Lương Hải Như đã mất tích được 4 tháng. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Ngày 23/11, trao đổi với Zing, ông Lương Viết Tuyên (bố Hải Như) cho biết gia đình đã nhận được kết quả giám định ADN thi thể phát hiện trên sông Tô Lịch hôm 7/10 từ cơ quan công an. Theo kết quả này, thi thể phát hiện hôm 7/10 trên sông Tô Lịch không phải Lương Hải Như.
"Công an cho biết thi thể này không phải của Hải Như. Công an xác định thi thể này là nữ giới, đã lớn tuổi", ông Tuyên nói.
Ông Tuyên chia sẻ sau khi phát hiện thi thể nghi của Hải Như, gia đình huy động người, tập trung tìm kiếm trên sông Tô Lịch, đoạn gần nơi phát hiện thi thể nhưng không có kết quả.
"Suốt 4 tháng trời gia đình liên tục tìm kiếm nhưng đều không có kết quả. Chúng tôi kiệt quệ cả sức lực lẫn kinh tế. Những nơi nghi ngờ gia đình cũng đều đã tìm hết rồi, giờ không biết phải tìm Hải Như ở đâu", bố cô gái mất tích từ hồi giữa tháng 7 chia sẻ.
Cảnh sát huy động chó nghiệp vụ tìm kiếm Hải Như nhưng không có kết quả. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Trước đó, ngày 27/7, Công an TP Hà Nội ra quyết định truy tìm người mất tích có dấu hiệu liên quan đến tội phạm. Người được truy tìm là Lương Hải Như, sinh năm 1999, mất tích từ ngày 14/7.
Theo gia đình, Như ra khỏi phòng trọ ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa lúc 20h ngày 14/7. Đến 21h, không liên lạc được với em gái, người thân đã lần theo định vị trên điện thoại để tìm thì thấy địa điểm thay đổi từ xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ sang khu vực cầu Cù Sơn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức.
Trưa 2/8, trong quá trình tìm kiếm ở khu vực cầu Cù Sơn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, gia đình nạn nhân đã phát hiện một chiếc dép của Hải Như. Trưa 6/8, gia đình tìm thấy túi xách của Hải Như ở mép bờ sông ở cầu Tân Phú, huyện Quốc Oai, cách nơi tìm thấy chiếc dép khoảng 500-600 m.
Cảnh sát từng huy động chó nghiệp vụ tìm kiếm Hải Như, tuy nhiên không phát hiện thêm manh mối.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.