự chuẩn bị của bạn 100% nằm trong tầm kiểm soát”, chuyên gia nhận định.
Theo Lovell, việc thể hiện bản thân một cách chuyên nghiệp không phải là đáp ứng các tiêu chuẩn vẻ đẹp mà là thể hiện sự tôn trọng và chứng minh bản thân đã có chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn.
Nhiều công ty sẽ lộ rõ cờ đỏ khi quá chú trọng đến ngoại hình ứng viên. Ảnh minh họa: RDNE Stock project/Pexels. |
Cẩn thận với “red flag”
Sebastian Morgan, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cấp cao tại CV Genius, cho rằng ngay cả khi ai đó trông gọn gàng, đeo trang sức, mặc quần áo đẹp và nỗ lực trông tốt nhất có thể, họ vẫn có thể thua một người đẹp tự nhiên.
Các nhà tuyển dụng vẫn có thể thiên vị, đánh giá ứng viên dựa trên vẻ đẹp, sức hút của họ, chứ không chỉ dựa trên cách tự trang điểm hoặc ăn mặc.
Theo Morgan, điều này thường xảy ra khi tuyển dụng các vai trò tiếp xúc với khách hàng, chẳng hạn như bán hàng, PR và truyền thông.
“Một số người sẽ nghĩ đó là ‘ưu tiên vì đẹp', nhưng thật ra đó là một yếu tố quan trọng mà nhà tuyển dụng cần ở ứng viên, bên cạnh kỹ năng của họ", ông nói.
Morgan nói thêm rằng các nhà tuyển dụng nên nhận ra sự thiên vị vô thức có thể ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng của họ và cần phải nỗ lực giảm thiểu chúng.
Cuối cùng, McGoff kết luận chúng ta nên tự bảo vệ mình khi bước vào một cuộc phỏng vấn xin việc và tự nỗ lực theo cách phù hợp. Theo cô, quan trọng hơn hết là nên xác định công ty có phù hợp với mình hay không. Nếu một nhà tuyển dụng quá chú trọng vào ngoại hình của ai đó, điều này chỉ chứng minh đó là một môi trường làm việc độc hại.
“Nếu một người không tuyển bạn chỉ vì bạn không chuốt mascara thì đó là một dấu hiệu cờ đỏ. Tôi mừng vì bạn đã sớm phát hiện ra điều đó”, McGoff nói.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.