1. Thị xã nào có tên ngắn nhất Việt Nam?
Với chỉ 4 chữ cái, Sa Pa và La Gi hiện là 2 thị xã có tên ngắn nhất Việt Nam. Thị xã Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai. Thị xã La Gi thuộc tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Tâm Đỗ. |
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết thành lập thị xã Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai vào năm nào?
Cuối năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Sa Pa, thuộc tỉnh Lào Cai, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020. Sau khi trở thành thị xã, Sa Pa hiện có 6 phường và 10 xã. Ảnh: Phạm Bằng. |
3. Nhà thờ cổ ở Sa Pa được xây dựng vào khoảng thời gian nào?
Nhà thờ cổ là một trong những kiến trúc nổi bật, mang tính biểu tượng ở Sa Pa. Cổng TTĐT thị xã Sa Pa cho biết nơi đây còn được gọi là nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20. Phía trước nhà thờ là không gian khá rộng và bằng phẳng, phía sau nhà thờ được che chắn bởi núi Hàm Rồng kỳ vĩ. Ảnh: Austin Tung Nguyen. |
4. Cách trung tâm Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam là điểm đến nổi tiếng nào?
Đỉnh Fansipan cao 3.143 m, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương", điểm đến này thu hút nhiều du khách yêu thích chinh phục, khám phá. Ảnh: Phương Linh. |
5. Năm 2020 kỷ niệm bao nhiêu năm thành lập thị xã La Gi thuộc tỉnh Bình Thuận?
Năm 2020 đánh dấu mốc kỷ niệm 15 năm thành lập thị xã La Gi (5/9/2005-5/9/2020). Thị xã La Gi nằm ở phía tây nam tỉnh Bình Thuận, hiện có 5 phường, 4 xã, là đô thị lớn thứ 2 của tỉnh này sau TP Phan Thiết. Ảnh: Lagi Today. |
6. Bờ biển La Gi dài khoảng bao nhiêu km?
La Gi có đường bờ biển dài khoảng 28 km với nhiều bãi biển đẹp, thu hút du khách như Đồi Dương, Cam Bình... Cách bờ biển La Gi khoảng 2 km là Hòn Bà, có miếu thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, như một biểu tượng của thị xã. Ảnh: Tho.Tiffany. |
7. La Gi được nhiều người biết đến với món ăn nào sau đây?
Những năm gần đây, chả lụi La Gi được nhiều người biết đến như một món ngon của ẩm thực Bình Thuận. Để làm chả lụi, người ta dùng bánh tráng mỏng gói nhân ở giữa, thường là nhân tôm thịt quết nhuyễn, rồi đem chiên hoặc nướng giòn rụm. Một phần chả lụi còn có các loại rau thơm, xoài, dưa leo, nem, chả, trứng xắt mỏng cùng nước chấm ăn kèm. Ảnh: Khánh Linh. |